Học phí một số ngành của ĐH Y Hà Nội
Nhiều người cho rằng, để con theo học Y khoa, cha mẹ phải tốn nhiều tiền, cả học phí, sinh hoạt... trải dài nhiều năm. Với con nhà nông không có tiền tiết kiệm, đây đúng là một bài toán khó giải. Vì vậy, chuyện gia đình đắn đo, không muốn cho con theo học cũng có thể thông cảm được.
Trên thực tế, vấn đề học phí nhiều năm gần đây luôn là trăn trở của nhiều gia đình nghèo có con vào đại học. Nhiều thí sinh khi chọn ngành, vì thế, ngoài nương theo sở thích, năng lực, còn cân nhắc cả hoàn cảnh gia đình. Nhiều người động viên bà mẹ cố gắng cho con theo học, nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ được thực tế. Nếu cứ theo đuổi mà không có kế hoạch cụ thể thì chuyện đứt gánh giữa đường hoàn toàn có thể xảy ra. Lúc này, càng ảnh hưởng hơn đến tinh thần con cái.
Chưa kể, học ra trường chưa chắc đã có việc. Thực tế cuộc sống đã khiến nhiều sinh viên phải giấu bằng đại học đi xin việc làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, giải quyết nhu cầu cơm áo trước mắt. Đa phần trong số đó là những tấm bằng học cho bố mẹ vui lòng, học bằng bạn bằng bè!
Tuy nhiên, luồng ý kiến ở phía ngược lại cho rằng, bà mẹ này quá ích kỷ khi bắt đứa con lớn gánh ước mơ của hai đứa em.
Việc cha mẹ sinh con cái và tạo điều kiện cho con ăn học để phát triển trí tuệ là trách nhiệm và nghĩa vụ. Tạo được môi trường tốt để giúp cho con cái trau dồi trí tuệ và có một tương lai tốt hơn, điều đó thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm, thiện tâm của cha mẹ. Tại sao đều là con mà phải bắt một đứa hy sinh?
Với nhiều người, xuất khẩu lao động có thể mang lại lợi ích trước mắt. Nhưng về lâu dài chưa chắc khả quan. Chi phí đi nước ngoài tốn kém, chưa kể tiền học trung tâm. Với mức lương lao động tay chân không cao trong khi chi phí chi trả cho sinh hoạt, ăn uống tại nước ngoài cao nên khi trở về nước, nhiều người không có nhiều tích lũy. Sau nhiều năm về nước, mọi thứ cũng đều theo không kịp. Cuối cùng lại đi làm công nhân hoặc thất nghiệp.
"Chị nên đặt câu hỏi là "Mong cả nhà giúp cách nào để có cách cho con đi học" thì chị mới là người mẹ đang vì con. Câu hỏi của chị chỉ thể hiện chị đang vì tiền và muốn con chị đi kiếm tiền cho chị nuôi con. Thật xin lỗi vì nghe hơi quá đáng nhưng bố mẹ ích kỷ sẽ mất tương lai của em nó, nên mong chị ý thức lại, chẳng có gì mà không xoay xở được!", một người bình luận.
Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu không đủ tiền cho con học có thể trao đổi thẳng với con để con tự kiếm tiền hoặc vay quỹ khuyến học, cần thiết thì bảo lưu nửa năm 1 năm kiếm tiền đi học tiếp. Còn nuôi 2 em là trách nhiệm của cha mẹ chứ không phải của bạn lớn. Sinh con được thì tự nuôi được (trừ khi cha mẹ mất khả năng lao động thì theo tình mới đến con cái gánh vác). Sinh viên đỗ Y Hà Nội thì chắc là học rất giỏi, năm đầu có thể đi gia sư, lương cũng khá tốt so với các việc làm thêm khác.
Phụ huynh T.N góp ý: "Nếu là mình thì sẽ động viên con đi học và chấp nhận gia đình khó khăn để nỗ lực hơn so với các bạn, để hiểu rằng gia đình cố gắng ra sao, trách nhiệm của con thế nào nếu chọn con đường đi học. Nhà mình cũng từng rất nghèo. Đi học phải vay chính sách nhà nước nhưng bản thân cũng luôn cố gắng kiếm thêm thu nhập trong quá trình học. Đại học có thể không là con đường duy nhất nhưng với những em có năng lực, đây là con đường tươi sáng nhất. Đừng bắt con gánh trách nhiệm của cha mẹ".
Trước những lời khuyên và chia sẻ, bà mẹ này vẫn khẳng định chị đã quyết tâm cho con đi xuất khẩu lao động. "Không nhất thiết phải học đại học, rất nhiều người quanh nhà đi Nhật vài ba năm vẫn giàu có xây được nhà. Trước đó con đồng ý đi Nhật rồi, mà con giấu bố mẹ vẫn thi đại học", bà mẹ nói thêm.