Cả nhà vào viện vì sán lá phổi
Bé T.T.K.L , 4 tuổi ở Vị Xuyên, Hà Giang bị ho, khó thở, ăn hay nôn, thỉnh thoảng nôn có máu, gia đình đã đưa cháu đến BV Phổi Trung ương điều trị. Bố của bệnh nhi L. cho biết, thỉnh thoảng mỗi khi đi rừng, chú của bé bắt được cua suối thường mang về nấu canh cho cả nhà ăn.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện bé bị mắc bệnh sán lá phổi. Ths.BS Nguyễn Thị Hằng, Phó trưởng Khoa Nhi, BV Phổi Trung ương cho biết: “Khi bệnh nhi L đến với chúng tôi, bé có biểu hiện ho, khó thở, thể trạng suy dinh dưỡng, qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, đặc biệt khi biết bé ở vùng có dịch tễ và người nhà đã cho bé ăn cua suối nấu canh và đặc điểm của dịch màng phổi sau khi chọc hút dịch (màu trắng đục có nhiều vẩn như màu nước dưa muối) chúng tôi đã đặt nghi vấn về bệnh sán lá phổi và lập tức tiến hành các xét nghiệm tìm trứng sán”.
Các bác sĩ đã tìm thấy trứng sán trong dịch màng phổi của cháu– điển hình của bệnh sán lá phổi - nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi phải của cháu. BS Hằng cho biết sán lá phổi là một trong những nguyên nhân gây viêm màng phổi với biểu hiện tràn dịch một bên phổi hoặc hai bên, giai đoạn muộn sẽ để lại ổ cặn màng phổi.
Rất may, bệnh nhi L được phát hiện kịp thời và điều trị đúng phác đồ, bao gồm sử dụng thuốc tẩy sán và phẫu thuật nội soi làm sạch màng phổi. BS Hằng chia sẻ, đây là trường hợp điển hình của sán lá phổi, ở những trường hợp sán lá phổi có tràn dịch màng phổi, nguy cơ bệnh nhân bị dày dính màng phổi, gây ổ cặn màng phổi.
Những trường hợp này đều có chỉ định phẫu thuật màng phổi, phục hồi chức năng hô hấp cho người bệnh. Nếu không phát hiện kịp thời bệnh sán lá phổi sẽ để lại những di chứng đáng tiếc như nếu ổ cặn lớn sẽ gây co kéo biến dạng lồng ngực.
BS Hằng cho biết, trong năm vừa qua, tại Khoa Nhi BV Phổi Trung ương có khoảng 10 bệnh nhân mắc sán lá phổi, trong đó có những tỉnh có nhiều ca sán lá phổi như Tuyên Quang, Lai Châu... "Có những trường hợp chúng tôi đã điều trị cả nhà bị sán lá phổi”, BS Hằng cảnh báo. Gia đình đó cả bố mẹ đều bị sán lá phổi, hai con (một 12 tuổi và một 4 tuổi) lần lượt nhập viện điều trị sán lá phổi.
Trong thời gian chăm người con thứ 2 bị tràn dịch màng phổi do sán lá phổi, người bố được phát hiện tràn dịch màng phổi, các bác sĩ đã tìm thấy trứng sán lá phổi ở người bố. Tiếp đó, người mẹ và người con lớn cũng đã được kiểm tra phát hiện có tổn thương trên phổi do sán lá phổi. Bệnh nhi nhỏ nhất được chẩn đoán sán lá phổi ở khoa Nhi – Bệnh viện Phổi Trung ương là 2 tuổi. Tất cả các bệnh nhi được chẩn đoán bệnh sán lá phổi đều có tiền sử ăn cua suối nướng hoặc nấu canh và đến từ các vùng dịch tễ có tỷ lệ lưu hành bệnh sán lá phổi cao như Tuyên Quang, Lai Châu…
Hình ảnh phim Xquang phổi của bệnh nhi trước phẫu thuật
BS Hằng cảnh báo nếu trong gia đình từng có người nhiễm sán lá phổi, những thành viên trong gia đình nên đi kiểm tra xét nghiệm tìm sán. Bởi đây là căn bệnh do sử dụng thức ăn được nấu chưa chín, nếu một thành viên gia đình đã nhiễm bệnh những thành viên trong gia đình khác cũng có nguy cơ mắc theo.
Bệnh nguy hiểm dễ nhầm lẫn
PGS.TS Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Khoa vi sinh BV Phổi Trung ương cho biết, sán lá phổi xuất hiện rải rác quanh năm. Dù đây là bệnh dễ điều trị nhưng việc phát hiện phụ thuộc nhiều vào bác sĩ điều trị. Nguyên nhân là do bệnh sán lá phổi có biểu hiện giống với bệnh lao, nên bác sĩ cũng dễ nhầm lẫn. Chỉ có bác sĩ điều trị giàu kinh nghiệm, kết hợp với các yếu tố dịch tễ, lâm sàng mới có chỉ định xét nghiệm tìm đúng bệnh. Không phải bao giờ cũng nhìn thấy trứng sán khi soi, “có nghiên cứu cho biết, chỉ có 40% trứng sán được tìm thấy trong dịch màng phổi”, PGS Hưng nói.
PGS Hưng khuyến cáo, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, việc tập trung phòng chống dịch bệnh rất quan trọng. Bên cạnh đó, cũng không quên phòng chống các dịch bệnh khác, trong đó có sán lá phổi. Bởi đây là căn bệnh tồn tại nhiều năm nay, vẫn chưa được thanh toán. Chỉ cần thay đổi lối sống, tập quán sinh hoạt của người dân có thể ngăn chặn được căn bệnh này, PGS Hưng cho biết.
Hình ảnh Xquang phổi của bệnh nhi sau phẫu thuật
Lời khuyên của bác sĩ
Ths.BS Nguyễn Thị Hằng, người dân, đặc biệt là những người sống ở vùng núi, nơi có dịch tễ lưu hành, nên ăn chín, uống sôi, không ăn đồ sống. Nếu ở các vùng dịch tễ lưu hành, người dân nên đi kiểm tra định kỳ tìm sán. Quan trọng nhất, cần thay đổi thói quen như thích ăn đồ tái, tập quán sinh hoạt, ăn đồ tôm, cua (đá) nướng , nấu không kỹ, không nên cho trẻ ăn đồ sống (gỏi), cần ăn thực phẩm đã được nấu chín để phòng bệnh sán lá phổi.
Nếu người dân thấy có các triệu chứng như ho, khó thở, đau ngực, người hay có thói quen ăn đồ tái, chưa chín kỹ, ăn cá, tôm, cua nước ngọt nướng, tái hoặc nấu chưa kỹ cần đi khám tìm sán. BS Hằng cho biết, ở những người nhiễm sán lá phổi, khi chọc dịch màng phổi thường có màu trắng đục- đặc trưng của sán. Bệnh nhân cần được chỉ định tìm trứng sán lá phổi trong các bệnh phẩm như phân, dịch màng phổi… để tìm căn nguyên gây bệnh. Cần kết hợp với yếu tố dịch tễ để tránh nhầm lẫn với các bệnh khác.
Theo Tri Thức Trẻ