Bộ Y tế: Dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM sẽ có xu hướng giảm trong vài tuần tới

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM bước đầu có những dấu hiệu tích cực và sẽ có xu hướng giảm trong một vài tuần tới, nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt.

Nguy cơ dịch ở Hà Nội vẫn ở mức cao do nhiều ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng

Chiều 13/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng Covid-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo để bàn về công tác phòng, chống dịch, sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tại nhiều tỉnh, thành phố.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch tại TP.HCM bước đầu có những dấu hiệu tích cực sau thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị 16 và sẽ có xu hướng giảm trong một vài tuần tới, nếu tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt như hiện nay.

Các địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An có nguy cơ bùng phát rất cao. Nếu không quyết liệt, triệt để thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ thì tình hình dịch sẽ thực sự diễn biến phức tạp.

Một số địa phương có số lượng lớn trường hợp đã đi về từ vùng dịch, có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch.

Tại Hà Nội, các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ đã được thực hiện quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời, triệt để và thành phố cơ bản kiểm soát được tình hình.

Tuy nhiên, nguy cơ vẫn ở mức cao do nhiều ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây, xuất hiện rải rác tại nhiều địa điểm trên địa bàn, đã ghi nhận các ca mắc tại chợ, siêu thị, các cơ sở sản xuất...

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận cụ thể về những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chống dịch trên cả nước trong thời gian qua, nhất là tại TP.HCM, để đưa vào kịch bản ứng phó dịch bệnh thời gian tới.

Theo đó, kinh nghiệm lớn nhất tại các địa phương cho thấy, trước hết phải bảo vệ vững chắc vùng an toàn (vùng xanh), đồng thời bao vây, thu hẹp vùng nguy cơ cao (vùng cam), rất cao (vùng đỏ).

Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Đình Nam.

Trong lúc tình hình dịch bệnh xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước, tất cả các địa phương đều cần thực hiện nghiêm túc phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để phát hiện những người đến, về từ địa phương khác.

  • Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội cần ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho người già, người có bệnh nền, người nghèo

Các lực lượng xử lý nghiêm người đến, về từ địa phương khác mà không khai báo và chính quyền cấp cơ sở không nắm được cũng như không thực hiện các biện pháp quản lý y tế đối với những người này.

Các ý kiến thống nhất, khi thực hiện giãn cách xã hội, nhất thiết phải thực hiện nghiêm, thực chất; tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, "chặt ngoài, lỏng trong". Khi đã thực hiện giãn cách xã hội phải bảo đảm đúng tinh thần "ai ở đâu ở đó".

Ban chỉ đạo thống nhất, các địa phương phải thiết lập ngay hệ thống đường dây nóng, đội y tế cộng đồng đến từng khu dân cư để tiếp nhận, giám sát, hỗ trợ y tế tại chỗ cho mọi người dân có triệu chứng mắc Covid-19, cũng như các vấn đề sức khỏe khác.

Phải xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả

Bên cạnh đó, trong công tác xét nghiệm, từ thực tiễn TPHCM, Ban Chỉ đạo lưu ý có tình trạng một số địa phương lạm dụng xét nghiệm nhanh, "ngại" xét nghiệm RT-PCR. Do đó, yêu cầu công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả.

Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nếu cần xét nghiệm tầm soát cộng đồng ở những thời điểm nhất định thì thực hiện lấy mẫu đại diện gia đình, xét nghiệm mẫu gộp; dành nguồn lực xét nghiệm để tăng tần suất đối với khu vực bệnh viện, các đối tượng nguy cơ cao (phải di chuyển ra khỏi nhà), người cao tuổi, có bệnh nền.

Chú ý hướng dẫn người dân tự lấy mẫu để giảm tải cho lực lượng y tế.

Trong công tác điều trị, kinh nghiệm từ TP.HCM và một số tỉnh phía Nam cho thấy, phải tách riêng khu tiếp nhận ban đầu đối với người mắc Covid-19 không có triệu chứng, chưa được coi là bệnh nhân, để chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, 3 yếu tố "cực kỳ quan trọng" mà tầng điều trị thứ 2 phải chuẩn bị: oxy y tế, thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm.

"Nếu làm tốt công tác điều trị ở tầng này sẽ giảm số ca chuyển nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Theo đó, Bộ Y tế đã liên tục ban hành văn bản yêu cầu, nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn cụ thể các địa phương "phải đảm bảo oxy cho điều trị ở tầng 2". Do đó, các địa phương phải khẩn trương rà soát lại nhu cầu số lượng oxy điều trị, bồn chứa oxy, bình lớn chứa oxy… ở tất cả các cơ sở y tế thuộc tầng 2.

Đây là tầng điều trị vô cùng quan trọng, các địa phương phải đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế thuộc tầng 2, để đảm bảo có thể thực hiện được các kỹ thuật cao nhất khi cần.

Đối với tầng 2, Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng máy thở dòng cao (HFNC) trong điều trị, máy thở không xâm nhập… và một số trang thiết bị khác mà nhân viên y tế có thể kiểm soát được.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, cùng với oxy y tế, các cơ sở ở tầng điều trị thứ 2 phải luôn luôn có thuốc kháng đông và kháng viêm; phải cho bệnh nhân sử dụng sớm để giảm mức độ nặng. Đồng thời, tới đây Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho các tầng điều trị bên dưới để cấp cứu, xử trí kịp thời những trường hợp diễn biến nặng rất nhanh, có đủ nhân lực, thuốc, oxy y tế, trang thiết bị theo quy định để bảo đảm số giường điều trị thực chất.

 

Theo Tổ Quốc

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU