Hình ảnh não bộ bị tổn thương do "lạm dụng tình dục".
Đó là "teo vùng não trước trán" - kết quả của những trận đòn roi; "teo vùng thị giác" do bị lạm dụng tình dục; "vùng thính giác phì đại" - tổn thương do bạo lực lời nói hay "teo vùng thị giác" do chứng kiến bạo lực gia đình, hay "ảnh hưởng của rối loạn gắn bó đến hệ thống khen thưởng",...
Với mỗi khía cạnh, Tomoda Akemi đều cho độc giả nhìn thấy những hình ảnh minh chứng, những câu chuyện thật là các bệnh nhân mà chính bà hoặc các đồng nghiệp từng thăm khám. Đó là câu chuyện về cô bé G. có dấu hiệu đa nhân cách, thường dùng dao rọc giấy cứa vào bắp tay trái cho đến khi chảy máu, nữ sinh H. không thể giao tiếp bằng ánh mắt với bạn bè. Là cậu bé I. có nhiều hành vi bất thường như chĩa dao rọc giấy về phía bạn cùng lớp, phát ra tiếng hét chói tai, hay nói những ngôn từ bạo lực,... Nguyên nhân gây ra tất cả những hành động của G., H., I. đều là do bị cha mẹ làm tổn thương tinh thần.
Không ít phụ huynh từng lặng người khi nhìn bức ảnh chụp so sánh sự khác biệt giữa "não người bình thường" và "não người bị ngược đãi", hay hình ảnh chụp bộ não với vùng thị giác bị teo nhỏ,... Hóa ra, những hành động "ngược đãi" làm tổn thương con trẻ đến thế!
Vậy phải làm thế nào để tạo ra một lộ trình hồi phục cho não bộ bị tổn thương? Đó chính là những gì Tomoda Akemi đề cập đến trong phần sau của cuốn sách.
Trong vỏn vẹn 6 chương sách, Tomoda Akemi đã đưa các bậc cha mẹ đến nhiều cung bậc cảm xúc. Từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi nhận thức ra các hành động ngược đãi, đến bàng hoàng trước hệ lụy đáng sợ mà ngược đãi để lại cho trẻ. Với phần "tin tưởng khả năng phục hồi não bộ của trẻ", "xây dựng sự gắn bó - điều cần thiết cho quá trình phát triển khỏe mạnh của trẻ" và "thoát khỏi ngược đãi", phụ huynh được chỉ đường, dẫn lối để thoát khỏi những sai lầm và học cách xây dựng một chặng đường nuôi dạy con khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
Sau cùng, Tomoda Akemi gửi gắm thông điệp đến không chỉ các bậc cha mẹ mà còn cả xã hội. "Thoát khỏi môi trường ngược đãi chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Điều một đứa trẻ cần có chính là môi trường để chúng có thể trưởng thành với cảm giác an toàn. Người có thể làm điều đó cho trẻ không ai khác chính là người lớn chúng ta.
Xã hội được hình thành từ vô số các mối quan hệ tuy bé nhỏ nhưng vô cùng quý giá giữa người lớn và trẻ nhỏ. Khi không thể xây dựng tình cảm gắn bó, các mối quan hệ rạn nứt, đứa trẻ và cả người lớn cũng sẽ rơi vào cảnh ngộ bất hạnh.
Để "cứu" các mối quan hệ như vậy, cần nỗ lực cải thiện các vấn đề giữa cha mẹ - con cái trên quy mô toàn xã hội", Tomoda Akemi nhắn nhủ.