Ở bài viết trước Bố mẹ vội vã để con học 'tiền lớp 1' lợi trước mắt hại lâu dài, chuyên gia tâm lý học Phương Hoài Nga từ câu chuyện của mình đã đưa ra nhiều kiến giải hữu ích cho các bố mẹ về vấn đề có nên học "tiền lớp 1" hay không.
Cũng về vấn đề "tiền lớp 1", chúng tôi mời độc giả tham khảo quan điểm của ThS Đoàn Phạm Hà Trang, một bà mẹ 2 con, một giáo viên dạy tiếng Việt và kỹ năng sống cho trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Úc với những bài viết chia sẻ cách dạy con khá nổi tiếng trên mạng xã hội.
14 kỹ năng cho trẻ tự tin đến trường
PV: Chị đã có nhiều bài viết trên MXH chia sẻ cách dạy con được nhiều người yêu thích, mới đây là bài viết về 14 điều mà cha mẹ có thể giúp con chuẩn bị để có thể tự tin đến trường, bao gồm cả lớp mẫu giáo cũng như lớp 1. Vậy những điều này được đúc kết từ đâu, thưa chị?
Ths Đoàn Phạm Hà Trang: Như tôi đã từng chia sẻ, trước khi trở thành giáo viên dạy tiếng Việt và Kỹ năng sống cho các trẻ em người Việt sinh ra và lớn lên tại Úc, tôi đã là một giáo viên mầm non đã có chứng chỉ đào tạo tại Úc.
Và cũng chính vì say mê với việc đồng hành cùng các con nên tôi đã dành ra rất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về trẻ nhỏ.
14 điều này không chỉ là kinh nghiệm của những bà mẹ có con đang sống tại Úc, mà còn là kiến thức về kỹ năng sống cần thiết dành cho các em mà tôi đã được đào tạo tại đây.
Subi và Subo, 2 con trai của Đoàn Phạm Hà Trang. (Ảnh: NVCC)
PV: Vậy nếu ứng dụng với các trẻ em ở Việt Nam, thì theo chị có cần thêm, bớt hay điều chỉnh gì trong số 14 điều này cho phù hợp hay không?
Ths Đoàn Phạm Hà Trang: Thực ra khi viết ra 14 kỹ năng này là tôi dành cho chủ yếu các bậc phụ huynh ở Việt Nam, vì những điều đó các cha mẹ ở Úc hầu như đã nắm rất rõ rồi. Đó là các kiến thức cơ bản mà họ cần phải biết khi con họ chuẩn bị đến trường.
Khi dạy cho chính con của tôi cũng như các học trò, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức thì tôi cũng rất chú trọng giúp các con phát triển những kỹ năng sống. Vì khi các con có kỹ năng các con sẽ biết cách chủ động để nắm bắt các kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Phụ huynh có nên cho con đi học "tiền lớp 1"?
PV: Hiện nay có không ít phụ huynh có con sắp vào lớp 1 đã cho con đi học trước, còn gọi là học tiền lớp 1 vì họ chỉ quan tâm xem con mình có biết đọc, biết viết hay không chứ không để ý đến các kỹ năng sống cho trẻ. Quan điểm của chị về vấn đề này?
Ths Đoàn Phạm Hà Trang: Tại Việt Nam, theo quan sát của tôi, đúng là nhiều bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1 thường chỉ muốn con mình biết đọc, biết viết, biết đếm số hay tính toán để không tụt hậu so với các bạn. Nhiều bố mẹ không quan tâm xem con có được trang bị đủ các kỹ năng sống hay không.
(Ảnh: NVCC)
Một điều mà tôi đã rút được ra sau quá trình nuôi dạy 2 con trai, và nó cũng đã được cả khoa học chỉ ra, đó là bản tính của trẻ nhỏ là rất tò mò, ham khám phá tất cả thế giới xung quanh. Chính vì thế, nếu bố mẹ biết cách khéo léo gợi mở, duy trì sự ham khám phá ấy cho trẻ và không quên trang bị cho con những kỹ năng quan trọng như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng làm theo hướng dẫn, kỹ năng vận động tinh, kỹ năng làm quen với bàn ghế, kỹ năng đọc sách thì giai đoạn học tập đầu của con chắc chắn không có gì cần phải lo lắng.
Vấn đề thường là ở cha mẹ, cha mẹ luôn muốn đốt cháy giai đoạn, muốn con mình vừa ở vạch xuất phát đã phải chạy ngay đến đích rồi, muốn con mình vừa ở vạch xuất phát đã phải như "con nhà người ta" mà quên mất rằng việc học là việc cả đời, chứ không phải chỉ là biết đọc, biết viết.
Và chính khi cha mẹ nôn nóng muốn con biết đọc, biết viết ngay như vậy là đã khiến con mất dần đi sự ham thích dành cho việc học, cũng giống như cha mẹ đã làm mất đi chiếc chìa khóa để con bước vào thế giới học tập và say mê với việc học suốt đời. Mà theo tôi, chính sự say mê dành cho việc học tập mới là mục đích chính.
Vấn đề thường là cha mẹ luôn muốn đốt cháy giai đoạn muốn con mình vừa ở vạch xuất phát đã phải như "con nhà người ta" mà quên mất việc học là việc cả đời..."
Đoàn Phạm Hà Trang
Và cũng cần nói thêm là sự tự tin của trẻ, cũng như các kỹ năng sống quan trọng khác mới là thứ mà các em cần được học trước.
Cha mẹ sẽ cho con đi học trước được bao nhiêu năm? Với các cấp cao hơn thì làm sao cha mẹ có thể cho con đi học trước hay dạy trước cho con được?
Nói như vậy để thấy rằng kỹ năng sống của các con mới là cái nền móng vững chắc để từ đó xây nên được một ngôi nhà cao.
CHA MẸ CÓ THỂ LÀM GÌ GIÚP TRẺ TỰ TIN ĐẾN TRƯỜNG?
Con trẻ đi học luôn là cột mốc hồi hộp và nhiều lo lắng của cha mẹ. Nhiều cha mẹ luôn băn khoăn "Không biết như vậy con mình có tự tin đến trường không?", "Liệu mình đã làm đủ tốt chưa để con có một khởi đầu tốt đẹp ở môi trường mới?". Tin vui là những việc cần làm không hề khó đâu, chỉ cần kiên trì, từng chút một.
Vậy trẻ cần gì để bắt đầu một điều tuyệt vời mới thật nhiều niềm vui nhỉ?
1. SỰ TÒ MÒ VÀ HÀO HỨNG VỚI VIỆC TIẾP NHẬN NHỮNG ĐIỀU MỚI LẠ: Một sai lầm thường gặp của cha mẹ là khi thấy trẻ nhỏ làm một số việc không theo định nghĩa an toàn hoặc sạch sẽ vốn có của cha mẹ, cha mẹ sẽ ngăn cản con bằng "đừng" và "không được". Chính việc thường xuyên dùng "đừng" và "không được", cùng việc luôn ngăn cản con sẽ làm ảnh hưởng đến sự tò mò và hào hứng vốn có với những điều mới lạ của trẻ.
2. CÓ THỂ SỬ DỤNG NHÀ VỆ SINH MỘT CÁCH ĐỘC LẬP: Tới trường học, sẽ không ai có thể giúp con chúng ta lau bồn cầu cho sạch sẽ trước khi sử dụng, đậy nắp, giật nước hay giữ gìn vệ sinh bồn cầu. Vì vậy, đừng cho rằng việc biết sử dụng nhà vệ sinh đúng cách (bao gồm giữ gìn và dọn dẹp vệ sinh bồn cầu) chỉ đơn giản là biết đi vệ sinh. Trong các trường tiểu học ở Úc, giữ gìn nhà vệ sinh cũng là một trong những việc nói lên sự tôn trọng của học sinh đối với mọi người và môi trường xung quanh.
3. TỰ MẶC QUẦN ÁO: Thật khó khăn cho giáo viên nếu sau mỗi lần học sinh trở về từ nhà vệ sinh, giáo viên phải mặc giúp cái quần, hay cài hộ cái khóa. Biết tự mặc quần áo cũng quan trọng như học sinh biết lắng nghe và làm theo hướng dẫn vậy.
4. SÁCH LÀ NGƯỜI BẠN KHÔNG THỂ THIẾU CỦA TRẺ NHỎ: Một trong những thói quen rất quan trọng cần xây dựng cho trẻ trước tuổi đi học là giúp trẻ có hứng thú với sách, có thể tập trung ngồi đọc sách, lắng nghe và trả lời các câu hỏi xoay quanh nội dung sách trong thời gian 10 phút.
