Bí kíp để điều trị... "bọn khủng bố", bạn đã biết chưa?

(lamchame.vn) - Facebooker Giao Giao Giao gọi vui những đứa trẻ của mình là "bọn khủng bố". Những chia sẻ của chị về việc rèn giũa, uốn nắn con trẻ từ khi còn nhỏ xíu chắc chắn sẽ là cẩm nang thú vị và cần thiết với nhiều ông bố bà mẹ có con đang ở giai đoạn hình thành tính cách.

Giao Giao Giao khuyên các ông bố bà mẹ cần mạnh mẽ và cứng rắn khi giáo dục "khủng bố", nếu muốn con trở thành em bé ngoan: "Đừng đổ lỗi cho ai khi con mình hư. Đừng cho rằng lớn lên nó sẽ hết chướng. Đừng nhu nhược khiếp sợ khi chúng nôn ói hay gào thét. Chúng luôn sợ hãi người mạnh hơn. Chúng sẽ không bao giờ dám lặp lại hành vi hư nếu biết rằng tất cả mọi người sẽ quay lưng hay trừng phạt chúng".

Facebooker xinh đẹp này cũng khẳng định, để trẻ ngoan, không chỉ bố mẹ cương quyết, cứng rắn mà còn cần sự hỗ trợ, ủng hộ của ông bà cũng như cả gia đình: "Phải nhìn thấy thói xấu của con mình từ lúc rất bé, thói hung dữ, mè nheo, ăn vạ, hỗn láo, để nghiêm khắc điều chỉnh từ những lần đầu tiên. Sự thống nhất của bố mẹ ông bà trong nhà, quyết không dung thứ kiểu nhảy lên ghế lên giường, gào thét ăn vạ, hỗn láo hay nói leo, đập phá đồ chơi, đánh bạn...., là vô cùng quan trọng".

Muốn con không hư là điều mọi ông bố, bà mẹ đều ao ước nhưng không phải ai cũng làm được.

Những chia sẻ của Giao Giao Giao về việc làm sao để con không hư mà mọi ông bố bà mẹ đều nên tham khảo:

Làm sao để con không hư á?

Muốn con không hư, đầu tiên, phải biết ghét trẻ em hư, ghét người nuông chiều con vô lối, biết thương một đứa bé lớn lên thiếu giáo dục.

Phải nhìn thấy thói xấu của con mình từ lúc rất bé, thói hung dữ, mè nheo, ăn vạ, hỗn láo, để nghiêm khắc điều chỉnh từ những lần đầu tiên. Sự thống nhất của bố mẹ ông bà trong nhà, quyết không dung thứ kiểu nhảy lên ghế lên giường, gào thét ăn vạ, hỗn láo hay nói leo, đập phá đồ chơi, đánh bạn...., là vô cùng quan trọng.

Làm mẹ độc lập, là biết mềm mỏng kiên quyết thống nhất các nguyên tắc dạy con với ông bà nội ngoại, tránh cho họ can thiệp, nuông chiều cháu vô lối. Biết rằng chính mình, là người có trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con, không ỷ lại, lệ thuộc, không cho ai lung lạc hay gây khó dễ...

Đừng đổ lỗi cho ai khi con mình hư. Đừng cho rằng lớn lên nó sẽ hết chướng. Đừng nhu nhược khiếp sợ khi chúng nôn ói hay gào thét. Chúng luôn sợ hãi người mạnh hơn. Chúng sẽ không bao giờ dám lặp lại hành vi hư nếu biết rằng tất cả mọi người sẽ quay lưng hay trừng phạt chúng. Chúng rất sợ bị bỏ mặc và bị không yêu. Chúng rất khôn ngoan thi gan độ lì độ chướng với sự yếu đuối của bố mẹ.
Trẻ em từ 1 tuổi đã nhận thức được rất nhiều thứ. Uốn được từ lúc này bằng cách nếu ngoan thì được ôm vào lòng, hư thì bị lạnh nhạt.

Nhiều cha mẹ cứ ép con chào hỏi khách để khoe con ngoan, mà không biết rằng trẻ em trước hết cần được dạy các nguyên tắc về an toàn, về sự ngăn nắp, về giờ giấc và về vệ sinh, sau đó mới đến các ứng xử xã hội.

Làm sao để mình có thể nói với những ông bố bà mẹ sành điệu, có những đứa trẻ xinh đẹp thiếu giáo dục, rằng:

1. Đừng mang trẻ con đến những buổi tiệc những event cho người lớn. Đừng cho con nói leo hay tham gia chuyện người lớn. Đừng cho con nhảy lên giường trèo lên ghế bôi bẩn khi đến nhà khác. Đừng để con gào thét ăn vạ.

2. Hãy kiên nhẫn dạy con từng tí một, hãy kiên định thống nhất thưởng phạt hay khen chê, đừng mang con ra đám đông rồi mới tỏ ra nghiêm khắc

3. Mỗi ngày trẻ con cần được nhắc nhớ chúng rất được yêu, được tin cậy. khi nói mẹ yêu con, hãy ôm chúng thật lâu, dạy cho con biết tình yêu phải được tỏ bầy.

4. Hãy chấp nhận sự đặc biệt của mỗi đứa trẻ, béo gầy vụng về xấu xí hay ít nói, e thẹn hay hướng nội, đều là những thứ rất riêng tư trời cho, bạn đừng quá thất vọng, khiến con căng thẳng và tủi thân.

Nếu con bạn dưới 5 tuổi, có thể áp dụng vài bí kíp điều trị "bọn khủng bố":

- Khi chúng gào khóc, Cả nhà liền quây quần hát to hay cười vui, cùng nhau lờ chúng đi. Chúng rất sợ cảm giác bị cho ra rìa.

- Nếu chúng la hét, hay không ngừng leo thang, ôm chặt không cho chúng giẫy dụa cắn cấu. Chúng rất nhớ cảm giác yếu ớt và khuất phục khi lên cơn chướng. đừng đánh con, hãy trừng phạt, đủ nghiêm khắc nhưng không làm trẻ tổn thương. sau khi phạt, chúng cần được ôm vào lòng và giải thích đúng sai. chúng cần được tha thứ, và được hiểu vì sao chúng bị phạt.

- Trước khi đi đâu, thoả thuận trước nguyên tắc, ví dụ con không được đòi về, không được đòi ipad, không nói leo, mè nheo. Nếu vi phạm lập tức đưa về nhà ngay dù phải bỏ dở 1 cuộc vui. Chỉ vài lần con sẽ có nền nếp nghiêm túc.

- Khen ngợi động viên hào hứng khi con chào hỏi, dọn đồ chơi, ngủ đúng giờ. Trẻ con y như đàn ông, cần được động viên và thích làm người tốt. Thích được thấy bố mẹ hãnh diện về mình.

- Điều quan trọng nhất, thường xuyên cười đùa nói chuyện khi con còn nhỏ, kể cho con nghe về những cậu bé ngoan cậu bé hư, làm gương cho phải trái đúng sai, cho con biết thế nào là hành vi không thể chấp nhận được.

Bạn phải tin rằng, bạn có thể nghèo khổ xấu xí, nhưng nhất quyết, không bao giờ chấp nhận, có một đứa con hư....

t

Theo VTC

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU