Mong muốn con cái mình học hành tốt (mà giấy khen và danh hiệu là yếu tố chứng nhận thành tích ấy) là vô cùng chính đáng của phụ huynh. Ảnh: Gia Đoàn
Bỏ một loại giấy khen có thể giảm số lượng giấy khen, tránh tình trạng khen tràn lan như nước đây. Bởi thực tế, các trường vẫn thường chạy theo tỷ lệ giỏi, khá nên học sinh giỏi và tiên tiến rất nhiều, nhưng thực chất không như vậy. Điều đó khiến học sinh ảo tưởng, sa vào tình trạng ì, không phấn đấu.
Việc đánh giá học sinh theo 4 mức Tốt, Khá, Đạt, chưa Đạt, thay thế từ "xếp loại hạnh kiểm, học lực" bằng "đánh giá kết quả rèn luyện, học tập" cũng được nhiều phụ huynh đồng tình vì cho thấy được sự tế nhị, nhân văn hơn, giúp nhiều học sinh bớt tâm lý tự ti, áp lực đè nặng lên bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, liệu sau khi bỏ giấy khen tiên tiến, có nảy sinh một thế hệ toàn giỏi với xuất sắc hay không? Đây là câu hỏi được nhiều phụ huynh đặt ra.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Với thông tư mới, các trường không xét công nhận học sinh giỏi hay tiên tiến mà khen thưởng danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc dựa trên kết quả học tập, rèn luyện. Bên cạnh đó, hình thức đánh giá cũng thay đổi. Một số môn giáo viên đánh giá bằng nhận xét, một số môn kết hợp nhận xét và điểm số.
Điểm trung bình tất cả môn học cũng bị bỏ. Thay vào đó, giáo viên nhìn vào thực chất từng môn học, không phân biệt môn chính, môn phụ để đánh giá học lực của học sinh. Cụ thể, kết quả học tập ở những môn này được đánh giá theo một trong 4 mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
"Chúng ta không quan tâm đến số lượng mà thực chất. Cốt lõi vấn đề là học sinh học thực tế để bản thân có năng lực, phẩm chất chứ không phải ở danh hiệu học sinh giỏi hay học sinh xuất sắc", ông Thành nói.