Có những người cả đời họ chưa bao giờ rời khỏi bản làng, thôn xóm, hay vùng quê nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng cũng có những người, cuộc sống họ gắn liền với những cuộc hành trình, với những dải đất lạ, quen. Bởi ở đó, họ được sống với niềm đam mê khám phá, và với những tình yêu không thể diễn tả hết bằng lời. Tôi vẫn nghĩ, phượt chỉ nên dành cho những người trẻ như Trần Đặng Đăng Khoa, phượt thủ ngang dọc Châu Âu, hay Huyền Chíp - xách balo lên và đi. Cho đến khi tôi gặp cặp đôi phượt lão u70 trong bài viết này.
Ông Mong Phước Minh (70 tuổi, An Giang) vốn là một giảng viên và kỹ sư nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Ngọc Cúc (68 tuổi, An Giang) lại là Kỹ sư hoá học. Hai ông bà từng nghiên cứu và giảng dạy tại trường Đại học Cần Thơ trước những năm 1979. Sau khi giải phóng, trở về quê nhà, TP. Long Xuyên tỉnh An Giang, đôi vợ chồng đa tài này cùng nhau kinh doanh rất nhiều ngành nghề.
Đầu tiên, với vốn kiến thức của mình, hai ông bà từng nghiên cứu sản xuất, kinh doanh kem đánh răng. “Lúc ấy thị trường phân phối gần như khắp miền tây, nhờ đó mà kiếm được một số vốn cho việc làm ăn sau này”, ông Minh chia sẻ.
Vài năm sau, ông Minh còn nghiên cứu làm men bia để bán cho các cơ sở sản xuất bia rượu. Đến năm 1990, trong một lần đến thăm trường Đại học mỹ thuật (TP.HCM), bị mê hoặc trước các tác phẩm điêu khắc của các sinh viên thời ấy, với tay nghề hoạ sĩ của mình, ông Minh bàn vợ chuyển sang tự vẽ, đúc các tượng thạch cao để bán. Nhờ chăm chỉ và kinh doanh tốt, vào năm 2002 khi con cái đều đã ăn học hành thành tài và có công việc ổn định. Ông bà quyết định về hưu và đưa nhau đi du lịch.
- “Ban đầu chỉ là đi du lịch ngắn ngày, vì 2 vợ chồng chú vốn thích đi chơi lắm, sau nghỉ hưu thì đi nhiều hơn” ông nói.
Năm 2011, ông bà cùng một nhóm bạn photographer đi phượt đến biển Kép, CamPuchia. Sau chuyến đi 4 ngày thì “thừa thắng xông lên”, ông bà tiếp tục đưa nhau đi qua khắp các tỉnh miền Tây để đến với cột mốc số 0 tại tỉnh Cà Mau. Từ đó đến nay, ông bà đã có hàng chục lần đi phượt Nam, Bắc và 2 lần đi xuyên Việt. Với kinh nghiệm phượt khắp đất nước hình chữ S. Ông bà tiếp tục cùng nhau đi “bụi” khắp Đông Nam Á bằng xe đạp, và đi thăm thú các tiểu bang miền Nam nước Mỹ bằng xe… buýt.
Hẳn nhiên đây không phải là lần đầu tiên ông bà đặt chân đến các nước bạn. Hai người đã từng đi phượt bằng xe máy qua Việt Nam – Lào – Camphia, và một số lần đến Myanmar và Thái Lan. Nhưng chuyến đi bằng xe đạp lại mang lại nhiều trải nghiệm và cảm xúc nhất.
“Gọi là đi xe đạp cho oai, chứ cô chú gửi xe đạp trong thùng xe đò, dừng ở đâu thì mình lấy xe đạp ra đạp chơi thăm thú đến đó”
Tôi bèn hỏi, tại sao cô chú lại có ý tưởng “táo bạo” này?
Bà Cúc chia sẻ “đi xe máy nhiều nên cô bị đau lưng, chú rủ đi chơi mấy nước Đông Nam Á thì cô nghĩ tới chuyện đi bằng xe đạp, mà là xe đạp gấp ấy, xếp gọn, thảy lên xe đò, tới nơi mở ra chạy tà tà thăm thú khắp hang cùng ngõ hẻm! Tụi Tây nó đi rần rần, tại sao mình lại không”.
Chiều theo ý tưởng đặc biệt của người bạn đồng hành, ông Minh sắm liền 2 chiếc xe đạp mini một xanh một đỏ, mỗi chiếc 7kg, bánh xe chỉ vỏn vẹn 12 inches (30cm), có thể gấp gọn lại đeo sau balo. Hai ông bà lên kế hoạch, điểm đến đầu tiên là nước bạn Campuchia, Lào, Myanmar cuối cùng là Thái Lan, chuyến đi kết thúc sau 31 ngày vào năm 2013.
“Đi bằng xe đạp vừa tiết kiệm, vừa nhàn nhã, vừa tiếp cận sát với “hiện trường” để chụp ảnh, vừa thể dục thể thao, vừa khám phá thêm những nét sống đường phố”, ông Minh hồi tưởng lại chuyến hành trình. Khó mà tin được cặp vợ chồng già ngồi trước mặt tôi, có thể vác balo hơn chục ký (nếu tính cả chiếc xe đạp) để đi chu du khắp nơi như thế.
Ông kể, trong chuyến đi Đông Dương, khi 2 ông bà đang ở biên giới Myanmar, chuẩn bị sang Mea Sot (Thái Lan) thì có một số du khách hiếu kỳ, nhìn lom lom đôi vợ chồng lỉnh kỉnh đồ đạc bên 2 chiếc xe đạp xanh đỏ, họ đến làm quen và càng ngạc nhiên hơn khi biết lộ trình đầy “chất chơi” của cặp “giang hồ kỳ lạ”. “Cặp giang hồ kỳ lạ”, là cách ông Minh dùng để nói về vợ chồng mình.
Ông cười bảo “Trong lòng mình cũng khoái chí khi trên các tuyến đường ở nước bạn, mọi người cứ nhìn chăm chăm vào 2 phượt lão này”. Vì thế, trong chuyến đi ông Minh đã viết một vài câu thơ rất thú vị:
Đó là điều vợ chồng ông nghĩ đến trong chuyến du lịch đến Mỹ vào năm 2017. Trong một chuyến viếng thăm những người họ hàng ở hải ngoại. Visa còn thời hạn cả năm. Với tâm hồn luôn hướng những chuyến đi vạn dặm. Ông Minh cùng vợ lên kế hoạch thực hiện một chuyến đi mới đặc biệt hơn, đi xuyên suốt qua các bang miền Nam nước Mỹ bằng xe lửa và xe… buýt.
“Con cảm thấy hai bác như cao bồi rong ruổi miền viễn tây”, tôi tròn mắt cảm thán khi nghe cặp vợ chồng trước mặt kể về chuyến hành trình.
Ông Minh cười lớn nói “Đôi khi bác cảm thấy mình cũng giống vậy, cứ rong ruổi khắp nơi”.
Theo như kế hoạch, ông bà bắt đầu lên lịch trình, chuyến đi sẽ bắt đầu từ bờ Đông đến bờ Tây nước Mỹ, điểm xuất phát tại bang Georgia và đích đến là bang California, hai nơi này cách nhau tầm 4.000 km, mất gần 2 ngày chạy xe hơi liên tục để đến nơi, còn đi xe buýt thì có thể mất khoảng 10 ngày.
Sau khi tôi tìm hiểu thì được biết, thường những người Mỹ sẽ đi du lịch xuyên qua các bang bằng xe hơi, còn việc đi bằng xe buýt thì có lẽ hơi lạ, càng lạ hơn đối với một cặp vợ chồng lớn tuổi vừa đặt chân đến Mỹ được vài tuần. Lúc đầu bạn bè, người thân và con cháu cũng cản, vì sợ nguy hiểm và lo rằng vốn tiếng anh “có giới hạn” sẽ khiến 2 người gặp rắc rối. Nhưng ông bà cùng nhau phân tích cặn kẽ, lên lịch trình và ghi chú cẩn thận những điểm đến, với máu phiêu lưu cùng những kiến thức sẵn có cặp vợ chồng này lại một lần nữa quyết dấn thân vào một cuộc hành trình mới.
Ông Minh kể “Chú từng mê Clint Eastwood trong The Good, the Bad and the Ugly, nên chú cũng rất muốn được tận mắt thấy cái chất lãng mạn trong cuộc sống lang bạt kỳ hồ của các chàng chăn bò Mỹ, hay ít ra cũng được đi ngang qua vùng đất đó, để hít chút không khí đã một thời là huyền thoại trong điện ảnh”.
Trên đường đi, không phải lúc nào xe cũng đi xuyên suốt là đến trạm. Chẳng hạn như xe Greyhound sẽ chạy suốt 24 giờ, từ Atlanta qua Austin, dọc đường sẽ có 3 lần đổi xe và 1 lần đổi tài xế. Thế nên, những giấc ngủ trên xe luôn là những giấc ngủ mơ màng của cặp vợ chồng lớn tuổi, phần vì khá hồi hộp, phần vì sợ lỡ chuyến không hay.
“Nói là xe buýt chứ cô thích gọi nó là xe đò hơn, vì chiếc xe bèo lắm, đa số là Mỹ đen, da trắng chẳng có mấy ai đừng nói chi là da vàng mũi tẹt như mình”, cô Cúc kể.
Đến bang nào thì ông bà ghé ở nhờ nhà của bạn bè, người thân nơi đó, còn không thì mướn nhà nghỉ. Trong chuyến đi này, ngoài chuyện du lịch, tìm hiểu và học hỏi thêm nhiều điều hay nơi nước bạn. Nhờ facebook, ông bà còn có cơ hội gặp lại những người bạn từ thời cấp 3, đại học. Cặp vợ chồng già đã cùng nhau “đi bụi” qua các bang: Georgia, Atlanta, Florida, Alabama, Mississippi, Texas, California, Nevada, California…
“Cô chú có thấy các chuyến đi phượt này vất vả quá không, hơn nữa lại tận 3 tháng”- Tôi hỏi.
Bằng một nụ cười hiền hoà, ông tâm sự rằng “Mỗi người đều có cái thú riêng, không ai giống ai, nên cũng đừng vội chê cái kiểu đi vất vả của 2 kẻ vốn quen ´đầu đường xó chợ´ này, nó có cái đáng yêu và đáng nhớ của nó”´.
-“Tại sao 2 cô chú lại đưa nhau đi phượt mà không phải là đi tour”, tôi bẽn lẽn hỏi.
Cô Cúc mới kể, vì cô chú vốn rất “quậy”, có lẽ thế nên đi tour không thấy vui và thoải mái bằng đi phượt được. Trước khi về hưu cô chú cũng từng cùng gia đình đi du lịch nhiều nơi, nhưng đó là những chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày chứ không phải đi phượt bụi như bây giờ.
Ông mới nói tiếp “Sống bên nhau mấy chục năm, giờ chỉ cần có cô ngồi sau lưng thì chú đi đâu cũng được, không có cô, chú đi chơi cũng không còn vui vẻ gì nữa”.
Hỏi ra thì mới biết, hai ông bà quen nhau từ lúc cô Nguyễn Thị Ngọc Cúc còn học cấp 2.
- “đến nay đã bên nhau 45 năm rồi”, ông cười và chỉ vào tấm ảnh chụp kỷ niệm 40 năm ngày cưới của 2 vợ chồng. Trong bức ảnh chụp, hai ông bà mặc đúng bộ trang phục hôm đó đến studio, ông Minh nói tiếp “bên studio có đưa đồ cưới để chụp nữa, nhưng cô chú rửa ra đúng tấm này, vì bụi đời đúng chất mình nhất”.
Ông kể, những chuyến đi “độc hành” ông cũng có nhiều, thường đi theo lời mời của vài ông bạn, nhưng cứ đi một lát là nhớ nhà. Có khi đi được dăm ngày ông lại chậc lưỡi “Thôi! Về sớm”. Ông quay sang bà cười bảo “đi mà thiếu bạn đồng hành thì còn ý nghĩa gì nữa”.
Tôi hỏi cô chú, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong những chuyến đi của 2 người.
Ông Minh bồi hồi “Nhớ nhất có lẽ là chuyến đi 4 nước Đông Nam Á bằng xe đạp, khi vừa xuống xe bus ở Yangon, thấy cô đi trước, trên lưng cô là cái balo to tướng cùng chiếc xe đạp. Lúc đó chú thấy mình may mắn quá. Vì người trước mặt mình chịu vì một kẻ lang bạt như mình đi bao nhiêu nơi, ở bên mình bao nhiêu năm rồi, lúc đó chú thấy xúc động lắm, chú dễ khóc mà…”.
Trong lúc trò chuyện bà Cúc có việc phải đi ra ngoài. Ông Minh nhìn theo bà, đôi mắt vẫn rưng rưng, ông kể tiếp “chuyến hành trình cùng cô chống lại căn bệnh ung thư là chuyến đi khủng khiếp nhất”.
Vào năm 2005, cô chẩn đoán bị mắc bệnh ung thư thanh quản. “Lúc vợ thông báo kết quả xét nghiệm thì mình đứng hết nổi, tai như ù đi…” ông Minh kể lại câu chuyện cũ mà những giọt nước mắt vẫn chực lăn xuống. Khi căn bệnh ung thư thanh quản đã được điều trị và sức khoẻ cô đang tiến triển rất tốt thì đến năm 2007, cô được xét nghiệm mắc thêm một căn bệnh ung thư khác.
“Đó là những ngày tháng khó khăn với cả cô và chú, nhưng bệnh ung thư không phải là án tử, nếu phát hiện sớm và tinh thần lạc quan thì sẽ vượt qua được”- ông Minh quả quyết.
Những ngày tháng tiếp theo, ông cùng vợ vượt qua những lần hoá trị, xạ trị. Sau những lần vào hoá chất, tóc bà rụng dần, nhưng những tế bào ung thư ngày càng bé lại và biến mất, cặp vợ chồng già đã cùng nhau chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo. Và như đã nói, tinh thần vui vẻ sẽ giúp sức khoẻ chúng ta trở nên tốt hơn, vì lẽ đó ông Minh đã lên kế hoạch…đưa vợ đi chơi.
Cứ thế, đều đặn cứ vài tháng, ông bà lại chất đầy đồ lên con xe máy lâu năm, cùng nhau đi đến những vùng đất mới. Từ những tỉnh miền tây, cho đến các cung đường rừng nơi Tây Nguyên, các chuyến đi dọc ngang Tây Bắc và cả những chuyến đi xuyên Việt. Đến nay cặp vợ chồng đặc biệt này đã đặt dấu chân mình lên mọi miền đất nước.
“chỉ còn Điện Biên, Sơn La là 2 nơi cô chú chưa kịp ghé thăm” .Ông Minh nói tiếp “còn lại những cái đèo từ Nam ra Bắc cô chú đã đi hết, không biết còn cái đèo nào khác mình chưa biết không, chứ những cái biết mình đã đi hết rồi”. Ông nói với tôi rằng 2 ông bà vẫn còn nhiều nơi muốn đi lắm, có lẽ tiếp theo sẽ là Ấn Độ hoặc một chuyến đi đến Thái Lan và Malaysia chỉ bằng đường thuỷ.
Bởi vì đi nhiều, nên những người hàng xóm gần nhà đã quá quen với cảnh cặp vợ chồng già chất lỉnh kỉnh đồ đạc lên con xe máy Daehan mua từ năm 2000.
