Cảnh báo: Xôn xao tình trạng nhiều học sinh dùng dao lam tự rạch tay chân, có em rạch đến 27 vết, nghi học theo trên Youtube

Thông tin những học sinh một trường trung học đến lớp với những vết rạch tay, chân... khiến nhiều phụ huynh hoang mang lo lắng.

Mới đây, trong nhóm kín, một tài khoản chia sẻ câu chuyện cảnh báo về tình trạng rạch tay ở trẻ vị thành niên kèm những hình ảnh và cuộc trò chuyện giữa cô giáo và phụ huynh được cho là từ một trường trung học ngoại thành Hà Nội.

Học sinh rạch đến 27 vết trên tay

Theo tài khoản M.M chia sẻ, cô giáo phát hiện có những em học sinh đến lớp với vết dao rạch ở tay, chân, có em rạch đến 14, 21, 27 vết. Cô giáo tá hỏa kiểm tra cả lớp thì mới biết các em xem video Momo trên YouTube. "Mình tìm kiếm thử thì thấy hình ảnh kinh dị sởn gai ốc, không dám xem", chị M. nói.

Những vết rạch trên tay các học sinh được cô giáo chụp lại

Sau đó, cô giáo liền nhắn tin trong nhóm chung cảnh báo cho các phụ huynh. Người chia sẻ cho biết, không rõ sau đó bố mẹ nói chuyện với các con như thế nào nhưng "với mình, đây là một khoảng xám rất đau lòng giữa bố mẹ và con trẻ".

Các em mang dao lam đi và rạch vào tay mình

Trong tin nhắn gửi tới phụ huynh, cô giáo cảnh báo hiện nay xuất hiện trường hợp các em học theo các video trên YouTube làm "những việc rùng mình". "Các em mang dao lam đi và rạch vào tay mình các chữ như hận đàn ông, hận đời hoặc tên mình". Cô giáo yêu cầu phụ huynh kiểm tra tay chân con mình, đồng thời quản lý việc con sử dụng điện thoại tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tin nhắn cô giáo gửi tới phụ huynh

Chị M. viết tiếp:

"Quá choáng, mình dò hỏi thử 7 người mình quen, đều là các em trẻ dưới 25 tuổi, xuất thân nông thôn quanh Hà Nội thì nhận được các thông tin gây choáng:

- Ôi cái này ở làng em đầy. Bọn trẻ có đứa cắt tay ngất ra đấy và đi cấp cứu.

- Hồi em cấp 3 lớp em cũng có bạn cắt dọc hết cánh tay, bố mẹ chẳng ai biết, bạn ấy kể mỗi em.

- Bọn trẻ con ở chỗ em cũng toàn rủ nhau xem mấy video này.

- Tụi cấp 2 giờ xem nhiều chị ơi. Sẹo cắt đầy tay chân, em thấy mà.

Công thức chung của trẻ con nông thôn trong các câu chuyện mình được hỏi được đều là:

Cha mẹ lên thành phố làm ăn, trẻ ở quê với ông bà.

Cha mẹ đi làm từ sớm tới khuya mới về, trẻ tự học tự chơi tự lớn.

Cha mẹ không bao giờ tắm cho con (vì con đã lớn, bận việc...) nên không phát hiện ra các vết cắt. Ôm ấp, thủ thỉ, trò chuyện, xem tay chân thì càng không.

Trẻ đi học về rảnh rỗi quá, chơi cùng bạn. Có trẻ tự có điện thoại, có trẻ xem cùng bạn. Tụi nó lan truyền và học hỏi nhau.

Trường hợp bé gái 5 tuổi gần đây treo cổ tự tử do học theo video trên mạng tưởng câu chuyện xa xôi mà lại hóa gần".

Theo cô giáo, có những em rạch vào tay, chân 27 vết

Theo chị M, tim chị như thắt lại khi viết câu chuyện này. Chị vừa choáng váng vừa hoang mang. Chị mong các bố mẹ để ý tới con hơn vì "lúc tụi nó không nói, không kể, không gần gũi với mình nữa thì đã quá muộn, không làm lại được nữa".

Chia sẻ với chúng tôi, chị T.T, một phụ huynh có con học tại trường này xác nhận tình trạng trên. "Đây là những học sinh học lớp 8, lớp 9. Việc cô giáo và nhà trường phát hiện và cảnh báo kịp thời đã giúp phụ huynh quan tâm con em mình sát sao hơn. Cháu nhà mình rất may không có tình trạng này, nhưng qua chuyện lần này, đúng là không thể lơ là được", chị T. nói.

Cha mẹ nên trở thành điểm tựa niềm tin cho con

Trẻ ở độ tuổi cấp 2, 3 luôn muốn khẳng định, chứng tỏ bản lĩnh. Các em thường bị kích thích bởi trò chơi hóa thân thành nhân vật chiến binh, anh hùng. Trẻ nhốt mình trong phòng và đắm chìm vào thế giới ảo hoặc muốn tách khỏi người lớn.

Gia đình không thể cấm trẻ sử dụng điện thoại, máy tính, kể cả các nội dung trên mạng xã hội, vì vậy hãy cố gắng kiểm soát và định hướng khi trẻ tham gia vào thế giới ảo. Cha mẹ nên cùng con lập kế hoạch, trao đổi các vấn đề trong cuộc sống, lắng nghe, chia sẻ với trẻ. Chỉ khi cảm nhận được sự tôn trọng, trẻ mới có niềm tin vào cha mẹ và sẽ chủ động nói ra những áp lực, căng thẳng mà bản thân đang gặp phải.

Lúc này, thay vì truy hỏi hoặc mặc kệ, cha mẹ nên trở thành điểm tựa niềm tin cho con, hãy đồng hành, lắng nghe trẻ nói, đừng bác bỏ hoặc nghe xong để đó.

Để giúp đỡ trẻ ở mức tốt nhất, cha mẹ có thể tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Điều này sẽ giúp phụ huynh hiểu những hành vi tự hoại và mức độ nguy hiểm đối với con. Chuyên gia sẽ tham vấn giúp các em tự chủ hơn.

 

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU