Mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa yêu cầu các địa phương biên giới phía Bắc “siết” các cửa khẩu, đường biên nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi - loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ cao xâm nhiễm vào Việt Nam.
Các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng “gác” ở cửa khẩu, đường mòn, lối ở khu vực biên giới…xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn lậu thịt lợn, thịt không rõ nguồn gốc.
Dịch tả lợn Châu Phi từ Trung Quốc đang lan rộng |
Bên cạnh đó, các tỉnh thành cần phê duyệt, triển khai kế hoạch ứng phó với dịch tả lợn châu Phi. Tổ chức giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đối với lợn có dấu hiệu hoặc nghi có bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ, trong quá trình vận chuyển; các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt tươi, xúc xích… gửi đến phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm.
Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh tiêu độc khử trùng với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi nhằm ngăn chặn mầm bệnh.
Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất; |
Thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), từ năm 2017 đến hết tháng 10/2018, có 19 quốc gia xuất hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi, trên 370.000 con mắc bệnh, số tiêu hủy đã lên trên 835.000 con.
Tính đến ngày 25/8/2018, tổng cộng đã có 4 ổ dịch Dịch tả lợn châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con. Đáng chú ý, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, CH Séc, Hungary, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraine và Zambia báo cáo có dịch tả lợn châu Phi.
Tại Trung Quốc đã xuất hiện 54 ổ dịch, tiêu hủy trên 210.000 con lợn tại 13 tỉnh như: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh… Đặc biệt, dịch đã xuất hiện ở tỉnh Vân Nam (thành phố Phổ Nhĩ), nơi cách biên giới của Việt Nam khoảng 150 km.
Theo sohuutritue.net.vn