Xử lý vết thương hở ban đầu không chuẩn có thể đối diện nguy cơ hoại tử chi thậm chí nhiễm trùng huyết...
Bác sĩ khốn khổ xử lý lại vết thương
Trong cuộc sống ta thường gặp các vết thương hở như các vết cắt, các vết rách hay các vết trầy da. Các vết cắt thường bị gây nên bởi một vật sắc rạch vào da như dao, kéo,…thường gặp và xảy ra ở nhà hoặc trong thời gian vui chơi trên đầu, mặt và bàn tay… có thể chảy máu nhiều nếu vết cắt ảnh hưởng đến các mạch máu nằm bên dưới.
TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Giám đốc TTYT quận Hai Bà Trưng cho biết, một vết cắt sâu có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh, cơ, gân và thậm chí xương. Các vết rách bị gây nên bởi chấn thương, rách da bờm xờm hoặc lởm chởm. Các vết trầy da xảy ra khi lớp bề mặt của da bị bào đi hoặc bị trầy xước. Các vết trầy xước này có thể rất đau vì chúng gây tổn thương các điểm tận cùng của dây thần kinh trong da.
Với các vết thương này cần xử lý nhanh chóng chống mất máu và shock do đau đớn.
Tuy nhiên, TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh lo ngại, dân gian thường truyền miệng một số cách xử trí nhanh như nhá búp chuối, lá cây chó đẻ đắp vào vết thương để cầm máu hay đổ nước mắm lên vết bỏng, bôi các loại rượu ngâm,..
Tại một phòng khám tư, vị bác sĩ Nguyễn Sỹ Tấn sau một ca trực kể lại rằng, “sắp hết giờ làm việc thì một ca bị tai nạn lao động được đưa đến cấp cứu. Người đàn ông bị một vết cắt khá sâu ở lòng bàn tay. Điều đáng ngại là, sau khi gỡ mớ khăn quấn chặt vết thương của bệnh nhân thì kíp trực đã phải rất vất vả khi phải làm sạch vết thương bằng cách nhặt từng sợi thuốc lá dính khắp chiều dài khoảng chừng 15cm vết thương. Máu đã đông lại, có những sợi sau khi được rửa bằng nước muối tự trôi đi, nhưng có những sợi bám sâu ở trong thịt lẫn với đất cát, dầu mỡ … khiến chúng tôi rất vất vả để làm sạch trước khi khâu lại.
Nguyên nhân là do người dân vẫn có thói quen cầm máu theo dân gian: thuốc lá, nhá lá đắp vào vết thương”, BS Tấn nói.
Theo BS. Vân Anh, đây là cách làm hết sức nguy hiểm vì rất dễ gây ra các tổn thương nặng hơn. Nhẹ thì gây dị dứng, nhiễm trùng tại chỗ, nặng thì gây hoại tử chi hoặc nhiễm trùng máu đe doạ đến tính mạng.
Làm sao cho đúng cách?
Theo các chuyên gia, dù vết thương rất nhỏ như trầy xước da, chân chống xe quẹt, đứt tay, côn trùng cắn, xương cá hoặc dằm gỗ đâm... nhưng nếu chủ quan và không được xử trí ban đầu tốt thì tỉ lệ nhiễm trùng từ vết thương này rất cao.
Thường gặp là nhiễm trùng khu trú, hoại tử tại chỗ, nhiễm trùng uốn ván. Hiếm gặp hơn là nhiễm trùng lan tỏa và nhiễm trùng yếm khí.
Nhiễm trùng uốn ván, nhiễm trùng lan tỏa, nhiễm trùng yếm khí đều có nguy cơ gây tử vong. Còn nhiễm trùng khu trú sẽ lan rộng xung quanh vùng có gân cơ, có thể lan đi rất rộng (nhất là vùng bàn tay). Khi nhiễm trùng lan vào xương gây viêm xương, hoại tử xương.
Với những vết thương đã tụ mủ, phải rạch rộng lấy hết mủ, cắt lọc mô hoại tử hay lấy bỏ xương viêm. Đối với người bị suy giảm miễn dịch như bệnh đái tháo đường, dùng corticoid kéo dài, nhiễm HIV đặc biệt giai đoạn AIDS, hay các bệnh nhân bị bệnh mạch máu như bệnh miễn dịch, người hút nhiều thuốc lá, sự lan rộng của nhiễm trùng rất mạnh và khi lan toàn thân có thể gây sốc nhiễm trùng và tử vong.
Do đó, TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh khuyến cáo, với các vết thương nông và đơn giản người dân có thể tự vệ sinh và chăm sóc tại nhà. Với các vết thương sâu hoặc vùng sát thương rộng nên đến bệnh viện gần nhất để được chăm sóc đúng cách để nhanh lành và vết sẹo thẩm mỹ hơn.
“Để một vết thương mau lành chúng ta nên rửa vết thương bằng nước muối pha loãng 9%, không nên dùng alcool để rửa vết thương, có thể dùng các chất tẩy rửa để tránh nhiễm trùng như Chlorhexidin pha loãng 5/10.000 hoặc dung dịch Povidone iode hay nước thuốc tím pha loãng 1/10.000”, TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh nói.
Bởi theo BS Vân Anh, bản chất của vết thương như kích thước, độ sâu,..vết thương nhỏ, nông dễ lành hơn vết thương to, sâu. Vết thương bị bầm dập, bị nhiễm bẩn nhiều sẽ lâu lành hơn. Với các vết thương nặng hơn chúng ta dùng nước sạch rửa qua, băng nhẹ rồi đưa ngay đến bệnh viện
BS Vân Anh cũng nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không được tự tiện bôi hay đắp bất kỳ một loại lá hay thuốc dân gian nào vì có thể dẫn tới biến chứng như dị ứng, hoại tử vết thương, bội nhiễm, nhiễm trùng máu… Và chú ý không nên sử dụng các loại thuốc không có nguồn gốc rõ ràng trên thị trường vì có thể khiến vết thương lâu lành và để lại sẹo.
Nếu sau khi tự chăm sóc theo dõi, vết thương xuất hiện các triệu chứng: đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có chất xuất tiết từ vết thương, mùi khó chịu bốc ra từ vết thương, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành (vết thương nhỏ thường chỉ lành sau ba ngày)... thì cần đến bệnh viện ngay vì vết thương đã nhiễm trùng.
Link gốc: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/so-cuu-vet-thuong-ho-dung-cach-nhu-the-nao-264797.html
Theo ttvn.vn