Các mẹ có con biếng ăn nhất định phải đọc bài này vì có thể đang mắc 6 sai lầm dưới đây

Cách cha mẹ nhìn nhận và thực hiện việc ăn uống cho con có thể tác động đến thói quen ăn uống sau này của trẻ nhỏ.

Bạn dành nhiều giờ chuẩn bị bữa ăn cho con. Có sự cân bằng tốt giữa các nhóm thực phẩm, giàu màu sắc, chứa nhiều vitamin và dưỡng chất – đó là bữa ăn mà bạn chắc chắn con sẽ thưởng thức một cách hào hứng.

Thế rồi, hãy tưởng tượng cảm giác kinh ngạc và thất vọng khi bạn thấy ánh mắt con nhìn món ăn, quay mặt đi và từ chối thử dù chỉ một miếng nhỏ. Bản thân Serene Lee (đến từ Singapore) - bà nội trợ có cậu con trai 2 tuổi tên Rayson cũng phải đối mặt tình huống tương tự. Serene cho biết, cô đã thử đủ mọi cách để con trai có chế độ ăn uống đa dạng: "Tôi mua chuộc con, rồi thì cố gắng ép con ăn, chưa kể tới việc vừa chạy theo vừa đút cho con, với hi vọng có được vài thìa thức ăn vào được miệng con. Suy xét kỹ, tôi thấy, mình chỉ đang làm cho thói quen ăn uống của Rayson ngày một tệ hơn".

Ảnh minh họa

Rayson thuộc tuýp những em bé kén ăn, biếng ăn. Tiến sĩ Martha Liu, bác sĩ nhi tại phòng khám SBCC Baby & Child (Singapore) giải thích rằng biếng ăn biểu hiện ở những đứa trẻ chỉ ăn một lượng thực phẩm hạn chế, có sở thích mạnh mẽ về một số món ăn nào đó, không ăn nhiều hoặc sẵn sàng thử món mới.

Chuyên gia dinh dưỡng Daniel Ker của The Nutrition Place (trung tâm dinh dưỡng ở Singapore) cho biết có nhiều yếu tố liên quan tới hiện tượng biếng ăn ở trẻ nhỏ:

"Đó có thể do yếu tố sinh học – có những đứa trẻ nhạy cảm với đồ ăn hơn so với trẻ khác, và do đó cũng không thích nhiều loại thực phẩm hơn. Cũng có thể trẻ mắc hội chứng sợ thử thứ mới – bao gồm cả nỗi sợ hãi hay không thích nếm những loại thức ăn chưa từng ăn.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng như kỳ vọng và nhận thức cá nhân của cha mẹ về lượng thức ăn trẻ cần hấp thụ cũng đóng vai trò nhất định".

Rõ ràng, vai trò này tác động lớn tới việc hình thành cách tiếp cận đồ ăn của trẻ. Cụ thể, cách trẻ cư xử sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới những gì trẻ sẽ ăn hoặc không ăn.

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ của một cuộc chiến bên bàn ăn, cha mẹ có thể tham khảo những sai lầm phổ biến nhất khi cho con ăn uống. Đồng thời, bạn có thể áp dụng các cách thay thế sau để cải thiện tình hình:

1. Không để trẻ chú ý tới cơn đói và dấu hiệu no của chính mình

Ảnh minh họa

Phần lớn cha mẹ cố gắng kiểm soát lượng thức ăn mà trẻ hấp thụ, thường bằng cách ép buộc con ăn hết toàn bộ phần thức ăn trong bát/đĩa. Kết quả là giờ ăn trở nên căng thẳng, việc ăn trở thành trải nghiệm khó chịu với cả bố mẹ lẫn con cái.

Biện pháp thay thế: Trẻ có khả năng điều chỉnh lượng thức ăn hấp thụ để đáp ứng nhu cầu của chính cơ thể mình - bằng cách tăng/giảm lượng thức ăn ở bữa kế tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc cha mẹ không phải ép con ăn nhiều hơn/ít hơn trong mỗi bữa. Hãy để trẻ thực hành kỹ năng tự điều chỉnh, thể hiện ở việc trẻ có ăn hay không và nếu ăn thì lượng là bao nhiêu. Về phía bạn, hãy quyết định cho trẻ ăn gì, khi nào và ở đâu.

2. Yêu cầu trẻ ra khỏi phòng bếp

Phòng bếp thường được coi là nơi nguy hiểm, với sự hiện diện của dao kéo sắc nhọn, ấm nước sôi, bếp gas… Vì thế, việc cha mẹ muốn con tránh xa phòng bếp là điều hoàn toàn có thể hiểu được.

Biện pháp thay thế: Cho phép trẻ ở trong phòng bếp thực sự rất tốt, nhất là nếu trẻ được tham gia quá trình chuẩn bị nguyên liệu nấu nướng. Chỉ cần đảm bảo trẻ tuân thủ các quy tắc an toàn và vệ sinh. Theo chuyên gia Daniel Ker: "Giới thiệu cho trẻ những thực phẩm tốt cho sức khỏe theo cách vui nhộn và đúng đắn có thể giúp trẻ hình thành mối liên hệ tích cực với đồ ăn. Nhờ đó, trẻ sẽ sẵn sàng tiếp nhận hơn, thậm chí, tận hưởng những món ăn lành mạnh mà mình góp công chuẩn bị".

