Mỗi gia đình có trẻ nhỏ có lẽ đều ít nhiều trải qua tình huống con cứ đi siêu thị là nằng nặc đòi mua thứ mình thích. Cha mẹ sẽ nhẹ nhàng từ chối hoặc thuyết phục nhưng con vẫn không nghe, mè nheo, khóc lóc thậm chí là lăn ra ăn vạ giữa chốn đông người. Rất nhiều phụ huynh vì thấy phiền nên đành chiều theo, cũng có người nóng giận mà đánh mắng.
Một vài gợi ý sau sẽ giúp bạn tránh được tình trạng phải cáu kỉnh hoặc phải đưa bé về nửa chừng:
Cho bé cùng tham gia mua hàng
Bạn cho phép con được bỏ vào giỏ những món đồ mà bạn mua, hoặc bạn cho phép bé chọn một trong hai loại hàng mà bạn dự định. Điều này sẽ khiến bé thỏa mãn trí tò mò.
Nói rõ mong muốn của bạn với con trước khi bước vào cửa siêu thị
Bạn có thể yêu cầu con nhắc lại yêu cầu của bạn. Bạn chỉ cần nhắc nhở nhẹ nhàng nếu như bé quên. "Chúng ta đã quy ước với nhau như thế nào trước khi bước vào siêu thị?"
Cho con lựa chọn
Nếu con tiếp tục quậy phá trong siêu thị, bạn có thể đưa ra lựa chọn: "Con muốn tiếp tục ở đây hay muốn chúng ta đi về nhà?". Điều này sẽ khiến một số bé quyết định ở lại và bớt quậy phá hơn. Hoặc "Con muốn được tự đi hay mẹ đặt con lên xe đẩy hàng?".
Giảm thiểu tối đa cách thức mua sắm "la cà"
Xét về mặt toán học nếu bạn càng ở trong siêu thị lâu thì hóa đơn mua hàng của bạn sẽ càng tốn kém vì khi đó bạn sẽ chi nhiều tiền hơn, điều đó cũng đúng với cả các bé. Bế bé đi loanh quanh trong siêu thị càng lâu thì nguy cơ bé đòi mua một món đồ gì đó sẽ càng cao.
Để tránh được những đòi hỏi mang tính "trẻ con" của bé, tốt nhất cha mẹ nên lên một danh sách những món hàng cần mua và "đánh nhanh rút êm" trong thời gian nhanh nhất có thể thay vì dành quá nhiều thời gian đi loanh quanh trong khu mua sắm và đặc biệt là tránh xa khu bán đồ dành cho trẻ em.
Bình tĩnh và bình tĩnh
Đứng ở nơi công cộng mà con liên tục đòi hỏi, thậm chí gào thét hay nằm vật ra ăn vạ thì cũng xấu hổ thật. Tuy nhiên, bạn đừng vì thế mà nóng giận đánh mắng hay nhượng bộ cho qua chuyện. Bởi cả 2 cách này đều không khiến bé thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Nhượng bộ khiến bé sẽ tiếp tục tái diễn trò ăn vạ nhiều lần sau vì chúng biết chỉ cần làm thế sẽ có được thứ mình muốn. Còn đánh đập chỉ khiến con bị tổn thương, xấu hổ, sinh ra tâm lý ấm ức, tức giận và muốn phản kháng.
Bạn hãy giữ thái độ bình tĩnh, mềm mỏng nhưng cương quyết khi nói chuyện với con. Nếu ngại phiền mọi người ở nơi công cộng, bạn có thể đưa con vào một vị trí kín đáo và vắng vẻ hơn để nói chuyện riêng.
Trong trường hợp bé quá quậy phá , hay tiếp tục gào thét ăn vạ thời gian dài, bạn nên đưa bé về nhà ngay lập tức để bé hiểu hậu quả do hành động của mình. Nếu kinh nghiệm này lặp đi lặp lại một vài lần, bé sẽ biết điều hơn vào những lần sau.
Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp