Bộ trưởng GD&ĐT lo ngại việc các trường đại học xét tuyển sớm, 'rất tai hại'. (Ảnh minh hoạ)
Bộ trưởng nhấn mạnh các trường tự chủ cao trong tuyển sinh không có nghĩa thích làm gì thì làm. Việc tự chủ phải trong khuôn khổ các quy định. Vì vậy, thời gian tới, có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo phải siết các quy định để điều tiết.
"Nguồn tuyển hiện dồi dào, các trường uy tín không phải lo lắng, không nên chen lấn xô đẩy", ông Sơn nói về việc các trường dùng quá nhiều phương thức xét sớm.
Tại hội nghị, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, kiến nghị xem xét bỏ phương thức tuyển sinh sớm/xét tuyển sớm.
"Thời điểm đó, các học sinh vẫn chưa hoàn thành chương trình đào tạo THPT. Chưa kể, một số tư vấn viên khi tư vấn tuyển sinh đã đề nghị hoặc yêu cầu các học sinh phải đăng ký các nguyện vọng xét tuyển sớm lên đầu. Việc này là không đúng nhưng họ đã âm thầm làm. Tôi cho rằng như vậy sẽ thiếu sự công bằng, làm mất cơ hội của thí sinh", ông Phúc nói.
Ông Phúc cũng cho rằng, việc đưa ra nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm khác nhau cho từng phương thức là không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau.
Năm 2023 có 214/322 trường tổ chức xét tuyển sớm. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%). Trong các phương thức xét tuyển sớm, nhiều trường xét bằng học bạ từ tháng 1, sử dụng điểm học bạ của 3 hoặc 5 học kỳ, không bao gồm kỳ II lớp 12. Một số trường công bố điểm chuẩn ngay trong tháng 3.