Sáng ngày 26/3, Bộ Y tế đã công bố Việt Nam đang có 148 ca bệnh dương tính với COVID-19. Với tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến khó lường thì Bộ Y tế đã đưa ra một chỉ thị quan trọng, đó là: "Người dân không ra đường, nếu không có việc thực sự cần thiết. Những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian".
Lời khuyến cáo này cần được lan rộng trong cộng đồng và khuyến khích người dân nên thực hiện nghiêm túc. Bởi các chuyên gia y tế cũng từng cảnh báo nhiều lần rằng, người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị nhiễm chủng virus corona mới và nguy cơ tử vong ở lứa tuổi này cũng cao hơn so với các lứa tuổi. Thực tế, người lớn tuổi (trên 60 tuổi) có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 3 - 20 lần so với người trẻ hơn.
Tại sao người lớn tuổi lại có nguy cơ tử vong cao hơn trong mùa dịch COVID-19?
Ở người lớn tuổi (trên 60 tuổi), hệ miễn dịch thường yếu hơn người trẻ và tinh thần là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Một nghiên cứu chi tiết từ Đại học London năm 2017 cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa cảm xúc và hệ miễn dịch. Khi người lớn tuổi lo âu, buồn chán, hay trầm cảm thì hệ miễn dịch của họ sẽ yếu đi.
Vì vậy, chúng ta nên trấn an và giải thích bệnh rõ hơn với người lớn tuổi về dịch COVID-19.
Cách giải thích đơn giản nhất là COVID-19 do một loại virus, gây ra triệu chứng gần giống như bệnh cảm cúm, sẽ tự khỏi nếu cơ thể có hệ miễn dịch tốt. Quan trọng nhất là không phải ai mắc bệnh này cũng chết và không phải ai tiếp xúc với người bệnh COVID-19 cũng sẽ có bệnh.
Thực tế, chúng ta đã trải qua nhiều đại dịch, gần đây nhất là H1N1 năm 2009 với trên 60 triệu người mắc bệnh, 200,000 người chết toàn cầu (15,000 người chết tại Mỹ), và chúng ta sẽ vượt qua đại dịch COVID-19. Điểm nguy nhất của đại dịch là sư sợ hãi, lan nhiễm tin tức độc hại, và lo lắng xáo trộn xã hội.
Vậy nên chăm sóc người lớn tuổi như thế nào trong mùa dịch COVID-19?
Theo chỉ dẫn của PGS. BS Trần Huỳnh, Đại học Y khoa California Northstate (Hoa Kỳ), bạn nên làm những việc sau đây:
1. Chữa bệnh tinh thần và thư giãn
"Các bạn nên dành thêm thời gian nói chuyện với cha mẹ, ông bà của mình về bệnh cúm COVID-19 và các bệnh khác. Mọi người nhớ chia sẻ các nguồn tin chính thống từ CDC, từ bác sĩ uy tín, hay từ các nguồn tin sức khỏe tin cậy. Hãy cẩn thận khi đọc tin và chia sẻ trên Facebook vì đọc sai và hiểu sai lúc này là hại sức khoẻ. Khi các bạn trấn an tinh thần và nói chuyện với cha mẹ của mình, họ sẽ an tâm hơn và vì vậy, hệ miễn dịch của họ sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, việc thư giãn (relax) cũng là một cách hiệu quả tăng cường hệ miễn dịch, như một nghiên cứu từ trường Y khoa Tuffs tại Boston năm 2014 gợi ý. Xem nhạc kịch (online), hài kịch Thuý Nga (online), phim hài, hay đọc sách giúp tinh thần nhẹ nhàng. Tôi không chắc về Korean Dramas vì có nhiều phim Hàn Quốc kịch tích quá, có thể có tác dụng ngược".
2. Kiểm soát các bệnh mãn tính
Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, phổi mãn tính, cao huyết áp, và ung thư có tỉ lệ tử vong cao nhất do bệnh Covid-19 (4). Vì vậy, bệnh nhân nên uống thuốc chữa các bệnh mãn tính này đều đặn. Bệnh nhân nên đo huyết áp mỗi ngày, tốt nhất là dưới 130/90. Kiểm tra lượng đường huyết 1 - 2 lần/tuần. Chỉ số Ha1c của người mắc bệnh tiểu đường nên dưới 7%. Các bệnh mãn tính như Lupus ban đỏ, viêm da cơ địa, vảy nến, viêm khớp dạng thấp, nên tiếp tục uống/xức thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu đang hút thuốc, khuyên bạn nên BỎ hút thuốc vì sẽ giúp cho cả gia đình trong mùa đại dịch. Lý do nam tử vong nhiều hơn nữ tại Trung Quốc một phần là do nam giới hút thuốc nhiều. Bệnh mạn tính về phổi như COPD sẽ làm giảm hệ miễn dịch và khiến SARS-CoV-2 dễ mau tấn công vào phổi.
3. Nếu có triệu chứng ho, sốt, và cảm thì chúng ta nên làm gì?
"Các bạn hãy khoan đến gặp bác sĩ hay đến bệnh viện. Nếu bạn chỉ sốt nhẹ, đo nhiệt độ từ 100.4F đến 101F và các triệu chứng chảy mũi hay ho, quý vị có thể mua các thuốc không cần toa uống để chữa trị cảm sốt. Nếu vẫn không khỏi sau 1 - 2 ngày và triệu chứng nặng hơn, quý vị gọi điện cho bác sĩ và thông báo triệu chứng để được hướng dẫn.
- Thuốc chữa đau cổ và sốt: Các thuốc bạn có thể mua để trị cảm tại nhà là Acetaminophen APAP (Tylenol hay Paracetamol 500mg), bạn có thể uống 2 viên một lần (1 viên nếu người ốm), mỗi ngày 3 lần cho sốt, đau cổ, và cảm. Đối với người có bệnh về gan không nên uống Acetaminophen. Liều dùng tối đa là 3g mỗi ngày (6 viên APAP 500mg). Bạn cũng có thể uống Advil (Ibuprofen) 200mg cho sốt và đau nhức. Bạn cẩn thận uống thuốc này nếu có bệnh về bao tử hay bệnh thận.
- Thuốc chữa chảy mũi: Bạn có thể mua Claritin (Loratadine 10mg) và Allegra 180mg tại hiệu thuốc để chữa chảy mũi và ho. Uống Loratadin 10mg hay Allegra mỗi ngày một lần. Bạn có thể uống Benadryl 25mg để chữa chảy mũi và ho, tuy nhiên, thuốc này dễ gây buồn ngủ và chóng mặt nên tôi ít khuyên dùng cho người lớn tuổi.
- Thuốc chữa ho: có hai loại là thông thường bán ngoài thị trường là Dextromethorphan (tên hiệu là Robitussin Cough, Vicks 44) và Guaifenesin (Mucinex). Bạn nên dùng liều thấp nhất có thể theo hướng dẫn của DS hay BS. Các bạn có thể dùng DayQuil hay NightQuil cũng là lựa chọn tốt do kết hợp thêm Antihistamine.
Bạn không nên dùng Promethazine/ Dextromethorphan nếu như quý vị bị suyễn, hút thuốc, mắc các bệnh về phổi, hay đang uống thuốc về tâm thần hoặc trầm cảm".
4. Khuyên người thân nên tập thể dục tại nhà hay gần nhà, hạn chế nơi công cộng
"Bạn nên tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch. Bạn cũng có thể tập đi bộ ngoài trời thoáng mát hàng ngày, nếu được bạn hãy chạy hoặc đi nhanh hơn, nhưng nhớ là tập vừa đủ, không thở quá khó và không quá mệt. Mỗi ngày tập một chút.
Tập thể dục trong nhà gồm yoga, đạp xe một chỗ, hay vật lý trị liệu. Quý vị có thể theo dõi các bài tập Yoga hay thể dục qua Youtube, và làm theo hướng dẫn".
Đồng thời, bạn hãy nhớ nhắn nhủ cha mẹ, ông bà của mình nên hạn chế tới nơi công cộng trong thời điểm này.
5. Nhắc nhở uống nước đầy đủ, không để cơ thể bị thiếu nước
Mất nước dẫn đến khô cổ họng là một rủi ro cao với các bệnh hô hấp. Người lớn tuổi rất dễ mất nước do cơ thể họ không tích trữ nhiều nước, cộng thêm các bệnh mãn tính dễ làm mất nước như cao huyết áp hay tiểu đường.
Khi cơ thể thiếu nước, phổi và vòm họng thiếu đi chất nhờn bảo vệ, dễ dẫn đến sự xâm lăng của vi khuẩn và virus (như SARS-CoV-2), gây nhiễm bệnh. Uống nước ngay khi đau cổ hay khô cổ, hoặc thấy nước tiểu màu vàng đục. Nếu bạn bị bệnh thận cấp 3 trở lên hay suy yếu tim nên cẩn thận khi uống nhiều nước.
Người lớn tuổi nên uống nước nhiều lần, mỗi lần một ít thay vì uống một lần thật nhiều nước.
6. Nhắc ngủ đầy đủ, ngủ ngon và ăn uống cân bằng
"Ngủ đủ và sâu giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh và tinh thần sảng khoái. Ở người lớn tuổi, giấc ngủ có thể ngắn đi do nhiều lý do. Quan trọng là quý vị nên vận động, ăn uống nhẹ trước khi ngủ, và chỗ ngủ sạch sẽ thoải mái. Quý vị có thể nghe các bài nói chuyện của tôi về giấc ngủ trên youtube
Người lớn tuổi nên dùng nhiều buổi ăn nhỏ trong ngày, chủ yếu là ăn ngon thay vì ăn no. Ăn có cân bằng rau cải (1/2 đến 1/3 màu của rau cải, 1/4 thịt cá, và 1/4 là tinh bột và ngũ cốc)".
7. Kiểm tra Vitamin D
"Lần trước, tôi có chỉ ra nghiên cứu về uống vitamin D3 liều 800 IU mỗi ngày có thể giúp giảm rủi ro bệnh cảm, đặc biệt là với bệnh nhân có vitamin D level thấp (<10) (5). Đối với người lớn tuổi trên 60 nên kiểm tra với bác sĩ của mình xem mình có thấp Vitamin D không và uống vitamin D bổ sung để tăng cường hệ miễn dịch".
8. Chích ngừa Vaccine
"Chích ngừa cảm cúm influenza vẫn chưa là muộn cho năm nay. Ngoài ra, các bạn nên chích ngừa viêm phổi (loại PPSV23) nếu trên 65 tuổi, theo khuyến cáo của CDC. Lưu ý là chích vắc xin cảm cúm không ngăn ngừa được Covid-19, nhưng giảm rủi ro nếu bị bệnh cảm cúm, loại bệnh mà đang giết 20,000 người Mỹ năm nay".
Theo Tri Thức Trẻ