Sinh con ra đã khó khăn nhưng để nuôi dạy chúng trở thành người tốt và có ích cho xã hội lại là nỗi trăn trở hơn gấp bội của các cặp bố mẹ.
Đành rằng cha mẹ sinh con, trời sinh tính nhưng một đứa trẻ được nhận phương pháp giáo dục tốt chắc chắn sẽ có cơ hội tích cực hơn. Nhân câu chuyện "thương cho roi cho vọt liệu có đúng", hãy thử xem cách "thả lỏng" của một gia đình dưới đây để xem sự khác biệt?
Gia đình của ông Robert Reiland có 2 cậu con trai. Nhưng thay vì than trời đất về những cuộc nổi loạn hay hư hỏng thì Robert chỉ có thể hài lòng về điểm số học tập của con và thành quả khi chúng bước ra cuộc đời.
Vợ của Robert là bà Janet Reiland, người đặt nền móng và thực hiện phương pháp dạy con trong gia đình ông đã qua đời và hiện tại chỉ còn ông và 2 cậu con trai mà thôi.
Robert đã chia sẻ trên Quora về cách vợ mình dạy con như sau: Tôi không biết liệu phương pháp "Bố mẹ luôn nói có" có giống với cái cách mà tôi và người vợ quá cố của tôi vẫn dùng để đối xử với các con của tôi hay không, nhưng chắc là cũng tương tự nhau đó.
Những gì chúng tôi đã làm gọi là "nuôi dạy con không ép buộc" hay "nghiêm túc với con cái".
Cùng với đó, chúng tôi cũng để bé học theo kiểu "unschooling" (tức là trẻ vẫn tham gia các lớp học có giáo viên hướng dẫn nhưng tự định hướng bằng cách không học các môn định sẵn trong sách giáo khoa, trẻ cũng hoàn toàn có thể ngừng tham gia lớp học đó nếu thấy không muốn. Bằng cách này, cha mẹ chỉ có vai trò giúp đỡ chứ không quyết định việc học của trẻ).
Làm thế nào để trẻ có thể thích nghi được? Đứa con út của tôi vẫn đang đi học trong khi trước đó chưa từng đến lớp hoặc trải qua đào tạo ở bất cứ một tổ chức giáo dục nào. Cậu bé bắt đầu với hệ từ xa của một trường cao đẳng và hiện giờ đang theo học đại học. Trong suốt năm đầu tiên, nó luôn đạt điểm A mà không hề có điểm thấp hơn.
Điều đáng chú ý là cả tôi và nó đều không mấy quan tâm đến chuyện điểm số, thằng bé chỉ chú ý tới thứ nó thích học và đến kỷ nghỉ thì chơi tuyệt đối. Điều đó có nghĩa là nó không có sự phân biệt nhiều lắm về những gì xảy ra trong kỳ học hay kỳ nghỉ, nó tự lèo lái tất cả theo ý muốn của nó.
Đó là thành tích của thằng út, còn cậu con trai lớn của tôi thì cũng đã tốt nghiệp cao đẳng với thành tích chỉ 1 hay 2 lần bị điểm B. Nó luôn cố gắng, không ngừng trau dồi trong suốt quá trình học và đến bây giờ cũng đã có công việc tốt.
Cả 2 đứa con trai của tôi đều được nuôi dạy theo cách cho phép chúng có ý kiến và trình bày ý kiến như một người trưởng thành từ sớm. Về phương pháp này, có một vấn đề là chúng có thể già trước tuổi khá sớm. Chúng thường xuyên tham gia giải quyết các vấn đề gia đình rồi sau đó đưa ra các giải pháp mà bố mẹ phải làm theo.
Chúng không làm điều này dưới bất cứ một áp lực nào cả. Bố mẹ thường là người tháo gỡ rắc rối của gia đình nhưng chúng tôi cũng đủ sáng suốt để nhận ra rằng khi nào bọn trẻ có lý hơn bố mẹ, và như đã thấy, chúng luôn nghĩ ra những cách giải quyết thậm chí còn sáng suốt hơn chúng tôi.
Chúng tôi để cho các con tự lựa chọn trong khi bố mẹ chỉ đóng vai trò quan sát và hướng dẫn. Chúng tôi muốn các con được thấy kết quả của sự lựa chọn của mình mà không phải mạo hiểm làm bị thương chính mình hoặc người khác.
Chúng tôi thường xuyên nói với chúng về những gì có thể đã, đang và sẽ xảy ra nếu theo lựa chọn này hoặc lựa chọn kia, cũng như cách làm thế nào để cùng nhau làm mọi thứ tốt hơn.
Khi bọn trẻ muốn thứ gì đó nhưng khó đạt được, chúng tôi sẽ thảo luận xem tại sao chúng muốn thứ đó để tìm xem có gì khác tương đương có thể thay thế hay không. Đây là một quá trình học tập cho cả gia đình nói chung và bọn trẻ nói riêng.
Các con của tôi nhanh chóng nhận ra rằng bố mẹ đang giúp đỡ chúng và sẽ trân trọng điều đó trong khi tự bản thân chúng vẫn tìm cách riêng của mình. Nhờ có cách làm này mà đã rất nhiều lần, chúng tôi tìm ra được những cách thức cực kỳ sáng tạo để đạt được mục đích ban đầu. Chúng tôi không bao giờ nói "không" với lời đề nghị nào cả.
Và thật đáng ngạc nhiên là thường những thứ chúng tôi đạt được luôn tốt hơn mong đợi ban đầu. Lời khuyên được đưa ra là hãy thật kiên nhẫn bởi vì để làm được nó là cả một quá trình mà cả bố mẹ lẫn con cái đều cần phải học.
Tất nhiên không có gì là dễ dàng và trong những lần đầu tiên bạn sẽ cảm thấy khó khăn, nhưng cái gì cũng có phạm vi và giới hạn riêng của nó, hiểu được điều này thì toàn bộ quá trình cố gắng sẽ thành công theo thời gian.
Vào thời điểm các con trai của tôi bước sang tuổi dậy thì, chúng tôi đã gần như hoàn thành việc nuôi dạy con cái một cách hiệu quả. Không có bất cứ cuộc nổi loạn nào, trong nhà chúng tôi chỉ có làm việc và vui chơi, hoặc là cả nhà hoặc là theo sở thích của từng người.
Tôi gần như không bao giờ cảm thấy muốn thoát khỏi con và cũng không vội vàng để rời xa chúng. Các con sẽ ổn khi không có tôi bên cạnh nếu ngày nào đó tôi không sống cùng chúng hoặc tôi chết đi, nhưng hiện tại chúng tôi vẫn là một gia đình hạnh phúc.
Và còn một điều nữa tôi muốn đề cập rằng thật ra bố mẹ chẳng có gì để làm với cái được gọi là "phương pháp nuôi dạy con bằng cách luôn cho phép" này cả.
Đó thật sự là một cách lười biếng. Các ông bố bà mẹ thật sự đừng bao giờ nên "lạm dụng" quyền cho phép của mình và khiến nó trở nên độc đoán. Bởi theo ý kiến cá nhân của tôi, sự độc đoán chỉ kìm hãm sự phát triển trí tuệ và cảm xúc chứ không mang lại điều gì cả đâu.
Theo Trí thức trẻ