1. Hành lá
Hành là gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người Việt, từ trứng rán đến canh sườn, canh cá… Mỗi ngày chúng ta thường mua vài nghìn hành để dùng trong các bữa ăn, nhưng bạn sẽ chẳng lãng phí tiền mua hành nữa khi biết rằng trồng hành lại nhàn đến thế.
Lưu ý tách củ hành ra thành nhiều nhánh và xếp đầu nhánh hành quay ra bên ngoài bình.
Đều đặn tưới nước để đất có đủ độ ẩm, sau vài ngày bạn sẽ thấy hành bắt đầu mọc mầm. Kết quả là bạn sẽ có cả một "bình" hành như thế này. Hơn nữa, mỗi lần thu hoạch bạn chỉ việc cắt lấy lá hành để nấu, hành sẽ lại tiếp tục ra lá mới như bình thường.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng chính đoạn rễ của hành tươi để trồng bằng cách ngâm đoạn rễ này vào trong bình nước, vài ngày sau rễ sẽ dài thêm và cây cũng bắt đầu mọc lại lá. Chú ý để cây gần khu vực có nhiều ánh nắng để lá hành có màu xanh nhờ được quang hợp.
2. Tỏi
Đầu đông chính là thời điểm tốt nhất để trồng tỏi, và chẳng cần phải lo có vườn mới trồng được tỏi, bạn có thể trồng tỏi trong những chiếc thùng xốp hoặc bất kỳ chiếc chậu rộng và sâu nào đặt ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, ít nhất là có 6 giờ ánh nắng mặt trời có thể chiếu vào chậu cây.
Tách các nhánh tỏi ra (chú ý không làm hỏng nhánh tỏi), chỉ chọn những nhánh tỏi to để trồng, những nhánh nhỏ bạn có thể cất đi để nấu.
Kiếm một thanh gỗ, dùng thanh gỗ này đâm xuống mặt đất để tạo thành các lỗ nhỏ sâu khoảng 6-7 cm, bỏ mỗi nhánh tỏi vào một lỗ, sao cho phần đầu của nhánh tỏi hướng lên trên, sau đó lấp đất lại.
Tỏi có thể nảy mầm rồi lại chết vào mùa đông, nhưng đừng lo, khi sang xuân, nó sẽ lại tiếp tục sống như bình thường. Thường xuyên dùng bình xịt tưới nước cho chậu cây, hoặc phủ lên trên bề mặt đất những miếng bọt biển đã thấm nước, đất sẽ hút ẩm từ miếng bọt biển này.
Khi mới trồng tỏi, lưu ý cần tưới nước thường xuyên để đất ẩm và rễ có thể phát triển. Sau đó thì không tưới quá nhiều nước, tỏi sẽ không phát triển tốt. Chỉ tưới nhiều nước 1 lần/tuần nếu đặt cây trong nhà hoặc nếu đặt cây ở ngoài trời nhưng không có mưa. Khi thời tiết dần ấm lên, giảm lượng nước tưới dần dần, bởi vì tỏi cần mùa hè khô nóng mới có thể cho ra những củ tỏi mập mạp.
3. Gừng
Gừng có thể chế biến củng rất nhiều món ăn, nhất là khi đông lạnh về, một bát canh bí xanh nấu với gừng sẽ giúp bạn ấm áp hơn rất nhiều. Cách trồng gừng cũng không hề khó như bạn tưởng, và hoàn toàn có thể trồng ở ban công, sân thượng hay thậm chí đặt ở bệ cửa sổ trong nhà.
Bạn cần chọn củ gừng tươi, gừng già nhưng nhỏ sẽ giúp bạn có được những nhánh gừng cay hơn khi thu hoạch. Bẻ lấy một đoạn gừng (chú ý chọn phần có nhiều mắt gừng), ngâm vào nước ấm qua đêm. Nếu mắt gừng đã nảy mầm, bạn có thể mang chúng ra trồng trực tiếp luôn mà không cần phải ngâm.
Đem gừng ra trồng vào chậu. Phủ lên trên củ gừng khoảng 4cm đất, lưu ý đất phải tơi xốp và các mắt gừng phải hướng lên trên. Tưới nước đều đặn cho cây để tránh đất bị quá khô và nên tưới bằng bình xịt.
Đặt chậu vào khu vực ấm áp nhưng không quá nắng. Sau vài tuần bạn sẽ bắt đầu thấy gừng nhú mầm và mọc lá. Khoảng 3-4 tháng sau khi trồng thì bạn có thể thu hoạch gừng. Mỗi lần thu hoạch chỉ cắt đủ lượng gừng cần dùng, sau đó lại lấp đất lại như cũ. Chú ý vẫn cần luôn đảm bảo đất có đủ độ ẩm. Cũng giống như hành, tỏi, gừng là loại củ có thể phát triển liên tục nếu được chăm bón tốt.