3. Bản thân bạn cũng kén chọn đồ ăn và thể hiện điều đó trước mặt trẻ

Ảnh minh họa

Nếu cha mẹ có những sở thích nhất định và hạn chế về các món ăn, có khả năng cao là con bạn cũng sẽ hình thành thói quen ăn uống tương tự. Trong trường hợp bạn đang ăn kiêng hay hạn chế lượng thực phẩm hấp thụ, hãy quan tâm tới việc con trẻ đang quan sát, dõi theo và học tập bạn.

Biện pháp thay thế: Quan trọng là cha mẹ phải làm tấm gương tốt cho con noi theo. Họ nên ăn tối cùng nhau, bên đứa trẻ, tại nhà và biểu lộ những thói quen ăn uống tốt ví dụ như ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Như vậy, trẻ có thể học theo và hình thành thói quen tích cực tương tự.

4. Từ bỏ quá sớm

Chỉ vì trẻ từ chối món ăn mới mà bạn giới thiệu cho con, không có nghĩa rằng, bạn không thể làm lại món đó một lần nữa. Chìa khóa nằm ở chỗ: Không ngừng cố gắng.

Biện pháp thay thế: Với trẻ nhỏ, có thể cần nhiều lần thử, kéo dài trong nhiều tháng trước khi trẻ thực sự chấp nhận một món ăn mới. Kết quả cuối cùng sẽ xứng đáng với những nỗ lực bạn bỏ ra. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ sơ sinh và trẻ độ tuổi chập chững biết đi cần từ 8 lần tiếp xúc với một món ăn trở lên mới chắc chắn chấp nhận hoặc không chấp nhận món đó. Đây là thực sự không phải là chuyện mẹ nào cũng biết.

5. Nhất định phải nấu những món không chứa chất béo và nhạt

Ảnh minh họa

Tiến sĩ Liu cho biết, một hiểu lầm mà không ít cha mẹ mắc phải khi cho con ăn là giới hạn trẻ chỉ ăn một số thực phẩm nấu bằng cách hấp/luộc hoặc đi kèm với rất ít dầu mỡ. Họ tin rằng đó mới là cách tốt hơn cho sức khỏe của con.

Biện pháp thay thế: Để cải thiện vẻ bắt mắt của một món ăn, thay vì luộc mọi thứ, cha mẹ có thể dùng chút dầu để rán sơ đồ ăn hoặc đảo nhanh trên chảo. Chỉ cần đó là loại dầu tốt cho sức khỏe, ví dụ: dầu ô-liu, hạt cải, hướng dương, vừng, lạc hay bắp. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng chỉ ra rằng, thêm một chút bơ, phô mai hay đường nâu cũng tăng hương vị cho món ăn và nhờ đó, trẻ sẽ sẵn lòng thử hơn.

6. Thay thế các bữa ăn bằng nước ép trái cây và đồ ăn vặt

Một số cha mẹ chiều theo mong muốn của trẻ, cho con ăn nào bánh quy, bánh xốp, nước ép trái cây. Họ nghĩ như thế vẫn tốt hơn là để trẻ đói bụng. Nhưng nếu trẻ trải qua mọi ngày bằng những lựa chọn này, nó sẽ nhanh chóng trở thành thói quen và trẻ sẽ vẫn từ chối ăn đúng loại thứ ăn và đúng giờ ăn.

Biện pháp thay thế: Không cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn đồ ăn vặt và các loại đồ uống khác khỏi thực đơn hàng ngày của trẻ. Hãy đưa ra những loại tốt cho sức khỏe hơn và giới hạn chúng vào những khoảng thời gian nhất định trong ngày. Theo Tiến sĩ Martha Liu: "Với trẻ từ 1 đến 10 tuổi, nước ép trái cây 100% có thể được coi như nửa khẩu phần trái cây mà trẻ nên ăn mỗi ngày. Và bạn nên cho trẻ ăn trái cây tươi vì chúng chứa chất xơ - điều vốn quan trọng cho hoạt động tiêu hóa, tạo cảm giác no và kiểm soát về cân nặng".

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng một số chiến lược sau để giảm thiểu khả năng bé trở nên biếng ăn.

-  Đưa ra lượng và loại thức ăn phù hợp với nhóm tuổi của trẻ.

- Thiết lập lịch trình và cấu trúc ổn định như ăn cùng nhau tại bàn ăn gia đình.

- Tránh mọi yếu tố gây xao nhãng (không xem tivi, chơi các thiết bị điện tử, chơi đồ chơi hay đọc sách) vào bữa ăn.

- Đặt trẻ ngồi trên ghế ăn cao cho tới khi trẻ đủ tuổi để ngăn con không tụt xuống ghế hay xoay quanh vào giờ ăn.

- Khích lệ trẻ tự xúc ăn.

- Luôn có một món mà trẻ thích giữa phong phú các món ăn khác.

- Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với các món mới.

- Thay đổi việc giới thiệu món ăn mới, tránh lặp đi lặp lại.

- Duy trì bầu không khí thong thả, tích cực trong suốt bữa ăn.

- Không cáu giận, đe dọa, trừng phạt hay dụ dỗ trẻ.

Nguồn: Smartparent

 

Theo Helino

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU