Các cặp đôi cưới cả năm vẫn không thể 'động phòng'

Đi nghỉ trăng mật nhưng hễ chồng tiến tới là vợ đẩy ra, anh Đức (Bắc Ninh) phải chuốc thuốc ngủ cho vợ nhưng cũng không ăn thua.

Anh Đức (thành phố Bắc Ninh) kể, vợ anh rất xinh đẹp, gương mặt trong sáng như búp bê. Tình yêu êm đềm cho tới lúc kết hôn. Thời gian đáng lẽ là ngọt ngào nhất sau cưới lại trở thành chuỗi ngày căng thẳng, hoang mang của họ.

Suốt tuần trăng mật, anh Đức dù thủ thỉ nhẹ nhàng, âu yếm vuốt ve lẫn giận dỗi thế nào thì cứ đến lúc chuẩn bị vào cuộc là vợ lại đẩy ra. Ngày cuối trong chuyến đi nghỉ, anh cho vợ uống thuốc ngủ để hành sự (với sự đồng tình của chị). Nhưng vì sợ có bất trắc nên anh chỉ dám cho uống liều thấp và đến lúc cần hành động thì chị vẫn tỉnh và lại hất chồng ra.

Không thể làm "chuyện ấy", anh Đức vừa bực bội, ức chế, vừa thương vợ vì biết chị rất yêu chồng và cũng muốn hòa nhịp với anh nhưng lại không thể điều khiển được cơ thể mình.

Khổ sở gần 2 năm, anh ra tối hậu thư: "Nếu một tháng nữa em vẫn không chịu làm vợ thì chúng mình đường ai nấy đi" thì chị mới quyết tâm cùng chồng đi khám. Khi gặp bác sĩ, vợ anh còn khẩn khoản nói: "Cháu sẵn sàng rủ thêm 2 đứa bạn thân tới hỗ trợ giữ chặt tay chân để bác muốn làm gì thì làm, chỉ cần chữa được cho cháu khỏi 'bệnh' sợ yêu chồng là được".

"Tất nhiên, không thể xử lý vấn đề của cô ấy bằng việc nhờ người giữ chặt để can thiệp thô bạo", bác sĩ Lê Thị Kim Dung, chuyên gia chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục (Hà Nội) chia sẻ.

Bà Kim Dung cho hay, vợ anh Đức là một trong số những phụ nữ tìm tới nhờ can thiệp khi không thể "yêu" chồng vì vùng kín có phản xạ co thắt, không chấp nhận bất cứ sự xâm nhập nào. Số người rơi vào tình trạng này không nhiều nhưng cũng không phải quá hiếm.

Theo chuyên gia, với các liệu pháp về tình dục, tác động tâm lý, đôi khi kết hợp cả những can thiệp y khoa, dùng thuốc, đa số các đôi đều cải thiện tình hình. Người phụ nữ được hướng dẫn cách để tự khám phá bản thân, làm quen dần với những kích thích.

"Như vợ chồng anh Đức, vài tháng sau đó, họ quay lại phòng khám với một lẵng hoa cảm ơn sau lần đầu tiên quan hệ thành công", bác sĩ Kim Dung kể.

Chuyên gia Lê Thị Kim Dung tư vấn cho chị em trục trặc chuyện "yêu". Ảnh: MT.

Bà vẫn nhớ lần gần đây nhất khám cho một cô gái mà chuyên gia vừa chạm vào người là cô cười như nắc nẻ, đạp cả bác sĩ. Đây cũng là nguyên nhân khiến vợ chồng cô dù lấy nhau gần một năm nhưng không thể gần gũi.

"Hễ tôi đụng vào là cô ấy kêu nhột và đẩy ra, bao lần loay hoay vẫn không thể làm ăn gì. Ở chung với bố mẹ, nhiều khi cả nhà trêu vợ chồng son 'hăng quá' vì cứ gây tiếng rầm rầm, nhưng thật ra toàn là một đứa chạy một đứa đuổi theo hoặc vợ thì giãy giụa, cười chảy nước mắt còn chồng ngồi thừ mặt méo xệch", người chồng chia sẻ với nhà tư vấn.

Không chỉ có "máu buồn", người vợ còn kể, dù rất yêu chồng và thương khi thấy anh bứt rứt, cô rất sợ chuyện chăn gối vì tưởng tượng hành động ấy sẽ vô cùng đau đớn, đáng sợ. Sau một thời gian cả hai vợ chồng cùng luyện tập thì họ cũng khắc phục được vấn đề.

Bà Kim Dung cho biết, về lý thuyết, nhiều công trình nghiên cứu nước ngoài cho rằng phụ nữ bị hội chứng co thắt vẫn có ham muốn nhưng không chấp nhận "yêu" là do phản xạ bản năng và nguyên nhân có thể vì quá khứ họ từng bị xâm hại. Tuy nhiên, trong cả trăm trường hợp bà từng gặp suốt nhiều năm trong nghề thì chưa từng có chị em nào rơi vào ám ảnh quá khứ như vậy.

Thực tế, một số cô gái có nỗi sợ "chuyện ấy" khi cho rằng hành vi này có thể gây đau đớn khủng khiếp. Nỗi sợ đó theo bản năng, không ai giống ai, như có ông võ sư giỏi lại vô cùng khiếp đảm trước một con nhện bé xíu, có người mắc chứng nhìn bất cứ cái gì có lỗ đều rùng mình...

Có các trường hợp lại là hệ quả từ lối giáo dục sai lạc về giới tính, bộ phận cơ thể... "Tới thời nay, vẫn có những người coi 'chuyện ấy' và vùng kín là cấm kỵ. Có cô tiến sĩ hơn 30 tuổi được mẹ - một giáo sư, giảng viên đại học - đưa đến khám vì kết hôn 2 năm vẫn chưa có con. Trong lúc kiểm tra, tôi giật mình khi vô tình làm rách màng trinh của bệnh nhân. Hóa ra sau khi cưới, hai vợ chồng chưa hề hành sự vì người vợ cho rằng, chồng không được xâm nhập vào vợ, chỉ cần âu yếm bên ngoài là đủ", bác sĩ Dung kể lại.

Đa số các trường hợp sau thời gian trị liệu, can thiệp về cả tâm lý và y khoa đều có tiến triển. Tuy nhiên, cũng có những ca, chuyên gia đành "bó tay".

Đó là tình cảnh của vợ chồng chị Trà ở Hải Phòng. Anh chị tìm đến bác sĩ sau 6 năm kết hôn mà chưa một lần thực sự làm "chuyện ấy". Thương chồng, chị Trà cũng cố gắng giúp anh giải tỏa bằng những cách âu yếm khác nhưng cả hai vẫn cảm thấy chưa đủ. Đến mức, khi biết vợ có bầu, chồng chị Trà vô cùng ngạc nhiên nhưng không mảy may nghi ngờ chị có mối quan hệ khác. "Nếu cô ấy là kiểu người như vậy thì chúng tôi đã chẳng phải khổ sở xoay sở thế này", anh tâm sự.

"Thật tiếc là dù cả hai đều cố gắng suốt nửa năm, áp dụng đủ cách nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Dù vậy, tới giờ cả hai vợ chồng họ vẫn quấn quít bên nhau", chuyên gia chia sẻ.

Bà Dung cho biết, với những đôi vợ chồng thực sự yêu thương, người chồng dù bức bách khi không được thỏa mãn nhưng vẫn dễ cảm thông cho vợ bởi hiểu rằng đó là vấn đề nằm ngoài kiểm soát của bạn đời và bản thân người phụ nữ cũng rất khổ sở. Tuy vậy, không ít đôi rơi vào tình cảnh này, người vợ phải nhắm mắt cho chồng giải tỏa bên ngoài hoặc chấm dứt hôn nhân.

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

Theo giadinh.vnexpress.net

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU