Bộ GD&ĐT nói gì việc đi học trực tiếp hoặc trực tuyến?

Việc học trực tiếp kết hợp trực tuyến vẫn đang diễn ra tùy từng địa phương. Bộ GD&ĐT cũng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra và nhận thấy, các địa phương cơ bản đã tuân thủ theo sự chỉ đạo của Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho hay.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/3, báo Tiền Phong đặt câu hỏi liên quan đến việc đi học của học sinh, nhất là khối tiểu học, nhiều ý kiến cho rằng cần kết hợp học trực tiếp và trực tuyến , đồng thời nên khuyến khích học bán trú, ý kiến của Bộ GD&ĐT như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định việc tuân thủ nghiêm túc Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và đã có sự chỉ đạo sát sao, chủ động phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp.

Theo công văn số 4726 của Bộ GD&ĐT, những nơi cấp độ dịch ở mức 3, mức 4 thì không cho học sinh đi học trực tiếp và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Bà Minh ví dụ như Hà Nội, hiện chỉ có 74 xã, phường cấp độ 3, còn lại là cấp độ 1, cấp độ 2 thì cho các em đi học trực tiếp. Với khối học mầm non và tiểu học, Bộ cũng có văn bản riêng, nên tùy từng địa phương sẽ có chỉ đạo đi học trực tiếp hoặc trực tuyến.

“Việc học trực tiếp kết hợp trực tuyến vẫn đang diễn ra tùy từng địa phương. Bộ GD&ĐT cũng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra và nhận thấy, các địa phương cơ bản đã tuân thủ theo sự chỉ đạo của Chính phủ”, Thứ trưởng cho hay.

Về việc ăn bán trú, bà Minh cho biết, có một số nơi tổ chức thì Bộ đã nhắc nhở. Riêng ở Hà Nội, Bộ đã có văn bản và cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục để tổ chức ăn bán trú cho trẻ mầm non, trẻ ăn bán trú tại trường khi học trực tiếp, nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh.

“Các tỉnh, thành khác cũng chỉ có một vài nơi cho trẻ ăn bán trú, do còn có sự băn khoăn. Đây là trách nhiệm của người lớn, chúng ta phải đảm bảo thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, hiểu rõ cụm từ thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng phải kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây cũng là chỉ đạo của Bộ GD&ĐT”, bà Minh nhấn mạnh.

TPHCM: Phụ huynh sẽ quyết định cho con học trực tiếp hoặc trực tuyến

Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Sở Y tế TPHCM, từ khi triển khai học trực tiếp vào ngày 17/1 đến cuối tháng 2/2022 trên địa bàn TPHCM đã có gần 10.000 học sinh mắc COVID-19. Trong đó, cấp tiểu học có số ca mắc nhiều nhất với số lượng khoảng 3.800 ca. Dự báo trước thực tế biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trong cộng đồng, thời gian tới số học sinh nhiễm bệnh sẽ tiếp tục gia tăng.

Trước tình hình trên, tại buổi họp báo chiều qua 3/3 về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc “có nên tiếp tục cho học sinh đến trường học trực tiếp khi dịch đang gia tăng nhanh?”

Thầy cô và học trò trên địa bàn TP.HCM đang nỗ lực vượt khó trong đại dịch đến trường học trực tiếp

Trả lời vấn đề trên, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, việc dạy học trực tiếp được triển khai trên cơ sở đánh giá cấp độ dịch theo từng phường xã. Với tình hình dịch hiện nay, việc tổ chức hoạt động của nhà trường sẽ căn cứ trên thực tế phòng chống dịch của nhà trường và địa phương để có tham mưu và giải pháp đề xuất để ban chỉ đạo các quận huyện quyết định điều chỉnh hình thức học tập phù hợp.

“Nếu dịch diễn biến phức tạp, nhà trường sẽ tiết chế các hoạt động có nguy cơ như giao lưu, tiếp xúc nhiều, tập trung đông hoặc giảm số tiết, số buổi học của học sinh. Trường hợp cuối cùng để đảm bảo an toàn cho học sinh nhà trường sẽ chuyển từ hình thức học trực tiếp qua học gián tiếp.

Hiện nay các trường đều duy trì cả 2 hình thức dạy học trực tiếp và gián tiếp. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường đảm bảo chất lượng cao nhất trong từng hình thức và việc học liên tục của học sinh bao gồm những trường hợp F0 và F1” - ông Duy Trọng nói.

Ông Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo diễn ra vào chiều 3/3 tại TP.HCM

Về việc đi học của học sinh trong bối cảnh số ca mới mắc ngày càng tăng, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM nhấn mạnh: “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của các em là trước hết và trên hết. Thành phố đã có chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó có trẻ nguy cơ cao là béo phì và trẻ mắc bệnh lý nền. Phụ huynh chính là người sẽ theo dõi sức khỏe của chính con em mình, theo dõi tình hình F0 và F1 tại lớp và tại trường nơi trẻ đi học, từ đó quyết định cho con học trực tiếp hay học trực tuyến”.

"TP.HCM đã tổ chức tập huấn và sẵn sàng thực hiện chiến dịch chích ngừa COVID-19 cho 970.000 trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Trong đó, trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường; trẻ chưa đi học sẽ tiêm tại các điểm tiêm cố định trên địa bàn từng phường xã, quận huyện; trẻ có bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế sẽ tiêm tại bệnh viện. Việc chích ngừa sẽ được thực hiện từ lứa tuổi cao cho đến lứa tuổi thấp, dự kiến mũi 1 sẽ tiêm trong vòng 10 ngày" - BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM.

Trò đến lớp ngày một ít, Đà Nẵng lo chuyển đổi hình thức dạy học

Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho hay, số lượng giáo viên, học sinh là F0 đang gia tăng. Hiện đã có hơn 10.000 học sinh và gần 2000 giáo viên nhiễm COVID-19. Số lượng học sinh đến trường ngày càng giảm. Bậc Tiểu học chỉ hơn 41% học sinh học trực tiếp; bậc THCS, THPT và GDTX hơn 50%. Lý do các em không đến trường vì là F0, F1 hoặc phụ huynh chưa an tâm.

Số lượng học sinh, giáo viên bị nhiễm COVID-19 ngày một nhiều, gây khó khăn cho việc dạy học trực tiếp (Ảnh: Thanh Trần)

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT nhìn nhận việc dạy học trực tuyến còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng. Tuy nhiên trước tình hình dịch căng thẳng, số lượng giáo viên và học sinh là F0 tăng cao, áp lực cho đội ngũ y tế…các Phòng GD&ĐT phải theo dõi tình hình chặt chẽ, báo cáo lãnh đạo địa phương để quyết định chuyển đổi hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp.

Bà thông tin thêm, đối với học sinh lớp 9, lớp 12, Sở sẽ cố gắng đảm bảo nhất có thể cho các em được học trực tiếp để thi tốt nghiệp. Riêng khối mầm non, do các em còn nhỏ, nên phải đặc biệt xem xét, cân nhắc kỹ trước việc cho các trường tiếp tục đón trẻ hay ngừng lại.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho hay số lượng học sinh trên địa bàn tới lớp ngày sau ít hơn ngày trước. “Chúng tôi căn cứ tình hình dịch bệnh, số ca nhiễm để có biện pháp thay đổi, linh hoạt. Nếu số học sinh trong lớp chỉ còn khoảng 30% thì sẽ chuyển sang dạy trực tuyến”, bà nói. Tới thời điểm này, bậc THCS có 3/10 trường học trực tuyến, Tiểu học 10 trường học trực tuyến, 10 trường học trực tiếp.

 

Theo kenh14.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU