Phú quý, danh vọng rồi cũng là không
Có một người trẻ tuổi đến bên bờ hồ, thấy dưới nước có thỏi vàng lấp lánh. Anh ta rất vui mừng liền nhảy xuống nước để mò vàng. Nhưng mặc dù ra sức lặn xuống mò không biết bao nhiêu lần, anh ta vẫn không mò được. Cuối cùng sức cùng lực kiệt, khắp người ướt sũng, bùn đất bẩn thỉu, anh ta bèn lên bờ ngồi nghỉ. Không ngờ, mặt nước một lúc sau lại phẳng lặng, thoi vàng lại hiện ra nơi đáy nước. Anh ta nghĩ, thỏi vàng dưới nước rốt cuộc là ở đâu? Rõ ràng mình nhìn thấy, tại sao mò không được? Thế rồi anh ta lại nhảy xuống nước mò vàng. Vẫn vô ích như trước, chẳng mò được, nhưng anh ta không chịu từ bỏ. Lúc đó cha anh ta đến, thấy con trai toàn thân ướt đẫm, bẩn thỉu đầy bùn đất, bèn hỏi:“Xảy ra chuyện gì vậy?”. Người con trả lời: “Rõ ràng con thấy thỏi vàng dưới nước, nhưng không biết bao nhiêu lần rồi con lặn xuống mò mà vẫn không mò được”. Người cha nhìn mặt nước phẳng lặng, rồi ngẩng đầu nhìn lên cây, nói: “Con xem, thỏi vàng không ở dưới nước mà nó ở trên cây”. Cuộc đời luôn tồn tại những điều trái ngược, đối lập, có được thì ắt sẽ có mất, có thắng thì ắt sẽ có thua, có khỏe thì ắt sẽ có yếu, có trẻ thì ắt sẽ có già, có đẹp thì ắt sẽ có xấu, có vinh thì ắt sẽ có nhục, có phúc thì ắt sẽ có họa. Đó chính là cái lý tương sinh tương khắc. Lão Tử viết trong “Đạo đức kinh” rằng: “Họa hề phúc chi sở ỷ; phúc hề, họa chi sở phục”, nghĩa là “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa đang rình rập”. Bất luận một sự tình gì phát sinh đều chỉ có thể có hai loại kết quả đó là tốt hoặc xấu. Vạn sự vạn vật trong vũ trụ này đều là như thế. Mộtsự tình xảy ra, nó có thể là tốt và cũng có thể là không tốt. Sự phát triển của sự vật đều là có thể chuyển hóa giữa tốt và xấu. Đôi khi sự việc tốt có thể chuyển thành xấu và sự việc xấu có thể chuyển thành tốt. Cổ nhân giảng: “Nhật vãng tắc nguyệt lai, nguyệt vãng tắc nhật lai, nhật nguyệt tương thôi nhi minh sinh yên; hàn vãng tắc thử lai, thử vãng tắc hàn lai, hàn thử tương thôi nhi tuế thành yên.” (Tạm dịch: Mặt trời đi thì mặt trăng đến, mặt trăng đi thì mặt trời đến, mặt trăng và mặt trời cùng đắp đổi mà ánh sáng sinh ra vậy. Rét đi thì bức đến, bức đi thì rét đến, rét bức cùng đắp đổi mà năm tháng thành ra vậy. Không có bao giờ, mây trôi mãi che lấp hết cả mặt trời, ngày đông giá rét phủ kín khắp cả mùa xuân!). Trong “Lão Tử” viết: “Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác hĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện hĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan dịch tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy.” Ý nói rằng: Bởi vì thiên hạ đều biết, tốt là tốt, nên tự đã có xấu rồi. Bởi vì thiên hạ đều biết, thiện là thiện, nên tự đã có ác rồi. Cho nên, “có” với “không” là tương sinh, “khó” với “dễ” là là tương thành, “dài” với “ngắn” là cùng hình, “cao” với “thấp” là cùng chiều, “âm” với “thanh” là tương hòa, “trước” với “sau”là cùng theo. Mối quan hệ biện chứng giữa “phúc và họa”, “thành và bại”, “lợi và hại”, “tăng và giảm” trong cuộc sống cũng được trình bày và phân tích chi tiết trong tác phẩm “Nhân gian huấn”. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh về sự chuyển hóa tương hỗ giữa hai loại trạng thái này. Trong đó viết rằng: “Họa dữ phúc đồng môn, lợi dữ hại vi lân, phi thần thánh nhân, mạc chi năng phân.” Ý nói: Họa và phúc là ra vào cùng một cửa; lợi và hại là láng giềng của nhau. Nếu không phải là Thánh nhân thì không thể phân biệt được. Do đó, nếu mải mê đi tìm hạnh phúc trong những vinh hoa phú quý, danh vọng quyền thế, hay tiền tài, sắc đẹp… thì quả thật nguy hiểm. Đắc được đã khó, giữ được càng khó hơn, và theo lẽ tương sinh tương khắc, thì cuối cùng những thứ mà chúng ta vất vả tranh đấu, bôn ba ngược xuôi, lao tâm khổ tứ có được cũng sẽ mất. Khi sức cùng lực kiệt, tuổi già khô héo, mới thấy mọi thứ trống rỗng, giống như anh chàng nhảy xuống nước mò vàng vậy, như “Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”.
Hạnh phúc đích thực ở trong tâm
Một vị hành giả hỏi lão hòa thượng:“Trước khi đắc Đạo ngài làm gì?”. Lão hòa thượng trả lời:“Chặt củi, gánh nước, nấu cơm”. Vị hành giả lại hỏi: “Vậy sau khi đắc Đạo thì sao?”. Lão hòa thượng nói: “Chặt củi, gánh nước, nấu cơm”. Hành giả lại hỏi: "Như vậy nghĩa là đã đắc Đạo rồi sao?”. Hòa thượng già trả lời: “Trước khi đắc Đạo, khi chặt củi thì ta nhớ đến gánh nước, khi gánh nước ta lại nhớ đến nấu cơm. Sau khi đắc Đạo, chặt củi là chặt củi, gánh nước là gánh nước, nấu cơm là nấu cơm thôi”. Có câu “Đại đạo chí giản, tâm bình thường chính là Đạo”. Con người hiện đại luôn hối hả không ngừng với những lịch trình bận rộn, mải mê kiếm tiền, mải mê nhà lầu, xe hơi, danh vọng. Cái này mới còn chưa đạt được đã ham muốn cái khác. Khi quá nhiều ước vọng theo đuổi, những thứ ngoài thân sẽ chỉ khiến tâm bạn rối bời và mệt mỏi. Chỉ khi ham muốn ít đi, đặt trọn trái tim mình vào những việc đang làm, bạn mới có thể sống trọn vẹn để trải nghiệm và yêu thương cuộc sống. Phật gia giảng, “Hồi đầu thị ngạn” (quay lại là bờ), giống như anh chàng mò vàng kia, nếu ngẩng đầu lên thì thấy thoi vàng thực ở trên cây soi bóng xuống đáy nước. Hạnh phúc đích thực là ở trong tâm chúng ta, nó phản ánh ra thế giới bên ngoài qua những hình ảnh lấp lánh của công danh lợi lộc. Chúng ta cứ mải miết chạy theo cái bóng hư ảo đó, khác nào anh chàng kia cứ nhảy xuống nước mò vàng. Lão Tử nói: “Họa mạc đại ư bất tri túc. Cữu mạc đại ư dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ”, nghĩa là: “Không họa nào lớn bằng không biết đủ. Không hại nào lớn bằng muốn được của. Cho nên biết cho mình là có đủ, thời luôn luôn đủ”. Người biết đủ, là người có nội tâm yên tĩnh, lúc nào cũng thấy hài lòng với bản thân, không ngoại vật nào như danh vọng, tiền tài, nữ sắc, tình thế nhân có thể động đến họ được, do đó luôn luôn an nhiên, tự tại, tường hòa. Đó là hạnh phúc chân thực, đích thực. Đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là một vị vua không chỉ để lại những tấm gương chiến công lừng lẫy trong lịch sử dựng nước và giữ nước mà còn là sơTổ dòngThiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đặc trưng của Việt Nam đã làm rạng danh Phật giáo đời Trần, như một trong những đỉnh cao hưng thịnh của Phật giáo dân tộc. “Cư Trần Lạc Đạo” của Đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là một triết lý sống kết hợp đạo với đời. Ngài viết: “Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên Cơ tắc xan hề khốn tắc miên Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.” Dịch thơ: Ở đời vui đạo, hãy tuỳ duyên, Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền Hạnh phúc có sẵn trong tâm mỗi người, đâu cần lăn lộn ngược xuôi. Tìm về cái tâm mình, bỏ đi các ham muốn, dục vọng, danh lợi, khẩu khí, được mất, thắng thua, thì chúng ta tìm lại được kho báu của chính mình. Phật tính xuất hiện, như ánh vàng kim chói lọi, lúc đó, chúng ta có được hạnh phúc đích thực. Bước đi đầu tiên trở về với cái tâm của mình, trở về với bản tính thiện lương, là giảm dần các ham muốn, dục vọng. Nho gia cũng dạy “Dưỡng tâm mạc thiện ư quả dục” (Dưỡng tâm không gì tốt bằng ít ham muốn). Vạn sự khởi đầu nan, bước đi đầu tiên, giảm ham muốn dục vọng, là bước đi khó khăn nhất. Nhưng hành trình vạn dặm cũng bắt đầu bằng bước đi đầu tiên này.
Ham muốn và lòng tham là bạn đồng hành
Một hôm tên quỷ sứ già thấy lão nông dân sống cả ngày luôn thanh tao vui vẻ, bèn nghĩ: “Nếu đã như vậy thì cần gì có quỷ nữa”? Vậy là tên quỷ sứ già phái một tên tiểu quỷ đi quậy phá lão nông dân. Tên tiểu quỷ liền dùng phép thuật của mình biến đất canh tác của lão nông dân trở lên cứng như sỏi đá, muốn làm cho lão nông dân nản chí không làm nữa. Tuy nhiên, lão nông dân vẫn cần mẫn làm việc, không oán trời, oán đất, sớm hôm chăm chỉ làm việc. Tên quỷ già thấy vậy liền phái tên tiểu quỷ thứ hai đi phá đám, tên tiểu quỷ thứ hai cho rằng lấy trộm thức ăn và nước thì lão nông dân sẽ vì đói vì khát mà chán nản mà bỏ cuộc. Tuy nhiên, lão nông dân lại nghĩ: “Chắc người đó cần thức ăn và nước hơn mình, vậy cứ để họ lấy đi cũng được”. Tên tiểu quỷ thứ hai thất bại quay về. Đương lúc tên quỷ già suy nghĩ không biết cách gì để làm cho lão nông dân nản chí thì tên tiểu quỷ thứ ba khác nói: “Tôi có thể khiến cho lão nông kia trở lên xấu xa hãy tin tôi”. Vậy là tên tiểu quỷ thứ ba đi tìm lão nông dân. Trước tiên tên tiểu quỷ thứ ba đi tìm gặp lão nông dân, hai người kết bạn với nhau. Sau đó nó dùng khả năng dự đoán của mình, nói cho lão nông dân biết trước sang năm có đại hạn hán, cần phải tìm vùng đất trũng để canh tác. Quả nhiên tới năm sau, đất trời hạn hán, cây cối héo tàn, nhà nhà mất mùa. Duy chỉ có lão nông dân được tên tiểu quỷ thứ ba báo trước, tìm chỗ đất trũng canh tác nên được mùa trúng lớn. Lão nông dân trở lên giàu có, ông không còn canh tác nữa mà chuyển sang nấu rượu bán. Tên tiểu quỷ thứ ba nói với lão quỷ già: “Ngài xem, lão nông giờ đã có máu huyết của lợn rồi”. Lão nông dân mở một đại yến tiệc, mời tất cả những đại phú gia đến tham gia. Mọi người ai lấy đều ăn uống say mèm không còn biết cả trời đất là gì nữa, quần áo xộc xệch không còn ra hình người nữa. Tên tiểu quỷ lại nói với lão quỷ già: “Ngài xem, lão nông kia giờ đã có máu huyết của dòng lang sói”. Trong lúc say mèm, lão nông dân chửi mắng một tên đầy tớ nghèo thậm tệ. Tên quỷ sứ già thấy vậy nói: “Thật là lợi hại, ngươi đã làm cách nào được vậy?”. Tên tiểu quỷ thứ ba đáp: “Tôi chỉ cho lão nông kia được những thứ quá sức tưởng tượng của ông ấy”. Tên tiểu quỷ đã khơi dậy lòng tham của lão nông dân, để ông mất đi bản tính lương thiện của mình, bị kim tiền làm cho mê hoặc. Điều đó khiến lão nông dân dần dần sinh ra ác niệm, biến thành một người xấu xa, bại hoại, đánh mất chính mình, sinh ra lòng sân hận, độc ác. Tâm Minh Ngô Tằng Giao viết: “Tham” là tham lam. Ham muốn thái quá. Đắm say, thích thú muốn có nhiều những thứ mình ưa thích như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng v.v… Lòng ham đó chẳng hề biết chán, càng được thời càng ham. Tham cho mình, rồi tham cho cả bà con quyến thuộc, quốc gia, xã hội của mình. Cũng vì lòng tham, mà nhân loại tranh giành giết hại lẫn nhau. Kẻ tham hay ghen ghét những người thành tựu. Hòa thượng Thích Thanh Từ lý giải về “Tham” trong “Tam độc”: Do chấp thân là thật, nên khởi tham lam mọi nhu cầu vật chất cho thân. Lòng tham là cái hang không cùng, cái túi không đáy, cho nên không biết đến đâu là đủ. Không có, tham lam muốn có; đã có, tham lam muốn thật nhiều, càng được lại càng tham. Tham mà không toại nguyện liền nổi sân. Quả thật tham là nhân đau khổ vô hạn, con người đến khi sắp tắt thở vẫn chưa thỏa mãn lòng tham.
Tham có nhiều loại
Tham muốn thân này sống mãi không chết, người ta coi cái chết là một họa hại tối đại của con người. Thế nên, thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, người ta luôn miệng cầu khỏe mạnh, cầu sống lâu trăm tuổi. Bởi có ám ảnh mình sống lâu, nên kinh doanh sự nghiệp, đuổi theo danh vọng, mê say sắc đẹp, thích uống ăn ngon lành... cho thỏa mãn thân này. Vì sợ chết, nên người ta luôn luôn tránh né tiếng chết, dù cho đến khi bệnh ngặt sắp chết, đi mua hòm về vẫn nhắc cái "thọ". Sự thể tham sống đầy ngập nơi con người, có những người mang thân sống một cách khổ đau đen tối, mà nghe nói chết cũng sợ sệt. Song có sanh nhất định phải có tử, là một định án không thể di dịch, làm sao tránh được. Chỉ có sợ chết mà không biết đường tránh, đây là nỗi khổ tuyệt vọng của con người. Vì tham sống lâu, nên người ta muốn được nhiều tiền của để bảo đảm đời sống. Muốn được tiền của nhiều, người ta phải tranh đua giành giật với nhau. Đã là giành giật, thì có kẻ được người mất, kẻ được vui cười thì người mất tức tối. Vì thế người được càng nhiều thì thù hận càng lắm. Có khi trong lúc giành giật, chỉ nghĩ phần được về mình, người ta đã càng lấn dẫm đạp trên sanh mạng kẻ khác. Cho nên cái được của ta, cũng là mồ hôi nước mắt của người. Người tham tiền của nhiều thì đau khổ cũng nhiều. Bởi vì đâu phải muốn là được, mà phải lao tâm nhọc trí, phải tốn hao bao nhiêu sức lực mới được. Đã được lại sợ người ta phá, tìm mọi cách gìn giữ bảo vệ, nhưng có khi nó cũng ra đi. Khổ công quá nhiều mới được, được rồi lại mất, thật là khổ đau vô kể. Danh vọng là những hạt nước lóng lánh trước ánh nắng mặt trời, người thích những danh vọng cao sang, nhưng khi nắm vào tay, nó liền tan biến. Song người thế gian nào có biết chán, cứ một bề ngó lên, được một bậc, lại muốn lên một bậc. Chính vì tham lam mong muốn, người ta phải chạy chọt, cầu cạnh, bợ đỡ những người có khả năng đưa mình lên. Mong cầu mà được, người ta lại thêm mong cầu. Mong cầu mà không được, người ta phải khổ đau sầu thảm. Danh vọng là miếng mồi ngon, nên ta mong ước, kẻ khác cũng mong ước. Nếu ta nắm được nó trong tay, thì kẻ khác cũng tìm đủ cách để gỡ ra.Vì thế, người xưa đã nói "càng cao danh vọng, càng dày gian nan". Ít có người ngồi trên chiếc ghế danh vọng được an ổn suốt đời. Song vì tánh cách hào nhoáng của danh vọng hấp dẫn, mọi người dán mắt vào đó không biết mỏi. Đuổi bắt danh vọng, như những đứa bé đuổi bắt bóng, cuối cùng chỉ chuốc lấy sự mệt nhừ. Chỉ ai khôn ngoan khéo biết dừng, người đó sẽ được an ổn. Ngày nay, khi con người ngày một coi trọng cuộc sống kim tiền thì niềm vui, sự hạnh phúc của họ đều được đặt trên nền tảng vật chất, lấy vật chất làm thước đo của sự thành công, thất bại của một đời người. Vậy nên, ngày càng có không ít người vì theo đuổi giấc mơ tiền bạc này để rồi phải đánh mất đi niềm vui, hạnh phúc, và rồi cuối cùng đánh mất đi chính mình. Đời người có được ắt có mất, có vui thì ắt cũng sẽ buồn, có tham thì ắt sẽ có sân có hận. Khi con người tham lam truy cầu vật chất nhiều hơn những gì mình cần có, đó cũng chính là khi chúng ta bước lên chiếc thuyền mang tên đau khổ, trôi đi vô định trên dòng sông xô bồ của cuộc sống. Đạo lý là vậy, tưởng như đơn giản nhưng lại không hề giản đơn. Kiếp người như xuân hạ thu đông, chúng ta đến trong cát bụi và lại về với hư không. Chúng ta đến đây cũng chỉ là quán trọ trần gian, đến tay không, và về cũng tay không. Vậy nên, buông bỏ lòng tham, lấy biết đủ làm vui, lấy tùy duyên làm lẽ sống, tu tâm dưỡng tính, “Phản bổn quy chân”, thân tâm thanh tịnh ắt an lạc một đời. Tâm Minh Ngô Tằng Giao đưa ra lời khuyên: Nếu có tâm tham thời phải “tu tâm” ngay, phải tập tính “thiểu dục tri túc”. Thiểu dục là muốn ít, tri túc là biết đủ. Người thiểu dục, tri túc thì có một đời sống giản dị, thanh cao và an toàn vì biết đủ với những thứ mình đã có. Bỏ dần lòng tham đi để đạt tới được “vô tham”.
Theo Pháp Luật Plus