Khi thấy một đứa trẻ nói dối, hoặc gần gũi hơn nữa là phát hiện ra con mình là kẻ nói dối, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Vô cùng bực tức? Vô cùng thất vọng? Chắc chắn rồi, bởi vì nói dối vốn là một thói xấu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách sau này của trẻ.
Chính vì thế, không chỉ dừng lại ở sự bực tức, nhiều người còn sẵn sàng đánh con vì “dám nói dối”. Những người này quan điểm rằng: sự giả dối nếu không răn đe ngay từ đầu sẽ thành quen mồm, quen tính và càng lớn càng khó sửa. Nhiều người còn suy nghĩ tiêu cực cho rằng: “Bé thế này mà đã giả dối thì lớn lên không biết sẽ thế nào nữa”.
Trên thực tế, chúng ta vẫn cho rằng: trẻ nói dối là do trẻ hư, trẻ học thói xấu từ xã hội mà không ai biết rằng: chính bố mẹ, ông bà – những người gần gũi nhất với trẻ lại là người dạy trẻ sự giả dối ngay từ nhỏ. Và trẻ “quen mồm” cũng là do được người thân “tập luyện” hàng ngày.
Điều nực cười này đã được BLV, nhà báo Trương Anh Ngọc “vạch mặt” trong một lời tâm sự trên Facebook cá nhân của mình. Mở đầu anh đặt câu hỏi khiến không ít người phản đối: “Sự giả dối mà ta dành cho trẻ con thường bắt đầu thế nào?”. Ngay sau đó là câu trả lời, cũng là một loạt các “sự giả dối” mà các bậc bố mẹ vẫn dạy trẻ hàng ngày.
“Đấy là khi ta hỏi trẻ những câu mà thường ta chỉ thích nghe một hướng trả lời, chẳng hạn, bà hỏi: “Cháu có yêu bà không?”, ông hỏi: “Cháu có yêu ông không?”, rồi sau đó là những câu hỏi buộc trí não đang phát triển của trẻ phải buộc lựa chọn cái nào hay hơn để nó được lợi hơn.
Đấy là khi ta đưa một phần thưởng để buộc trẻ phải theo ta, phải yêu quí ta, chẳng hạn “Đến nhà bác, bác sẽ cho cháu ăn kẹo thoải mái”; là khi ta chạy ùa đến với trẻ, la hét thảng thốt vì xót con, xót cháu và nói to lên rằng: “đánh đất vì đất làm em đau”. Việc này tạo cho trẻ tư duy rằng: nếu chuyện gì xảy ra với nó khi không phải là lỗi của nó.
Đấy là khi ông bà vì thương cháu hoặc cũng có thể vì sốt ruột khi thấy cháu làm điều gì đó không xong đã can thiệp vào việc giáo dục đứa cháu, trong khi đó trên thực tế, bố mẹ nó đã rất kiên nhẫn để dạy nó tự lập. Những đứa trẻ rất trong sáng và ngây thơ nhưng nó cũng đủ tính toán và vụ lợi khi nhận thấy: nó có thể được lợi cho bản thân nếu như giành được tình cảm của ai đó, chẳng hạn ở đây là ông bà.
Đấy là khi nó lớn lên rồi đến trường, được học về luật giao thông, mà ông bà, bố mẹ nó luôn vì một lý do được cho là chính đáng (về muộn thì ăn cơm muộn chẳng hạn) sẽ vượt đèn đỏ và đi ngược chiều. Đấy là khi nó học trong môi trường giáo dục chạy theo thành tích, mà nó biết rằng: nó chẳng thể đúp lớp hay hạnh kiểm yếu, vì bố mẹ nó rất biết chăm sóc cô giáo, là khi lớp nó có buổi dự giờ và nó được chỉ định sẽ phát biểu cùng vài đứa khác để làm “đẹp đội hình”.
Đấy là tiếp nữa, nó nhận ra điều mà bố mẹ nó sợ nhất khi nó lớn lên không phải là dốt nát về tri thức – bằng cấp có thể mua được, không khó, mà là sợ nó “tồ”, nghĩa là không đủ các kỹ năng để bon chen, luồn cúi và đi lên không phải bằng năng lực thực sự. Có rất nhiều nỗi sợ trong cuộc đời này, nhưng hóa ra với nhiều bố mẹ, nỗi sợ lớn nhất là sợ “tồ”, bởi lúc nào cũng lo con thiệt thòi.
Và những đứa trẻ lớn lên, thành người, trong sự giả dối đã được lập trình. Rồi cứ thế, vòng đời xoay mãi…”
Bạn H.T.Đ trăn trở: “Khi em đi học, gặp toàn những sự giả dối, mà mình đi ngược lại với số đông thấy lạc lõng vô cùng. Rồi những người đó lại dạy con, dạy học trò của mình những điều giả dối, và cứ thế… Cứ nghĩ đến lúc con em đến tuổi đi học, một mình em có phản đối được sự giả dối đó không, khi mà ai cũng nói em sẽ làm thiệt cho con em”.
Đồng quan điểm, mẹ T.H bộc bạch: “Em đang dạy con em, nhưng mọi người nhìn vào giống như em bị dở hơi”. “Điều đáng buồn là nhiều người trong chúng ta hoặc người thân của chúng ta nhận thức được những điều này nhưng vẫn không tránh được” – H.N cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên, tâm sự về nuôi dạy con cái của BLV Anh Ngọc được chú ý. Trước đó, anh cũng khiến nhiều gật gù đồng ý, tán thưởng. Và với quan điểm về sự giả dối này, chắc chắn rằng, nhiều người sẽ phải một lần nữa nghiêm túc xem lại cách dạy con của mình.