“Đây là con ngựa chiến của bác, chưa bao giờ nó làm bác thất vọng” Ông Minh cười khà khi tôi tỏ vẻ lo lắng với độ bền của chiến xe máy cũ. Tâm đắc với chiếc xe đến độ ông viết hẳn một ký sự dài kỳ mang tên “Daehan120cc và cuộc rong chơi ngàn dặm của 2 kẻ thích lang thang” trên diễn đàn phuot.vn. Đam mê nhiếp ảnh, viết blog và những chuyến đi, mọi hành trình hay những kinh nghiệm phượt ông đều chia sẻ lên diễn đàn, facebook. Có nhiều phượt thủ trẻ ngưỡng mộ và theo dõi cặp vợ chồng già qua từng trang viết, cứ đến 8 giờ tối thỉnh thoảng ông lại có một bạn member nào đó nhắn “sao bác chưa lên bài mới”.
“Mình lấy đó làm niềm vui để viết nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn những trải nghiệm mình có được” – ông cười khi nói về đam mê viết lách và chụp ảnh.
“Nhưng sau tất cả, điều khiến cô chú đi được nhiều như vậy có lẽ là nhờ tình cảm vợ chồng và một thứ tình yêu đặc biệt, chú yêu đất nước mình quá..”
Trong suốt buổi nói chuyện ông đưa cho tôi xem nhiều tấm hình chụp từ Nam chí Bắc, tận Mũi Cà Mau cho đến Lũng Cú, nơi địa đầu tổ quốc. Ông kể cho tôi nghe về những chuyến hành trình trên nước bạn, rằng Đông Nam Á có gì đẹp qua những vòng quay xe đạp, và miền nam nước Mỹ thơ mộng thế nào trên những chuyến xe buýt xuyên suốt các tiểu bang.
Nhưng ông nói đi đâu rồi cũng thế, đi đâu rồi ông cũng nhớ nhà mình, nhớ đất nước mình. Đi để hiểu thêm về thế giới, để thoả mãn cái tò mò về văn hoá, nhưng nhìn lại, với ông, chỉ có quê hương, đất nước mình là đẹp nhất, đáng yêu nhất.
Ông nói ông thường hay khuyên các bạn trẻ, có đi du lịch thì hãy đi trong nước trước, đừng đi kiểu mỳ ăn liền chỉ chụp ảnh rồi thôi, mà hãy biết tìm hiểu, tìm hiểu về ẩm thực nơi mình đến, văn hoá của vùng đất mình đặt chân và lịch sử chỗ mình chụp một tấm ảnh.
“Có hiểu rồi mới biết thương đất thương mình hơn, trải qua ngàn năm đô hộ mà vẫn đẹp quá, mạnh mẽ quá”- ông nói.
Bởi thế trong các chuyến đi, ông ưu ái lập riêng một album ký sự dài kỳ mang tên “Việt Nam quê hương tôi”, để lưu lại từng bức ảnh, và ông kể rằng không biết có bao nhiêu lần ông rơi nước mắt khi đứng ngắm những khung cảnh thiên nhiên lộng lẫy.
Ông đưa cho tôi xem một tấm ảnh, được chụp tại Hà Giang và kể, bằng một giọng nói đầy xúc động. Rằng ông không sao diễn tả đủ sự lộng lẫy của đường Hà Giang-Mèo Vạc, con đường với cỏ cây hoa lá, dại khờ mà rực rỡ, lặng lẽ mà hào hùng cùng trùng trùng, điệp điệp những rừng đá xám đen giữa đại ngàn Việt Bắc. Dù chỉ là những núi đá khô cằn đen đúa, nhưng đẹp một cách dữ dội bất ngờ, cặp “phượt lão” sững sờ trước cái đẹp diệu kỳ của vùng đất đa dạng sinh học quí giá của quê hương.
Trước khi chào tạm biệt ông bà, tôi nhớ mãi điều ông nói rằng tuổi trẻ thì cứ đi đi, đừng ngại, nhưng hãy đi trong nước đã. Khi biết yêu bằng trái tim, yêu những gì gần gũi và máu thịt nhất thì lúc đó ta mới có thể trưởng thành.
Có lẽ những chuyến đi của ông bà luôn đầy ắp tình yêu như thế, những thứ tình yêu mà tuổi trẻ phải cần nhiều thời gian để học được.
Theo Trí Thức Trẻ