Theo chuyên gia từ Towncutler, dưới đây là những điều bạn nên làm nếu muốn giữ dao kéo luôn sắc bén:
- Không để dao ngâm trong nước, dính nhựa hay chất bẩn lâu ngày. Khi dao được sử dụng để cắt các thực phẩm chứa axit (chanh, cà chua... ), bạn nên lau rửa ngay sau đó, bởi nếu để lâu, chúng có thể làm mòn dần lưỡi dao, khiến nó bị cùn.
- Không cho dao vào máy rửa bát, bởi chúng khiến cán dao long, gây ra sự va chạm, ma sát khiến dao cùn, mẻ...
Dùng dao thái đồ xong nên rửa ngay để giữ được độ sắc bén lâu. Ảnh: Serious Eats. |
- Tránh lau dao bằng giấy cứng hoặc nùi sắt: những tấm lau không phù hợp có thể khiến sản phẩm bị xước xát, kém sắc bén... sau nhiều lần lau. Tốt nhất, bạn nên dùng khăn mềm, độ thấm hút cao để lau dao, kéo, sau đó treo chúng lên cho khô ráo.
- Với lưỡi dao được làm bằng thép carbon thay vì inox hoặc hợp chất carbon và thép không gỉ, đặc tính cơ bản của chúng là dễ rỉ sét. Một mẹo khá hiệu quả là sau khi lau rửa sạch, khô, bạn bôi lên dao một lớp dầu ăn thật mỏng, lớp dầu sẽ ngăn chặn quá trình oxy hóa, khiến dao đỡ bị rỉ sét bề mặt.
- Nên mài dao bằng thanh mài: Thay vì mài vào các loại bát, đĩa như thói quen của nhiều bà nội trợ, việc sử dụng máy mài dao chuyên dụng sẽ đem lại hiệu quả cao, đồng thời giúp sản phẩm bền hơn. Để mài dao cho đúng cách, bạn đặt lưỡi dao 15 -20 độ nghiêng so với mặt phẳng, mỗi bên mài khoảng 3 lần.
- Bảo quản dao: thay vì để chung với nhiều dụng cụ bếp khác nhau, nên để riêng dao, kéo một chỗ, lý tưởng nhất là treo hoặc dựng chúng trong hộp đựng chuyên dụng, hoặc thanh treo dao nam châm, hay bọc chúng trong các lớp bọc gỗ, nhựa...
- Chọn thớt phù hợp: Đây là một lưu ý khá quan trọng, bởi vì những mặt cứng: đá, kim loại... có thể làm hỏng dao. Các tấm thớt gỗ, nhựa là lựa chọn hoàn hảo. Đừng quên, với thớt chặt, thớt lớn không chỉ tốt cho việc bạn chế biến thức ăn, mà còn cả cho dao nữa.