5. BIẾT SỬ DỤNG KÉO, HỒ VÀ BÚT MÀU: Vẽ và thủ công là hai hoạt động gắn liền với trẻ nhỏ giúp nuôi dưỡng tính sáng tạo và phát triển kỹ năng vận động tinh của trẻ. Kéo, hồ, bút màu là những thứ trẻ cần sử dụng thường xuyên trong những năm tháng đầu đi học. Đây cũng là tiền đề giúp trẻ phát triển trí não và sử dụng các giác quan trong học tập và cuộc sống sau này.
6. VIẾT ĐƯỢC TÊN MÌNH: Ngày nay trẻ nhỏ có rất nhiều tên: tên khai sinh, tên ở nhà, tên tiếng Anh, tên tiếng Việt,… Trẻ cần được biết tên của mình (dùng để thầy cô và các bạn gọi), đồng thời viết được tên đó trước khi đến trường.
7. BIẾT XẾP HÀNG CHỜ ĐẾN LƯỢT: Ở đâu và làm gì cũng cần có thứ tự nhất định. Xếp hàng chờ đến lượt ở đây không chỉ trong các hoạt động vui chơi, học tập mà cả trong những cuộc hội thoại với bạn bè và thầy cô giáo.
8. BIẾT LÀM THEO HƯỚNG DẪN: Thông thường ở độ tuổi 5-6 tuổi, chuỗi thông tin đưa ra phù hợp với trẻ chỉ nên nhiều nhất 3 chỉ dẫn.
9. BIẾT ĐỐI THOẠI: Giao tiếp chính là cách các con mở ra thế giới của mình để tiến gần với mọi người và mời mọi người lại gần hơn với mình. Biết cách đặt câu hỏi và trả lời những câu hỏi đơn giản giúp trẻ tạo dựng môi trường xung quanh và giúp đỡ bản thân mình khi gặp những trường hợp cần trợ giúp.
10. BIẾT CÁCH NHỜ SỰ GIÚP ĐỠ MỘT CÁCH THÍCH HỢP: Hãy giúp trẻ có thói quen biết cách gọi hoặc yêu cầu sự trợ giúp một cách tích cực, như: Khi cần nhờ cô giáo một điều gì đó mà cô đang bận nói chuyện với bạn khác, cha mẹ hướng dẫn con xếp hàng sau bạn đó, chờ cô nói xong với bạn, rồi nói: "Cô ơi, cô có thể giúp con việc này được không ạ?" hay biết cách giơ tay khi cần nói.
11. BIẾT CHƠI VÀ LÀM VIỆC NHÓM: Trường học là một thế giới thu nhỏ đầu tiên của trẻ. Ở đó có bạn bè, thầy cô. Chơi và làm việc nhóm là một kỹ năng cần có và kỹ năng đó sẽ theo trẻ suốt cuộc đời.
12. BIẾT CẦM BÚT VÀ BIẾT DÙNG BÚT ĐỂ VẼ HOẶC VIẾT
13. ĐƯỢC LÀM QUEN VỚI CHỮ CÁI, CHỮ SỐ QUA NHỮNG BÀI HÁT HAY NHỮNG TRÒ CHƠI: Khi chuẩn bị cho trẻ đi học, có hai thái cực tiêu cực hiện nay: 1. Nhồi để trẻ hoàn thành trước chương trình lớp vỡ lòng/ lớp 1 trước khi đi học, 2. Để trẻ hoàn toàn xa lạ với một thế giới mới nơi mà trẻ sẽ gắn bó suốt 12 năm học – trường học. Việc được nghe, được nhìn bảng chữ cái, chữ số qua những bài hát, những quyển truyện hay những cho chơi là một cách chuyển giao để trẻ làm quen với những gì sắp diễn ra.
14. [NẾU TRẺ HỌC Ở NHỮNG TRƯỜNG HỌC CẦN TỰ MANG CƠM HỘP ĐI] TRẺ CẦN BIẾT ĐÓNG MỞ HỘP CƠM HAY TÚI ĐỰNG ĐỒ ĂN.
(Nguồn: Facebook Đoàn Phạm Hà Trang)
PV: Tôi nghĩ có thể có một số bố mẹ, với hoàn cảnh nào đó, thì 14 kỹ năng này là quá nhiều chăng? Nếu buộc phải chọn ra 5 kỹ năng quan trọng nhất, bắt buộc phải có thì chị sẽ chọn những kỹ năng nào?
Ths Đoàn Phạm Hà Trang: Nếu phải chọn ra 5 kỹ năng quan trọng nhất trong số 14 kỹ năng này, thì theo tôi, thứ nhất sẽ là kỹ năng tự chăm sóc bản thân, biết cách làm những việc cá nhân cho mình. Vì ở đâu cũng vậy, đó sẽ là kỹ năng sinh tồn đầu tiên.
(Ảnh: NVCC)
Thứ hai, đó là các con phải có tình yêu với sách, kỹ năng đọc sách, bởi sách là người bạn tri thức sẽ đồng hành với con suốt cả cuộc đời. Nếu cha mẹ gieo được vào lòng con tình yêu đọc sách thì gần như với việc học, con sẽ biết cách chủ động, biết cách tự tìm hiểu kiến thức và việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Thứ ba là cha mẹ hãy duy trì sự ham thích tò mò, khám phá của con trẻ.
Thứ tư, theo tôi cũng là một điều rất quan trọng, đó là các con phải biết cách lên tiếng. Lên tiếng để làm gì? Lên tiếng để tìm sự giúp đỡ. Lên tiếng để bảo vệ chính mình. Lên tiếng để nói lên những suy nghĩ của mình.
Thứ năm, cũng là một kỹ năng rất cần thiết, đó chính là kỹ năng lắng nghe và làm theo hướng dẫn. Khi ở trường, chỉ cần các con biết cách lắng nghe thầy, cô và làm theo khoảng 2 đến 3 chỉ dẫn thôi, các con sẽ có thể bắt nhịp rất nhanh với môi trường mới.
(Ảnh: NVCC)
PV: Theo chị thì thời gian cần thiết để bố mẹ giúp các bé thuần thục 14 kỹ năng này là bao lâu? Bây giờ là đi qua hơn 1/3 mùa hè rồi, dạy cho con thì có kịp không?
Ths Đoàn Phạm Hà Trang: Có lẽ chị cũng sẽ phải đồng tình với tôi rằng đi cùng trẻ nhỏ là công việc dài hơi, chứ không thể ngày một ngày hai mà gặt hái ngay kết quả được.
Cũng giống như người lớn chúng ta muốn nấu ăn giỏi thì cũng phải trải qua một giai đoạn học hỏi và thực hành nhất định, thì với con trẻ cũng vậy.
Tóm lại, nếu chúng ta muốn con mình thành thục được 14 kỹ năng này, thì chúng ta cần chú ý 2 yếu tố.
Thứ nhất là hãy luôn ý thức việc dạy con càng sớm càng tốt. Thứ hai là phải duy trì việc dạy con thật đều đặn. Có được 2 yếu tố này thì quá trình đó sẽ diễn ra rất tự nhiên và hiệu quả.
Giai đoạn từ 0 đến 5 tuổi là giai đoạn rất quan trọng vì đây là lúc khả năng học hỏi của con là rất tốt và những kiến thức mà con học được sẽ theo con và phục vụ con cả đời.
Nếu cha mẹ giúp trẻ từng bước xây dựng được những kỹ năng cần thiết ngay từ giai đoạn này thì đó sẽ là tiền đề vững vàng để con bước vào quãng đời học tập về sau một cách nhẹ nhàng, bình thản và vui vẻ nhất.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của chị và chúc chị cùng gia đình luôn dồi dào sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và thành công!
Thạc sỹ Đoàn Phạm Hà Trang hiện đang sinh sống và làm việc tại Úc, dạy tiếng Việt và kỹ năng cho các trẻ em người Việt sinh ra và lớn lên tại nước ngoài.
Trước đây, cô là một giáo viên mầm non và đã được cấp chứng chỉ tại Úc.
Với sở thích là nghiên cứu về trẻ nhỏ, Hà Trang đã chọn nghề nghiệp là một lĩnh vực hoàn toàn khác so với chuyên ngành được đào tạo ở Đại học, đó là Quan hệ Quốc tế.
Năm 2021, Hà Trang cũng tham gia vào SOV (Stories of Vietnam) - dự án làm sách song ngữ phi lợi nhuận tặng cho các gia đình có con nhỏ người Việt sinh ra và lớn lên tại Mỹ.
Dự án đã xuất bản được 3 đầu sách, gửi tặng hơn 3000 bản in, tới 382 thành phố tại 46 bang ở Mỹ. Năm nay, dự án dự định sẽ được mở rộng sang Úc.
Hà Trang cũng là mẹ của 2 bé trai, một bé 8 tuổi tên là Subi và một bé 4 tuổi rưỡi tên là Subo.
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/bo-me-voi-cho-con-hoc-tien-lop-1-loi-truoc-mat-hai-lau-dai-day-moi-la-ky-nang-can-thiet-8202257105038853.htm
Theo ttvn.vn