Trẻ nhỏ – kho vàng của quảng cáo
Ai cũng nghĩ rằng trẻ em không phải là một đối tượng đáng để "tấn công truyền thông", vì chúng không những chưa tiếp thu được hết nội dung mà đoạn quảng cáo muốn truyền tải, mà đa phần trẻ em còn nằm trong môi trường được kiểm soát chặt chẽ bởi cha mẹ và người thân.
Tuy nhiên, các thương hiệu lớn từ lâu đã nhận ra "tiềm năng" của trẻ em. Đầu tiên có thể kể đến khả năng tiêu thụ sản phẩm như bỉm, sữa, thực phẩm, đồ chơi… và khả năng ngồi xem hàng giờ liền những mẫu quảng cáo đầy màu sắc.
Tiếp đến là ý kiến cũng như sở thích của trẻ em đang ngày được coi trọng hơn, khiến đối tượng này có khả năng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người lớn.
Và cuối cùng, trẻ em ngày nay là người lớn của tương lai, thói quen ưu ái những sản phẩm gắn liền với tuổi thơ khiến việc "tẩy não" trẻ em ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Không chỉ là suy đoán, một báo cáo của Hãng nghiên cứu SIS kết luận rằng 53% người lớn và 56% thanh thiếu niên vẫn còn ký ức về những thương hiệu thời thơ ấu, đặc biệt là thực phẩm và đồ gia dụng.
Theo bác sĩ tâm lý học nhi đồng Allen Kanner, khi 3 tuổi trẻ đã có thể nhận ra được hơn 100 logo và thương hiệu. Còn theo một nghiên cứu của Nickelodeon, trẻ 10 tuổi đã nhận biết được từ 300 đến 400 thương hiệu khác nhau.
"Tấn công" từ… trong bụng mẹ
Vậy, việc các công ty nhắm đến đối tượng trẻ em không còn là điều đáng bàn cãi, tuy nhiên, một số nhãn hiệu còn đi thêm một bước nữa khi mong muốn tác động đến cả thai nhi trong bụng mẹ.
Trong đó, âm nhạc là thứ có khả năng tác động mạnh nhất đến thai nhi, kể cả những bài hát tưởng chừng như đơn giản nhất. Một nghiên cứu của Đại học Queen kết luận rằng những đứa trẻ mới sinh tỏ ra quan tâm và thích thú với những chương trình TV mà mẹ chúng đã xem lúc còn đang mang thai.
Đặc biệt hơn, một trung tâm mua sắm đã tình cờ phát hiện ra sợi dây liên kết vô hình giữa âm thanh và mùi vị mà các bà mẹ mang thai tiếp nhận được trong lúc mua sắm, tạo ra ảnh hưởng rõ ràng đến đứa bé sau khi chào đời.
Kết luận trên được đưa ra khi các bà mẹ hết sức ngạc nhiên với phản ứng của con mình, 60% đứa trẻ từng đến trung tâm mua sắm từ lúc trong bụng mẹ ngay lập tức trở nên bình tĩnh và vui vẻ hẳn lên khi được dẫn vào một lần nữa.
Từ đặc điểm này, ban quản trị ngay lập tức tập trung đầu tư mạnh vào trải nghiệm, từ âm thanh, mùi vị đến hình ảnh … không chỉ cho khách hàng đang tham quan mà còn hướng tới những "thượng đế" chưa được ra đời.
Và đó không phải là ví dụ duy nhất. Theo quyển sách "Brandwashed", hãng kẹo cà phê Kopiko nổi tiếng của Philippines còn chủ động cung cấp kẹo ngậm miễn phí cho các phòng khám sản phụ trên khắp cả nước, những bà mẹ trong lúc chờ đến lượt sẽ tiện tay thưởng thức một viên cho đỡ buồn ngủ, và từ đó thay đổi nhận thức của đứa bé đang nằm trong bụng.
Vài tháng sau đó, Kopiko tung ra một loại cà phê có hương vị giống hệt loại kẹo kia và nhanh chóng gây sốt trong giới bỉm sữa với tác dụng trấn an và dỗ những em bé khó chịu nhất. Chỉ 4 năm sau, Kopiko đã trở thành thương hiệu cà phê lớn thứ 3 tại Philippines.
Những khách hàng nhỏ tuổi
Bột làm thạch Jello in hình Avengers
Cho đến ngày nay, việc các thương hiệu cố gắng làm hài lòng trẻ em và dùng nhiều "chiêu thức" khác nhau để tiếp cận đối tượng này không còn là điều xa lạ nữa. Nổi bật nhất là những sản phẩm với bao bì "hấp dẫn", từ cuộn giấy in hình Nữ hoàng băng giá, hay chai nước có ảnh Người sắt …
Đặc biệt hơn cả là khu vực ngũ cốc với hàng loạt nhân vật có ánh mắt hướng xuống, để nhìn trực tiếp được vào đôi mắt tò mò của trẻ thơ.
Hộp ngũ cốc Capn Crunch nhìn thẳng vào mắt trẻ nhỏ
Nhiều nghiên cứu khác còn chỉ ra hiệu quả của những sản phẩm có "bao bì trẻ em" lên tâm lý của khách hàng nhỏ tuổi, chỉ cần thay đổi đóng gói, cảm giác tiêu thụ cũng như cảm tình với nhãn hiệu đều được tăng lên đáng kể.
Chính vì thế, các siêu thị và trung tâm mua sắm đã đưa ra hàng loạt chiến thuật để "lôi kéo" những thượng đế nhí, từ xe đẩy dành cho trẻ em, những hàng sản phẩm nằm đúng tầm mắt của thiếu nhi, đến khu vực tính tiền với nhiều sản phẩm nhỏ đầy màu sắc, dễ dàng làm "xao lòng" những đứa bé đang chán nản chờ đợi.
Không chỉ trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, tờ New York Times còn bầu chọn iPhone là "công cụ dỗ trẻ em hiệu quả nhất trong lịch sử loài người."
Theo cuốn Brandwashed: "Không chỉ được dùng để giữ các đứa trẻ im lặng và ngồi yên một chỗ, đội ngũ thiết kế của Apple thừa biết rằng bậc cha mẹ sẽ nhường lại những mẫu iPod và iPhone đã cũ lại cho con cháu, và không sớm thì muộn đứa trẻ kia cũng mong muốn sở hữu mẫu iPhone mới hơn và đắt tiền hơn."
Ảnh hưởng của Apple lớn đến mức những đứa trẻ 1 tuổi khi được đưa cho chiếc điện thoại bất kỳ sẽ ngay lập tức dùng ngón tay quẹt ngang để mở màn hình, chức năng "kinh điển" của iPhone trong một thời gian dài.
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.