Trong quá trình giáo dục con cái, việc trẻ phạm lỗi khiến cha mẹ phải trách mắng để răn đe, dạy dỗ là những điều không thể tránh khỏi. Khi bị mắng, mỗi đứa trẻ sẽ có cách phản ứng khác nhau. Có trẻ chỉ im lặng lắng nghe nhưng cũng có trẻ sẽ bày tỏ thái độ. Những phản ứng khác nhau này cũng sẽ dẫn đến tính cách và tương lai cũng khác nhau của con trẻ. Do đó cha mẹ cần lưu ý:
1. Trẻ cãi lại khi bị bố mẹ mắng
Trong mắt mọi người, đứa trẻ có thái độ phản kháng lại khi nhận lời chỉ trích bị cho là không nghe lời, khó dạy bảo. Tuy nhiên, bố mẹ không cần quá lo lắng bởi những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ có những đặc điểm sau trong tính cách:
- Có bản lĩnh, dám thể hiện bản thân: Trẻ dũng cảm nói ra suy nghĩ của mình sau khi bị mắng cho thấy trẻ có tính cách hướng ngoại và dám thể hiện bản thân. Đây cũng là một đứa trẻ thông minh bởi chỉ khi con dám bày tỏ thì người khác mới thấy được nhu cầu của con và tôn trọng ý kiến của con. Một đứa trẻ như vậy thường có chính kiến, thế giới quan và nhận thức của riêng mình.
Sau này khi ra ngoài xã hội, nếu gặp chuyện bất bình hay lúc cần thể hiện quan điểm, con sẽ biết lên tiếng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
- Giải tỏa cảm xúc kịp thời: Trẻ im lặng khi bị mắng có thể vì sợ hãi mà không nói ra suy nghĩ của mình. Cứ như vậy, trẻ sẽ chất chứa nhiều tâm sự cũng như những nỗi lòng mà không thể giải tỏa, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Ngược lại, những đứa trẻ có thể nói ra những suy nghĩ trong lòng là những đứa trẻ biết cách giải tỏa cảm xúc kịp thời, đó là một điều tốt.
- Linh hoạt, nhạy bén: Trẻ dũng cảm nói ra suy nghĩ của mình sau khi bị mắng cho thấy trẻ rất linh hoạt, biết chủ động xử lý tình huống. Nếu khả năng này đã có từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên để ý và hướng dẫn trẻ kiểm soát và điều tiết hành vi cũng như lời nói của mình. Chắc chắn khi lớn lên, trẻ sẽ có nhiều cơ hội khi biết cách tận dụng ưu điểm này của bản thân. Những đứa trẻ linh hoạt, nhạy bén cũng sẽ có trí tuệ cảm xúc tốt hơn những đứa trẻ khác.
2. Trẻ im lặng khi bị bố mẹ mắng
Cha mẹ nên chú ý hơn nếu con nếu trẻ thường giữ thái độ vô cảm và im lặng sau khi bị mắng. Khi bị bố mẹ la mắng, bề ngoài trẻ có thể im lặng hợp tác, thế nhưng thực ra trong lòng con có thể sẽ bị tổn thương, gây phản tác dụng với mong muốn của cha mẹ. Không những thế, có rất nhiều vấn đề của lứa tuổi thanh thiếu niên phát triển từ điều này.
Những đứa im lặng khi bị la mắng trẻ có thể gặp phải những vấn đề sau trong tính cách:
- Trẻ nhạy cảm, tự ti: Mỗi đứa trẻ dù lớn đến đâu cũng muốn nhận được sự khẳng định từ cha mẹ. Tuy nhiên, việc trẻ phải tiếp nhận những lời mắng mỏ, khiển trách nặng nề của cha mẹ quá nhiều sẽ khiến cho sức mạnh tinh thần dần suy yếu. Trẻ sẽ không những không thể sửa chữa mà còn cảm thấy bản thân đặc biệt kém cỏi và tự ti vì điều đó. Những trường hợp như vậy, trẻ thường có ý thức thấp về giá trị của bản thân. Chúng sẽ ngày càng thiếu tự tin, ngại bày tỏ, ngại phản bác và âm thầm chịu đựng những bất bình.
Trẻ nổi loạn: Phụ huynh càng la mắng, trẻ lớn lên sẽ dễ trở nên nổi loạn. Khi con còn nhỏ, những lời nói nặng nề của cha mẹ thường có tác dụng, nhưng khi chúng lớn hơn, tác dụng đó sẽ mất dần. Điều này đồng nghĩa với việc con cái đã mất lòng tin vào cha mẹ, và sự kỷ luật của cha mẹ đã tạo ra khoảng cách tâm lý khiến trẻ nép mình, không muốn giao tiếp. Những giận hờn tích tụ lâu dần sẽ khiến trẻ bộc phát, nổi loạn để có thể giải tỏa tất cả. Lúc này, trẻ có thể sẽ có những hành vi thách thức quyền lực và nảy sinh thái độ thù địch với cha mẹ hoặc những người xung quanh.
- Có khoảng cách giữa cha mẹ và con cái: Một đứa trẻ im lặng khi bị mắng có thể là do quá sợ hãi cha mẹ nên không dám phản kháng. Việc con trẻ không dám chia sẻ suy nghĩ của mình cho bố mẹ cũng đồng nghĩa với việc trẻ tự khép mình với mọi người. Từ đó dẫn đến việc thì bố mẹ muốn gần gũi và bước vào thế giới của trẻ càng khó khăn. Cứ như vậy, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cũng ngày càng lớn.
- Trẻ có EQ thấp, gặp khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội: Khi bị mắng, trẻ sẽ im lặng và dần hình thành thói quen không dám bộc lộ mà âm thầm chịu đựng. Điều này sẽ khiến trẻ trở nên rụt rè, hèn nhát. Sau này khi bước vào xã hội, trẻ sẽ sợ hãi thế giới xung quanh, không dám thể hiện bản thân. Sự tự ti đó sẽ khiến trẻ thu mình, không muốn tiếp xúc với mọi người nên EQ kém, khả năng xử lý tình huống cũng kém đi. Thậm chí, trẻ còn dễ trở thành đối tượng bị đối xử tệ bạc. Vì vậy, những đứa trẻ quá nghe lời chưa chắc đã là một điều tốt.
Trên thực tế, việc trẻ nói lại hay không nói lại đều cho thấy có những trở ngại trong giao tiếp của người lớn với trẻ. Vì vậy, dù trẻ phản ứng lại, hay im lặng thì cha mẹ cũng vẫn cần giao tiếp với con nhiều hơn trong cuộc sống hằng ngày để lắng nghe và hiểu con của mình hơn.
(Theo Abolouwang)
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.