Câu chuyện về công chúa Caraboo đến từ vùng đất bí ẩn và màn lừa đảo ngoạn mục ai cũng phải 'ngả mũ' xin thua

Công chúa Caraboo cũng được xếp vào danh sách những tên lừa đảo 'thiên tài' bậc nhất lịch sử thế giới.

Vào một buổi tối năm 1817, tại ngôi làng Almondsbury thuộc thị trấn Gloucestershire, Bristol xuất hiện một cô gái trẻ ăn mặc kì lạ và đầy bí ẩn. Theo lời dân địa phương mô tả, cô mặc một chiếc áo choàng màu đen, đeo một chiếc khăn đỏ đen ở cổ và đội một chiếc khăn bông màu đen trên đầu. Trên tay cô gái nhỏ cầm một túi hành lý nhỏ, bên trong gồm các nhu yếu phẩm như xà phòng và vài đồng xu. Vẻ bề ngoài của cô gái trẻ trông vô cùng kì lạ và bí ẩn, khiến nhiều người dân trong làng xôn xao bàn tán.

Đêm hôm đó, cô gái trẻ này đến gõ cửa một ngôi nhà tranh của người chăn bò và thốt ra những từ ngữ lạ lùng. Thứ ngôn ngữ mà cô gái trẻ này dùng không ai trong ngôi làng nhỏ có thể hiểu được, nhưng với những cử chỉ ra dấu, người đàn ông chăn bò đã hiểu rằng cô gái này đang đói và không có nơi trú ẩn. 

Được cho một ít bánh mì và sữa, cô gái này tỏ ý muốn được ngủ lại. Thế nhưng, vợ của người chăn bò không đồng ý khi để một cô gái trẻ ngủ lại qua đêm ở nhà mình và vì thế, cô gái này được đưa đến Knole Park House, nhà của Samuel Worrall, thư kí thị trấn Bristol và đồng thời cũng là một thẩm phán. 

Vốn là những người tử tế và tốt bụng, ông Worrall và vợ, Elizabeth đã dành cho cô gái trẻ một sự hiếu khách nồng hậu và cố gắng trò chuyện để tìm hiểu thêm về lai lịch của cô. Mặc dù vậy, do bất đồng ngôn ngữ nên vợ chồng ông Worrall không có được bất kì một thông tin nào đáng giá từ cô gái. Tuy nhiên, cô gái trẻ đã gây ấn tượng khá tốt trong mắt Elizabeth, vì thế, cô đã được cấp cho một căn phòng tại một khu nhà trọ địa phương.

Trong một lần, cô gái trẻ chỉ tên vào một bức tranh có hình quả dứa và nói "Nanas". Đây là từ "quả dứa" trong tiếng Indonesia, điều này đã khiến cho người dân khu vực bị thuyết phục rằng loại trái cây nhiệt đới kì lạ này đến từ quê hương của cô gái bí ẩn. Nhiều người cũng khẳng định rằng cô đến từ phương Đông huyền bí.

Sau đó, cô gái trẻ kì lạ này tỏ ra khá hứng thú với những hình ảnh đến từ Trung Quốc, thích ngủ trên sàn nhà và thường xuyên lên mái nhà để cầu nguyện. Cô gái trẻ tự xưng mình là Caraboo và chỉ uống trà, ăn rau như những người tu hành thực sự. Tuy nhiên, ông bà Worrall không thể chắc chắn được về lai lịch của cô gái này nên đã tuyên bố cô là một người vô gia cư và đưa cô đến bệnh viện St Peter's, nơi dành cho những người lang thang. Tại bệnh viện cô tỏ ra không hợp tác nên ngay sau đó lại được Worrall nhận về nhà chăm sóc. Lúc này, sau nhiều ngày, tiếng đồn về cô gái trẻ có cái tên Caraboo đã đi khắp thị trấn và cô được đối xử giống như một vị khách nước ngoài quý hóa.

Khoảng 10 ngày sau, Caraboo gặp một thủy thủ người Bồ Đào Nha, ông này có tên là Manuel Eynesso. Qua vài lần trò chuyện, ông này tỏ ra khá hiểu về ngôn ngữ của cô gái bí ẩn và biết được rằng cô là Công chúa Caraboo đến từ Javasu, một hòn đảo thuộc Ấn Độ Dương. Theo lời kể, cô bị một đám cướp biển bắt cóc và giam cầm trên một con tàu, nhưng sau đó cô đã may mắn trốn thoát bằng cách nhảy xuống biển gần khu vực kênh Bristol và bơi vào bờ.

Từ đó đến mười tuần tiếp theo, Công chúa Caraboo trở thành một người nổi tiếng, xuất chúng và được đối xử như một người thuộc dòng dõi hoàng gia. Cô được tặng thực phẩm, quần áo, được các họa sĩ trong thị trấn vẽ chân dung và thậm chí được vinh danh trên các mặt báo lớn. Cô được dân địa phương ngưỡng mộ vì sử dụng thành thạo cung tên, leo trèo cây lại rất giỏi, và hay hát bằng thứ ngôn ngữ kì lạ không ai hiểu. Cô cũng hay cầu nguyện tới một vị thần có tên là Allah Tahhah. 

 

  •  

Tuy nhiên, màn lừa đảo của Công chúa Caraboo đã bị vạch trần khi một bà chủ nhà trọ ở Bristol đọc thấy sự mô tả về cô trên báo. Người này đã cho cô thuê trọ vào khoảng 6 tháng trước đấy. Bà chủ nhà trọ nói rằng cô gái trẻ này đã đến thuê nhà mình và nói tiếng Anh vô cùng chuẩn xác.

Hóa ra, Công chúa Caraboo có tên thật là Mary Willcocks, đến từ Withridge, Devon. Mary cũng không phải là một cô công chúa đến từ vùng đất xa xôi bí ẩn nào mà chỉ là con gái của một người thợ đóng giày ở Devon.

Mary đã ngụy trang với những mánh khóe thực sự hoàn hào, bởi màn lừa dối này đã khiến toàn bộ dân chúng thị trấn Almondsbury tin "sái cổ". Cùng lúc đó, ông Worrall cũng nhận được một báo cáo từ các học giả ở Đại học Oxford về ngôn ngữ của Công chúa Caraboo. Báo cáo nói rằng những kí hiệu ngôn ngữ này chẳng mang ý nghĩa gì và nó thực sự chỉ giống như một trò đùa.

Bản ghi chép tay của Công chúa Caraboo

Khi sự thật được phơi bày, người ta mới bẽ bàng nhận ra Mary hoàn toàn không phải là một người trong gia đình hoàng gia. Thực ra, Mary có một cuộc sống khá khó khăn và vất vả, có lẽ cũng vì lẽ đó mà cô bắt đầu xây dựng cho mình một nhân vật trong tưởng tượng để núp sau lớp vẻ ngoài. 

Trước khi đến Bristol, Mary đã làm hầu gái trong khá nhiều lâu đài và các gia đình quý tộc Anh. Cô đã từng có một đời chồng nhưng người chồng đã bỏ cô mà "cao chạy xa bay", còn đứa con duy nhất của cô cũng chưa kịp ra đời thì đã chết. 

Sau khi biết được sự thật về Công chúa Caraboo giả mạo, ông bà Worrall ban đầu đã vô cùng tức giận, nhưng sau đó họ lại tạo điều kiện giúp cô công chúa giả này đi "du ngoạn" sang Mỹ. Danh tiếng của Mary lúc này đã vượt ra khỏi biên giới nước Anh và đã được khá nhiều người ở Philadelphia biết đến. Thậm chí, cô còn mang đến một số màn trình diễn tại Mỹ, thế nhưng, những buổi biểu diễn này không đem lại lợi ích lâu dài.

Năm 1824, Mary trở lại Bristol và kết hôn với Robert Baker, một người đàn ông hơn cô 10 tuổi, và thành lập doanh nghiệp Bedminster với tư cách là một nhà nhập khẩu. Khi Mary Baker qua đời vào năm 1864 ở tuổi 75, bà được chôn cất tại khu nghĩa trang của Nhà thờ Hebron, Southville.

Năm 1994, lấy cảm hứng từ câu chuyện về cô công chúa giả mạo, một bộ phim có tên là Công chúa Caraboo đã được phát hành và gây được rất nhiều tiếng vang.

(Tổng hợp)

 

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU