Bé N.M.V 4 tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng như bao em bé khác, hoạt bát và hiếu động. Không may, trong quá trình vui chơi, bé bị tủ đè vào bàn tay phải. Thấy bé kêu đau nhức nhiều, mẹ đưa bé đến khám tại nhà một thầy lang thông qua giới thiệu của một người quen.
Mẹ bé cho biết, thầy lang không sử dụng bất cứ một kỹ thuật chẩn đoán hiện đại nào mà chỉ xử trí bằng cách đắp lá và bó chặt vào vùng mu bàn tay phải, hẹn ngày trở lại thay thuốc.
Ngày hôm sau, thấy con không đỡ mà còn kêu đau nhiều hơn, bàn tay sưng to, mẹ bé mới lo lắng đưa con đến một cơ sở y tế để kiểm tra và được chẩn đoán gãy xương ngón tay số 3, 4, 5 và xử lý bằng phương pháp bó bột bên ngoài lớp lá đắp.
Một tuần sau, bé tiếp tục kêu đau nhiều, bàn tay sưng to, sốt khiến mẹ vô cùng hoang mang lo lắng nên đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc .
Kết quả chụp X-quang cho thấy bé bị gãy xương bàn tay phải số 3, 4, 5, không lệch. Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện vùng tụ máu lớn dưới da mu bàn tay phải hình thành ổ viêm hoại tử do lóc da kích thước 30x9,8x30mm có dấu hiệu sưng tấy lan rộng, thâm nhiễm mỡ xung quanh. Bàn tay phù nề nghiêm trọng.
Ảnh chụp X-quang bàn tay phải bệnh nhi N.M.V ngày 13/3/2021
Sau khi chẩn đoán, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt tổ chức da hoại tử, lấy máu tụ và mủ, dẫn lưu, rửa sạch vết thương và điều trị bằng thuốc, nẹp bột cẳng bàn tay.Bác sĩ Nguyễn Giang Lam – bác sĩ chủ trị ca bệnh cho biết: “Tình trạng của bé ban đầu không nghiêm trọng nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, việc mẹ cho bé đi khám và đắp thuốc lá ngay khi bé bị chấn thương đã làm chậm cơ hội cứu bàn tay. Bên cạnh đó, việc xử trí thiếu triệt để trước đó khiến cho chấn thương tuy nhỏ nhưng tiến triển nặng thêm gây chảy máu dưới da một cách từ từ dẫn đến phù nề, tụ máu và nhiễm trùng khối máu tụ cấp độ 3. Tình trạng này nếu không xử lý kịp thời và triệt để có thể dẫn đến hoại tử toàn bộ da mu bàn tay và có thể dẫn đến nhiễm trùng lan rộng, viêm màng hoạt dịch, hoại tử toàn bộ bàn tay. Nếu xử lý được cũng sẽ ảnh hưởng làm hạn chế cơ năng và gây mất thẩm mỹ mu bàn tay”.
Quá trình điều trị nội trú sau phẫu thuật đối với bệnh nhi còn nhỏ tuổi gặp nhiều khó khăn do bé quấy khóc, không hợp tác. Tuy nhiên, đội ngũ bác sĩ, y tá đã hết sức dỗ dành chu đáo, nhẹ nhàng để có thể chăm sóc và giúp bệnh nhi hồi phục nhanh chóng. Sau 5 ngày, vết thương đã se, ổn định, tốc độ lành nhanh, bé không còn đau đớn, tuy vẫn cần để tay phải nghỉ ngơi nhưng bé đã có thể ăn uống và vui chơi bình thường.
Hình ảnh bàn tay phải của bệnh nhi N.M.V sau phẫu thuật |
Thông qua trường hợp của bé N.M.V, các bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc khuyên các bậc cha mẹ: “Trẻ em nhỏ tuổi và hiếu động, chỉ cần gặp bất cứ một chấn thương nào cũng có thể gây ra hậu quả khó lường. Vì vậy, ngay khi xảy ra chấn thương, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để khám, đánh giá và sơ cứu ban đầu cũng như điều trị kịp thời sẽ tránh được các rủi ro tai biến cho bé sau này. Bởi vì nếu chậm trễ, để xảy ra các tai biến sẽ gây khó khăn cho việc chữa trị và để lại nhiều di chứng cho bé”. Mặt khác, bác sĩ cũng nhấn mạnh, cha mẹ nên lựa chọn các bệnh viện uy tín, không nên đến thầy lang hay các cơ sở y tế không đủ điều kiện khám chữa bệnh và chưa được cấp phép hành nghề.
Theo Tiền Phong