Cách xử lý khi bị ong vò vẽ đốt để giảm nguy cơ tử vong

Trước thông tin 5 người trong một gia đình ở Bạc Liêu bị ong chích khiến 2 người chết, 3 người nguy kịch, người dân tại TP.HCM lo lắng vì nhiều người nghĩ rằng ong đến nhà làm tổ là điều may mắn.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM - khuyến cáo: ong vò vẽ làm tổ lộ thiên, trên cành cây hay bụi cây, có khi làm tổ trong mái nhà. Ở TP.HCM, nhiều gia đình thường trồng cây cảnh trên sân thượng cũng hay gặp ong vò vẽ kéo đến làm tổ. Một số người quan niệm, ong kéo đến nhà "góp mật" là điềm hên nên giữ lại nuôi. Thế nhưng, ong chích một mũi cũng có thể dẫn đến tử vong.

 

Vậy cách xử lý tổ ong vò vẽ sao cho an toàn? 

Theo bác sĩ Tiến, khi thấy ong có dấu hiệu kéo đến phải đuổi chúng đi ngay, hoặc phá tổ ong ngay khi tổ còn nhỏ. Khi xử lý, người dân nên đốt lửa và tạo khói để xua đuổi ong, đồng thời dùng màn hoặc lưới mắt nhỏ để bọc tổ ong và gỡ đi, tránh trường hợp ong còn trong tổ. Người làm bắt buộc phải mặc quần áo dày hoặc áo mưa (loại nhựa dày), đầu đội mũ kín, đi găng.

Với những tổ ong vò vẽ lớn, người dân nên gọi dịch vụ bắt ong chuyên nghiệp, đừng cố thử, tự làm. Sai lầm khi nhiều người tìm cách phá tổ ong vò vẽ bằng cách dùng bình xịt muỗi, diệt côn trùng phun vào tổ ong, điều này không ăn thua và không an toàn.

Hai bệnh nhi bị ong vò vẽ chích ở Bạc Liêu vẫn đang được tích cực lọc máu liên tục, chưa thể tiên lượng trước điều gì.

 

Nếu bị ong chích, xử lý cách nào?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cảnh tỉnh: "Đừng coi thường vết chích từ ong. Nếu nạn nhân chẳng may bị sốc phản vệ, dù ong chích một mũi cũng có thể tử vong bất kỳ lúc nào".

Nguy hiểm ở chỗ, người sơ cứu càng cố gắng rạch vết thương, nặn nọc độc thì người bệnh càng dễ tử vong bởi nọc độc di chuyển nhanh hơn trong máu. 

Trường hợp này, nếu đủ bình tĩnh và nhìn thấy túi nọc nơi vết chích, mọi người chỉ cần dùng dụng cụ sạch khều nhẹ ra ngoài. Nhưng tốt nhất, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được cứu chữa kịp thời, đúng cách.

Theo bác sĩ Tiến, khi phát hiện một người bị ong đốt, đầu tiên tìm cách đuổi đàn ong đi, đưa nạn nhân đến chỗ khô ráo, sạch sẽ. Ngoài vết chích, kiểm tra xem nạn nhân có bị choáng váng, đau đầu, nổi mề đay, ngứa ngáy, tay chân lạnh, mệt mỏi, lịm dần… để trình báo với bác sĩ, vì những dấu hiệu này có thể dẫn đến sốc phản vệ. Nếu nhập viện chậm trễ dễ suy đa cơ quan, tử vong trong thời gian rất ngắn.

Ngoài ra, một người bị ong chích trên 10 vết, hoặc lấy số vết chích chia cho cân nặng, nếu tỷ số từ 1,5 trở lên, nguy cơ nạn nhân sốc phản vệ do ong chích rất lớn. Lúc này, dù nạn nhân tỉnh táo, tiếp xúc được cũng phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Ong vò vẽ đốt khiến gia đình 5 người ở Bạc Liêu thương vong.

Nếu nạn nhân quá đau, sưng phù nơi bị chích, nên được rửa sạch vết thương bằng xà phòng, chườm đá lạnh để giảm đau rồi đưa đến bệnh viện. Khi đưa người bị nạn đến bệnh viện, nên để nằm, đầu thấp, tránh gây sốc. Tuyệt đối không sử dụng lá thuốc, vôi, bã trầu... để đắp lên vết thương. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nơi vết chích, nhiễm trùng máu càng khiến nạn nhân gặp nhiều nguy cơ.

Bác sĩ Tiến cảnh báo mùa hè là thời điểm tai nạn do ong đốt gia tăng. Bệnh nhân bị chích bởi các loại ong thường gặp như ong vò vẽ, ong bầu, ong đất.

Thông thường, ong bầu, ong đất thường làm tổ nơi thấp, trong bụi rậm gần mặt đất, chiều cao tầm với trẻ. Ong vò vẽ hay làm tổ trên cao, nhưng vì hiếu kỳ, trẻ hay ném đá, lấy cây chọc phá tổ ong nên bị ong truy đuổi tới cùng.

Trẻ thường không biết cách tự vệ như nhảy xuống ao, hồ để tránh dễ dẫn đến đuối nước. Vì thế, người lớn nên thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà. Khi phát hiện ong làm tổ, dù trong nhà hay gần nơi ở nên dùng khói đuổi chúng đi.

 

 

Theo phunuonline.com.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU