Cha mẹ luôn mong con giỏi giang, thông minh hơn nhưng lại dễ bỏ qua thời điểm vàng này

(lamchame.vn) - Chính việc đánh giá sai thời điểm trẻ phát triển đã khiến cha mẹ đầu tư trễ hơn và có thể lỡ mất 5 năm đầu đời quan trọng của con mà không biết.

Não bộ trẻ cần gì trong giai đoạn này

Đến nay, có nhiều bằng chứng rõ ràng về 2 yếu tố liên quan đến sự phát triển của não bộ trẻ. Đó là dinh dưỡng và sự tương tác quan tâm của cha mẹ.

1. Dinh dưỡng

Đây là một số bằng chứng liên quan giữa dinh dưỡng và não bộ

- Sữa mẹ luôn là lựa chọn hoàn hảo cho trẻ nhỏ. Bú mẹ sớm và duy trì lâu nhất có thể là quan trọng cho phát triển não bộ.

- Đa dạng nguồn đạm khi trẻ bắt đầu ăn dặm để đảm bảo cung cấp đầy đủ các axit amin thiết yếu và sắt cho phát triển não bộ.

- Chất béo trong giai đoạn này là rất quan trọng vì việc hình thành cấu trúc của não bộ có vai trò lớn của chất béo. Tuy nhiên, tránh các chất béo bảo hòa và trans-fat từ thức ăn nhanh làm sẵn, mà ưu tiên lựa chọn các chất béo chưa bảo hòa như chuỗi dài omega-3 hay omega-6 từ các loại hạt, dầu thực vật, cá...

2. Tương tác nên có của cha mẹ

Đến nay chúng ta có đủ bằng chứng khoa học để có thể hiểu rằng vai trò quan trọng của cha mẹ với sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trong những giai đoạn nhỏ của trẻ. Do đó, trò chuyện, tương tác, chơi và đọc sách là những hoạt động nên làm từ trước 5 tuổi. Cụ thể cha mẹ có thể tham khảo những cách bên dưới:

- Hãy tương tác nói chuyện với trẻ.

+ Trẻ < 3 tháng tuổi: Nói chuyện làm trẻ chú ý đến bạn, trẻ sẽ nhìn vào khẩu hình miệng của bạn để biết là bạn đang "trò chuyện" với trẻ. Tận dụng vài dịp trong ngày cho trẻ nằm sấp để vui chơi cùng bạn để giúp trẻ sử dụng các cơ lớn trong hoạt động cơ thể.

+ Trẻ từ 4-8 tháng: Cười là biểu lộ cảm xúc mà trẻ sẽ đáp ứng bạn ở độ tuổi này. Đừng đơn giản chỉ chọc bé cười. Những hoạt động làm bé ngạc nhiên, hứng thú vào 1 trò chơi nào đó cùng bé thì nụ cười đó càng mang lại lợi ích học hỏi.

+ Từ 9 tháng tuổi - hết 23 tháng tuổi: Từ độ tuổi này bạn có thể đọc sách cùng bé ít nhất 5-10 phút/ngày, chơi cùng bé và cố lôi kéo sự chú ý của bé trong từng hoạt động

+ 2-5 tuổi: Tương tác không gói gọn ở cha mẹ, mà từ những người xung quanh. Không gian không nên chỉ nằm ở trong phòng bé, mà ở những phòng khác quanh nhà, khuôn viên ngoài sân, và những môi trường lớn hơn như ở nhà sách, trường học.

- Ngay từ lúc trẻ sinh ra, trẻ có xu hướng thích chạm vào mẹ, việc giao tiếp qua xúc giác này là điều kì diệu vì giúp trẻ đọc được suy nghĩ của mẹ, nghe được nhịp tim của mẹ, cảm nhận được sự sợ hãi, sự mệt mỏi, và hơi thở của mẹ. Mẹ nên dành thời gian với trẻ nhiều hơn, chạm nhẹ vào lòng bàn tay và bàn chân trẻ khi chơi đùa cùng trẻ.

- Khi trẻ lớn hơn và biết vận động, nên dành thời gian làm những trò chơi và chơi với trẻ để giúp trẻ tăng tương tác như đọc sách, chơi xếp gỗ, chơi vận động ngoài trời... Khi đọc sách, bạn nên tăng tương tác trong câu chuyện, mở rộng vấn đề và đặt câu hỏi để trẻ trả lời.

- Các hoạt động khác như học tiếng Anh, chơi thể thao, chơi nhạc có thể cho trẻ làm quen từ 3 tuổi.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU