Bỏ mặc, không phụng dưỡng cha mẹ phạm tội gì?

(lamchame.vn) - Từ chuyện Người Mẹ Đau Khổ Muốn Nhận Lại Đứa Con Đã Cho Đi: Trường hợp nào cha mẹ đẻ có quyền nhận lại con?

Con cái hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ luôn được xem là một trong những chuẩn mực đạo đức hàng đầu, để đánh giá phẩm chất đạo đức của một con người.

Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống vẫn tồn tại không ít các trường hợp con cái không phụng dưỡng cha mẹ, xem cha mẹ là gánh nặng cuộc sống từ đó tìm cách trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc; hoặc nuôi dưỡng; đôi khi còn có thái độ, hành vi bạt đãi, xem thường, buông lời thô lỗ xúc phạm và đánh đuổi chính bậc sinh thành của mình. Hẳn sẽ không khỏi xót xa trước hình ảnh bà cụ già lưng còm gần sát đất nhưng vẫn phải ở một mình trong căn nhà lá ọp ẹp, hàng ngày đi bán dạo để mưu sinh do không thể ở chung với vợ chồng thằng con trai thô lỗ, thường xuyên có lời lẽ xúc phạm.



Pháp luật có quy định các thành viên cùng sống chung trong gia đình đều có nghĩa vụ quan tâm, giúp đỡ nhau, cùng nhau chăm lo đời sống chung của gia đình, đóng góp công sức, tiền và tài sản khác để duy trì đời sống chung phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mình. Các thành viên trong gia đình có quyền được hưởng sự chăm sóc, giúp đỡ nhau. Quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Theo đó, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về nghĩa vụ và quyền của con; nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ: Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên trong gia đình, trong đó có cha, mẹ có thể bị phạt tiền đến 2.000.000 đồng theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vự an ninh, trật tự, an toàn xã hôi, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình. Các hành vi cụ thể bao gồm: Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Trong trường hợp ngược đãi hoặc hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Con cái phụng dưỡng cha mẹ là một nét văn hóa quý báu của người Việt Nam. Hành vi không phụng dưỡng cha mẹ, bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật không những bị xã hội lên án mà còn bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU