Biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết trong mùa hè

(lamchame.vn) - Thời gian gần đây, bệnh sốt xuất huyết đang xảy ra ngày càng nhiều với những biến chứng ngày một nguy hiểm hơn. Chính thời tiết nắng nóng kết hợp với mưa nhiều đã tạo điều kiện cho bệnh sốt xuất huyết hình thành và lan rộng ra nhiều hơn.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Virus Dengue - nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết do virus dengue gây ra, là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng bùng phát thành dịch. Đây là bệnh rất phổ biến trên cả nước, từ bắc vào nam, từ thành thị đến nông thôn đều có thể bị nhiễm bệnh. Sốt xuất huyết có thể xảy ra quanh năm nhưng thường dễ bùng phát thành dịch vào mùa hè, khi thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm tăng cao. Bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt, chủ yếu là 2 loại thuộc họ muỗi vằn, 2 tác nhân truyền bệnh này có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus.

Sốt xuất huyết nguy hiểm đến mức nào?

Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có thuộc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Sốt xuất huyết rất dễ bùng phát thành dịch lớn, gây khó khăn trong công tác điều trị. Bệnh có thể gây tử vong ở cả người lớn và trẻ em, làm thiệt hại về cả người và của.

Bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể bị mắc lại. Bởi ở Việt Nam xuất hiện cả 4 típ gây bệnh D1, D2, D3 và D4, mỗi típ lại luân phiên gây dịch khác nhau và miễn dịch của người sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu với típ đó.

Đặc điểm của muỗi truyền bệnh

Thuộc họ muỗi vằn, thân màu đen, chân có đốm trắng.

Thường đốt người vào ban ngày, hoạt động nhiều nhất vào sáng sớm và chiều tối.

Muỗi truyền bệnh thường lưu trú ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và một số đồ dùng sinh hoạt khác.

Loại muỗi này thường sinh sản trong các ao, hồ, vũng nước hay các dụng cụ chứa nước trong nhà như bể nước, giếng, chum, vại,... Chúng thường sinh sản rất nhanh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trên 20oC, độ ẩm không khí tăng cao.

Muỗi vằn là tác nhân lây truyền sốt xuất huyết.

Dấu hiệu mắc bệnh

Thể nhẹ: Là khi người bệnh mới nhiễm virus. Thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39-40oC trong khoảng một tuần và khó hạ sốt. Đầu đau dữ dội ở trán và hốc mắt. Các cơ và xương khớp đau mỏi, người bệnh cảm thấy mệt lả. Xuất hiện chấm đỏ hoặc nốt xuất huyết trên da, nhất là tại các vùng tì đè. Xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Những triệu chứng cơ bản của bệnh sốt xuất huyết.

Thể nặng: Bao gồm các triệu chứng ở thể nhẹ kèm theo xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, bầm tím ở vị trí tiêm, nôn ra máu và đi cầu ra phân đen do bị xuất huyết nội tạng. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh toát, vật vã và hốt hoảng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp. Trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất dễ dẫn đến tử vong.

Khi có người xuất hiện các triệu chứng như trên, cần ngay lập tức đưa đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm hoặc lây lan thành dịch.

Biện pháp phòng bệnh

Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy và không để bị muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi:

  • Đậy kín các dụng cụ chứa nước để chúng không thể vào đẻ trứng.
  • Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt bọ gậy.
  • Thau rửa, bồn rửa cần được vệ sinh thường xuyên và để khô ráo.
  • Thu gom các vật liệu phế thải, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở sạch sẽ, không để ao tù, nước đọng.

Phòng tránh bị muỗi đốt:

  • Mặc quần áo dài tay.
  • Buông màn ngay cả khi ngủ trưa.
  • Dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi,...
  • Thường xuyên diệt muỗi.
  • Tránh để người bênh sốt xuát huyết bị muỗi đốt bằng cách để bệnh nhân nằm trong màn và cách ly với môi trường xung quanh.

Theo VTC News

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU