Ông Nguyễn Văn Nhòm, năm nay đã 82 tuổi nhưng còn nhớ như in ngày con gái mất tích. Ảnh: Hoàng Chiến |
Mỗi bữa cơm, xới thêm một bát phần con gái
Gần ba thập niên qua, mỗi bữa ăn ông Nguyễn Văn Nhòm (82 tuổi, ở thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) lại xới thêm một bát cơm chỉ để đấy. Hàng xóm, khách khứa thấy lạ hỏi chuyện, ông bảo rằng, đây là bát cơm phần con gái. "Nhỡ đâu đang ăn con về, có bát cơm chờ sẵn cháu đỡ tủi thân", ông Nhòm nghẹn ngào.
"Ngày 2/10/1991 là mốc thời gian ám ảnh mà tôi chẳng bao giờ quên được. Hôm đó là Chủ nhật, Biên nói với tôi là ra đồng cuốc khoai nhưng đến tối muộn không thấy quay về... Năm ấy Biên mới 23 tuổi, chưa lập gia đình và đang làm nghề trông trẻ ở gần nhà để có tiền đỡ đần bố mẹ", ông Nhòm kể lại.
Ngày ấy, sự mất tích bí ẩn của chị Biên làm bàng hoàng cả một vùng quê nghèo. Người nhà ra sức đi tìm, lần mò lên cả vùng biên giới nhưng cũng không có kết quả. Gia đình mất dần hi vọng về con gái với suy nghĩ con sẽ không thể trở về. "Hàng năm, vào ngày 2/10, tôi vẫn thắp hương như là ngày giỗ của con. Suốt 28 năm qua, 28 lần cúng giỗ, nỗi nhớ con khôn nguôi nhưng tôi chẳng dám trông mong gì…", ông Nhòm nghẹn ngào.
Nói về những chuỗi ngày đớn đau mong tin con gái, ông Nhòm kể, 3 năm sau ngày con mất tích, gia đình ông nhận được bức thư lạ. Trong bức thư, một người phụ nữ nhận là đồng hương Bắc Giang, sang Trung Quốc làm ăn, gặp được chị Biên. Người ta nói rằng, chị Biên đã lập gia đình, sinh được một cậu con trai. Nếu gia đình muốn gặp, phải liên hệ với người phụ nữ này để họ đưa sang Trung Quốc. Nhưng các thông tin đều mơ hồ lại sợ bị lừa nên gia đình ông Nhòm không dám liên hệ với người gửi bức thư trên.
Kể đến đây, ông ngừng lại một chút, lấy tay đè lên ngực mình để ngăn cơn xúc động. Cũng kể từ lần đó, gia đình không còn nhận được bất kì thông tin nào của chị Biên, mọi hi vọng tìm kiếm coi như tắt ngấm. Ở tuổi sắp trở về với tiên tổ, ông vẫn day dứt rằng: Vì sao con gái lại mất tích? Ai là người đã đem con đi? Và nếu con không còn sống thì xác con đang ở đâu để gia đình đưa về mai táng cho an lòng?...
Cuộc trùng phùng kỳ diệu
Vài tháng trước, công an Trung Quốc mở đợt truy quét những người nhập cư bất hợp pháp, trong đó có người Bắc Giang. Sáng sớm 2/8/2019, chính quyền xã Đông Lỗ thông báo gia đình ông Nhòm lên nhận con gái. Không biết thực hư thế nào nhưng ông Nhòm cùng các con vội vã theo dòng người đông đúc lên trụ sở ủy ban xã. 7h30, sau khi đã làm xong các thủ tục cần thiết, lực lượng chức năng chính thức trao trả chị Nguyễn Thị Biên cho gia đình. Gặp những người thân sau 28 năm, chị Biên không nhận ra ai ngoài ông Nhòm. Giữa rất đông người thân và làng xóm xung quanh, chị chỉ cất nghẹn lên đúng một tiếng: "Bố". Ông Nhòm rơi nước mắt, xúc động không nói nên lời.
"Biên giống tôi như đúc, không thể nào nhầm lẫn được. Hai bố con ôm nhau run bần bật, nước mắt tự nhiên tuôn ra, cảm xúc lúc đó thật khó tả. Tôi những tưởng chỉ có thể gặp lại con gái nơi suối vàng…", ông Nhòm nhớ lại.
Những tháng ngày xa quê quá dài, cùng với sự thay đổi của những người thân nên khi được về nhà, chị Biên không nhận ra người quen, ngay cả tiếng mẹ đẻ chị nói còn khó khăn. "Con gái tôi được đưa về gia đình trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, lúc nhớ, lúc quên. Trước khi mất tích, cháu vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, nay trở về lại như thế này. Hành trang cháu mang về chỉ là một túi quần áo cũ, đôi dép, không có bất cứ giấy tờ gì. Họ hàng trong gia đình phải cho cháu quần áo để mặc tạm", ông Nhòm xót xa.
Bữa ăn đoàn viên mừng con gái trở về, ông Nhòm tự tay vào bếp làm những món mà trước đây chị Biên thích. Sau 28 năm dài đằng đẵng, đây là lần đầu tiên gia đình ông tề tựu đông đủ, quây quần trò chuyện với nhau. Mọi người cố gắng kể lại những kỷ niệm cũ, những cái tên cũ. Chị Biên chỉ biết cám ơn, rồi rớm nước mắt vì niềm vui đến quá bất ngờ.
Từ ngày con gái trở về, hàng xóm láng giềng ai cũng nhìn thấy nụ cười trực sẵn trên môi ông Nhòm. Tận tay ông Nhòm dạy lại con gái cách chế biến, nấu ăn như cái ngày bảo ban chị cách đây ba thập niên trước. Do gia đình cận nghèo, kinh tế thuần nông nên chị Biên được giới thiệu đi làm tại một công ty cách nhà chừng 1km để có thể tự nuôi sống bản thân…
Chỉ mong mỗi ngày đi làm về được ăn cơm với bố
Mong ước hiện tại của chị Nguyễn Thị Biên là được làm việc tại một xưởng may này và về nhà ăn cơm với bố mỗi buổi tối. |
Theo sự dẫn đường của người thân, chúng tôi đến gặp chị Biên tại một xưởng sản xuất túi vải tư nhân. Biết có người đến thăm, chị mừng rỡ mời chúng tôi vào, vừa làm, vừa nói chuyện.
Khi được hỏi có nhớ vì sao lại sang Trung Quốc không, chị Biên chỉ lắc đầu. Rồi chị kể, ở bên đó chỉ toàn rừng núi, ngày nào chị cũng phải đi làm ruộng đến tối mịt mới được về. "Ngày mới bị bắt sang bên đó nhớ nhà, nhớ bữa cơm quây quần bên gia đình lắm nhưng không dám trốn. Vì hễ ai trốn họ bắt được là đánh đập cho bằng chết", chị Biên kể bằng tiếng Việt pha lẫn âm tiết của tiếng Trung.
Bằng những kí ức mơ hồ, chắp vá, chị kể: "Sau đợt truy quét của công an Trung Quốc vừa rồi, tôi được họ chở trên ô tô đến một núi cao thì cho xuống. Họ bảo cứ đi theo đường này là về nên tôi cùng nhiều người phụ nữ khác nhịn ăn, nhịn uống đi bộ xuyên rừng".
Khi đi đến địa phận mốc giới của tỉnh Lạng Sơn, chị đã kiệt sức và được một người dân tên Huỳnh cho ở nhờ. "May mắn chú này lại chính là người cùng xã tôi đi làm ăn xa. Chú ấy hỏi thông tin của tôi rồi liên hệ đến người nhà, sau đó thuê xe đưa về tận xã", chị Biên cười nói rồi lại tiếp tục gắn tem cho túi vải.
Từ khi đi làm, dù lương ăn theo sản phẩm không được cao nhưng đã giúp chị Biên nguôi ngoai đi phần nào những năm tháng lưu lạc xứ người. Chị cũng vui vẻ, hoạt bát và biết giao lưu, nói chuyện cùng mọi người.
Bà Nguyễn Thị Hà (62 tuổi, người làm ở xưởng may) cho biết: "Mới vào thì cô Biên làm chậm, cứ lơ ngơ nhớ trước quên sau, chẳng nói chuyện với ai. Bây giờ cô ấy thì nhanh nhẹn hơn rồi, có tiến bộ lắm. Ở đây mọi người hay gợi chuyện, hỏi han nên cô ấy hòa đồng hơn".
Mỗi ngày, chị Biên đi làm từ sáng sớm. Buổi trưa chị ăn bánh mì chứ không về nhà. Tan ca, chị đi bộ thật nhanh về nhà để cùng bố và gia đình em trai nấu ăn. Nghe chúng tôi động viên chị sống tiếp cuộc đời với những tâm thế tươi sáng hơn, người phụ nữ này cười đáp: "Chỉ cần ngày đi làm, tối về được ăn cơm với bố là hạnh phúc lắm rồi".
Hỗ trợ sinh kế của người mất tích trở về địa phương
Bà Ngô Thị Hồng Uyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết: "Toàn huyện còn 40 phụ nữ nghi bị bán sang Trung Quốc chưa trở về. Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ luôn quan tâm, động viên, giúp những người trở về tái hòa nhập thông qua các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế".
Ông Trần Văn Sơn, Phó trưởng Công an xã Đông Lỗ cũng cho biết, chị Nguyễn Thị Biên là người địa phương mất tích từ năm 1991. Tháng 8/2019, sau khi tổ chức tiếp nhận chị Biên, chính quyền xã đã làm thủ tục nhập khẩu và cấp thẻ căn cước công dân cho chị để sớm ổn định cuộc sống".
Link gốc: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bua-com-dau-tien-cua-nguoi-cha-gia-va-con-gai-sau-28-nam-mat-tich-bi-an-20200114162100309.htm
Theo ttvn.vn