Hiểm họa "lạm dụng" nước muối sinh lý để rửa mũi cho con trẻ
Lo lắng cho cậu con trai mới lên 3 thường hay ho hắng, thế nên dù không sụt sịt, chị Trần Hương Lan (Đống Đa, Hà Nội) ngày nào cũng 2 lần sớm, tối dùng nước muối sinh lý rửa mũi họng cho con. Chị Lan cho hay: "Không khí ô nhiễm lắm, nếu không giữ mũi họng sạch sẽ, con dễ lại húng hắng. Hơn nữa nước muối sinh lý "lành" lắm, dùng được cả cho trẻ sơ sinh thì lo gì".
Không riêng chị Lan, nhiều cha mẹ vẫn nghĩ rằng mước muối sinh lý là một loại dung dịch dùng để vệ sinh hết sức quen thuộc, và thường xuyên dùng nước muối sinh lý để xịt rửa mũi, họng cho con, kể cả bé sơ sinh.
Lạm dụng rửa mũi bằng nước muối sinh lý có thể hại trẻ (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, theo cảnh báo của BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, bản thân cơ thể chúng ta là một bộ máy diệu kỳ, tự biết cách điều hòa các hoạt động và tự vệ sinh, “bôi trơn” để các hoạt động diễn ra phối hợp nhịp nhàng. Cụ thể, trong các khoang mũi họng, lớp niêm mạc trên cùng có khả năng bài tiết chất nhầy. Lớp nhầy này có vai trò giúp làm ấm, làm ẩm luồng không khí hít vào và làm sạch bề mặt. Bụi bặm hay vi khuẩn bám lên sẽ mau chóng bị lớp dịch nhầy này tẩy rửa và cuốn trôi ra khỏi khoang bằng các đường thoát tự nhiên. Bên cạnh đó, lớp nhầy còn có vai trò miễn dịch. Các men tiêu hủy trong các tế bào sẽ được phóng thích, tiêu diệt vi khuẩn, làm hàng rào phòng chống bệnh tật cho cơ thể.
"Đối với trẻ em, dù có dùng đúng loại nước muối sinh lý cho trẻ sơ sinh, các mẹ bỉm sữa cứ nghĩ là an toàn cho con nhưng thật ra là làm mất phản xạ bài tiết chất nhầy ngay từ những ngày mới chào đời. Ngoài ra, nếu rửa không đúng cách, có thể làm nhiễm trùng thêm, đưa vi trùng lấn sâu vào bên trong cơ thể. Và nếu sau một thời gian rửa mũi họng chủ động liên tục, việc ngưng dùng đột ngột đôi khi sẽ làm lớp niêm mạc giảm độ ẩm, khô rát, dễ kích ứng, là điều kiện thuận lợi cho siêu vi, vi khuẩn hô hấp tấn công", BS Dũng chia sẻ.
Rửa mũi họng đúng cách bằng nước muối sinh lý
Cách rửa mũi cho trẻ nhỏ |
BS. Dũng cho hay, vai trò của nước muối sinh lý cho bé chỉ thực sự được phát huy khi trẻ bị cảm cúm, viêm nhiễm, tăng bài tiết chất nhầy; hay mũi họng bị nhiễm trùng, chất nhầy đục, quánh đặc, khó dẫn lưu ra ngoài, làm bít tắc đường hô hấp. Việc rửa mũi họng, các xoang đúng cách sẽ giúp đẩy trôi chất bẩn, diệt trừ vi trùng và trả lại sự thông thoáng tự nhiên trên đường thở cho bé.
Việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho bé cần được thực hiện theo từng bước độc lập, dứt khoát để tránh làm trẻ ho sặc, gây sợ hãi, quấy khóc. Đầu tiên, nên giữ đầu trẻ cố định trên mặt phẳng cứng và nghiêng hẳn sang một bên, bên dưới có lót khăn, gạc thấm. Tiếp theo, nhẹ nhàng đưa vòi bơm một lượng xác định vào cạnh bên cánh mũi của lỗ mũi nằm ở trên. Đợi từ từ để nước chảy ra từ mũi bên dưới. Lặp lại hai đến ba lần tùy vào tình trạng của trẻ là làm tương tự đối với bên đối diện. Cuối cùng, làm khô bên trong mũi với tăm bông nhưng tuyệt đối không đưa vào quá sâu và lau sạch cánh mũi ngoài của trẻ bằng vải mềm.
Nếu dịch mũi của trẻ quá nhầy đặc, có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào trước để làm loãng bớt. Bên cạnh đó, cũng có thể dùng ống hút để lấy bớt chất nhầy ra ngoài.
"Việc rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý luôn là một biện pháp hiệu quả, an toàn, khi trẻ mắc bệnh lý hô hấp. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lạm dụng mà cần nắm rõ những thời điểm khuyên dùng và cách thức thực hiện để bảo vệ sức khỏe hô hấp cho con trẻ", BS. Dũng khuyến cáo.
Theo ttvn.vn