Bong tróc da lòng bàn tay là dấu hiệu của bệnh gì?

Nhiều người thường lầm tưởng rằng bong tróc da lòng bàn tay là do thiếu vitamin C. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bong tróc da, nếu không tìm hiểu rõ nguyên nhân để điều trị đúng cách, các triệu chứng sẽ không thuyên giảm được.

Bong tróc da là bệnh về da, nguyên nhân gây ra có rất nhiều như viêm cơ địa (thường gặp ở những người có cơ địa dễ bị dị ứng); viêm do tiếp xúc, dị ứng với hóa chất hay chất tẩy rửa; dinh dưỡng kém, thiếu vitamin và một số khoáng chất cần thiết cho sự phục hồi và tái tạo da;...

Nhiều người khi bị bong da thường có xu hướng nghĩ rằng mình bị thiếu vitamin C và bổ sung vitamin C một cách ồ ạt nhưng vẫn không thấy triệu chứng giảm đi. Lúc này, bạn nên đến các trung tâm da liễu tin cậy để khám vì rất có thể bạn đã mắc chứng á sừng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bong tróc da tay, chân.

Nguyên nhân

Thực tế cuộc sống hiện nay, chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều chất hóa học mỗi ngày, những chất hóa học này hầu như đều không tốt cho sức khỏe.

Chất tẩy rửa vệ sinh rất có hại cho da.

Trong đó, phần lớn các chất hóa học mà ta tiếp xúc thường có trong sinh hoạt hàng ngày như xà phòng, bột giặt, nước rửa bát, nước cọ nhà vệ sinh,... Những chất này trực tiếp làm tổn hại đến các tế bào da tay. Khi tiếp xúc thường xuyên, lớp tế bào sừng bên ngoài bảo vệ da sẽ bị bong đi trong khi lớp tế bào trong vẫn chưa kịp tái tạo, mới chỉ là lớp da rất mỏng. Lớp da này tiếp tục phải tiếp xúc với hóa chất và không có lớp tế bào sừng bảo vệ, dẫn đến hiện tượng cứ bong hết lần này đến lần khác.

Bên cạnh đó, việc rối loạn thần kinh thực vật, đổ mồ hôi tay quá nhiều, dinh dưỡng kém, thiếu vitamin A, B, PP,... cũng là những nguyên nhân dẫn đến bong tróc da.

Không những thế, viêm da còn có thể chịu tác động của nhiều yếu tố khác như thay đổi thời tiết, người hay bị hen phế quản, viêm mũi dị ứng, ăn nhiều thức ăn có chứa protein có trọng lượng phân tử lớn như tôm, cua, cá,...

Biểu hiện nặng hơn của viêm da cơ địa là da có thể bị đỏ và sưng nề nhẹ, hơi ngứa và có thể bị nổi mụn nước nhỏ hay các nốt sần. Bệnh càng để lâu sẽ càng khiến da bị mất nhiều nước dẫn đến khô da.

Thời tiết càng lạnh, càng hanh khô thì da càng dễ bị bóc vảy nhiều hơn, thậm chí còn có thể nứt nẻ và chảy máu. Da sẽ trở nên khô hơn và bong tróc nhiều hơn nếu bạn còn tiếp tục tiếp xúc với các chất tẩy rửa và nước nóng. Chà xát quá mạnh hay ngâm nước quá lâu cũng khiến cho da lâu liền lại do các tế bào khó phục hồi và tái tạo, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt thường ngày.

Biện pháp phòng ngừa

  • Giữ cho da luôn sạch, hạn chế tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa.
  • Sử dụng các sản phẩm cung cấp độ ẩm cho da ngay cả trong những ngày nắng.
  • không tắm quá lâu, quá nhiều, nước tắm cũng không được quá nóng.
  • Bổ sung các vitamin cần thiết cho da, thường có trong rau củ tươi sạch hàng ngày, uống nhiều nước và vận động cơ thể thường xuyên.
  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khi ra ngoài cần che chắn cẩn thận.
  • Trong trường hợp da bị bong tróc, không nên chủ quan hoặc tự tìm phương pháp điều trị mà nên đến các trung tâm da liễu tin cậy để được khám và điều trị đúng cách.

Theo VTC News

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU