Cha mẹ nên làm gì khi con đi dã ngoại như đội bóng đá nhí Thái Lan

(lamchame.vn) - Sự việc mắc kẹt trong hang sâu của đội bóng đá nhí Thái Lan đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại khi gửi con đi dã ngoại. Sau đây là những lời khuyên của chuyên gia, TS.Bác sĩ Trương Hồng Sơn.

Vụ mắc kẹt nguy hiểm của đội bóng nhí Thái Lan trong hang động khiến nhiều phụ huynh cảm thấy quá nguy hiểm khi cho con đi dã ngoại theo nhóm lớp.

Trong những năm trở lại đây, hình thức tham quan, dã ngoại là hoạt động rất bổ ích nằm trong chương trình giáo dục của các trường học từ mầm non cho tới trung học. Đây là hoạt động tập thể giúp trẻ học được rất nhiều điều từ tự nhiên cũng như có những trải nghiệm thực tế cuộc sống bên ngoài sách vở, giúp trẻ hòa nhập vào những hoạt động tập thể. Tuy nhiên, để trẻ thuần thục các kỹ năng nhất là phòng tránh những khu vực nguy hiểm, biết cách xử lý khi gặp nạn là điều phụ huynh luôn lo lắng.

Các địa địa điểm mà nhà trờng lựa chọn cũng rất phong phú, từ tham quan các di tích lịch sử văn hóa tới các điểm du lịch sinh thái… Học sinh háo hức, nhưng với các bậc phụ huynh, mỗi lần nhắc tới chuyện con đi tham quan, dã ngoại lại đầy tâm trạng lo lắng.

Không lo sao được khi có nhiều vụ tại nạn thương tâm của học sinh khi tham gia chuyến tham quan của trường.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn- Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam/ Chuyên gia phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM, đã có những chia sẻ rất thiết thực với lamchame trong trường hợp con trẻ đi chơi, gặp phải những tình huống nguy hiểm như đội bóng nhí Thái.

Xin chào bác sĩ, xin bác sĩ có thể cho biết phụ huynh có thể chuẩn bị thực phẩm gì cho trẻ mang theo đề phòng những tình huống xấu nhất xảy ra không?

Mùa hè đang đến cũng là thời điểm du lịch của các gia đình, để tăng thêm tình cảm và tạo sự thoải mái sau những ngày tháng làm việc.

Trong những chuyến tham quan này, việc mang theo đầy đủ thực phẩm như ở nhà là điều không thể, tuy nhiên, cần đảm bảo mang theo đầy đủ một số loại thực phẩm sau đây, để đề phòng một số trường hợp bất trắc, khi bạn gặp phải các tình trạng không mong muốn có thể xảy ra, bao gồm:

- Lương khô: lương khô là món ăn rẻ tiền, tiện dụng, có thời gian bảo quản cao, do vậy, là món thực phẩm không thể thiếu trong các chuyến tham quan. Một phong lương khô có thể cứu đói trong vòng 3-4 ngày, khi uống kèm với nước sẽ giúp bạn và trẻ cảm thấy no bụng hơn, trong những trường hợp cạn kiệt thực phẩm hoặc không tiếp cận được với nguồn thực phẩm

- Một số loại trái cây: Táo, lê, cam, bưởi, mơ, anh đào, đào, dâu: chứa nhiều khoáng chất, đặc biệt là kali, giúp bồi phụ điện giải, đặc biệt phòng tránh được tình trạng tích tụ acid lactic tại các cơ sau khi đi bộ 1 quãng đường dài và các cơ bị thiếu oxy. Ngoài ra, trong trường hợp thiếu nước, đây cũng là những loại quả có thể cung cấp nước cho cơ thể.

- Sữa tươi: cũng là một nguồn vừa cung cấp năng lượng, vừa cung cấp nước cho cơ thể. Một hộp sữa tươi 180ml có thể cung cấp ít nhất 110 Kcal. Sữa tươi cũng là một nguồn thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.

- Bánh quy: Chiếc bánh quy nhỏ bé nhưng lại chứa rất nhiều năng lượng. Trung bình 2 chiếc bánh cung cấp khoảng 150Kcal, 20g tinh bột, 5g đường, 6 gam chất béo… Đồng nghĩa với việc, bánh quy giúp cơ thể đủ năng lượng trong một thời gian mà lại rất gọn nhẹ.

- Nước: đây là một thứ không thể thiếu khi đi du lịch, có thể coi là một giải pháp sống còn trong những trường hợp mắc kẹt. Con người có thể nhịn ăn, nhưng không thể nhịn uống trong thời gian dài, do vậy, nước uống là thứ không thể thiếu.

Giả sử nếu chính bản thân con mình bị mắc kẹt trong hang tối trong điều kiện thiếu khí oxi, thì chúng ta nên dạy con cần hít thở thế nào để duy trì sức khỏe ?

Không chỉ trong trường hợp thiếu oxy, mà kể cả trong điều kiện bình thường, đủ oxy, việc hít thở sâu sẽ đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe hơn. Thông thường, chúng ta chỉ hít thở với khoảng 1/3 dung tích phổi. Kỹ thuật hít thở sâu như sau:

- Hít vào thật sâu bằng mũi, để bụng nở ra từ 2,5 đến 5 cm. Khi đó, không khí sẽ đi xuống cơ hoành và tràn ngập bụng bạn

- Thở ra từ từ bằng mũi, đẩy hết không khí ở trong bụng ra và hóp bụng lại.

Ban đầu, nếu chưa quen với việc hít thở sâu, có thể tập hít thở sâu 5 lần, sau đó thở bình thường. Khi đã quen dần, có thể nâng dần lên thành 10, 20 lần hít thở sâu. Cuối cùng, cố gắng hít thở sâu càng nhiều càng tốt

Hít thở sâu không chỉ giúp tận dụng được tối đa nguồn oxy trong môi trường mà còn là cách tốt để thư giãn và giữ bình tĩnh trong những trường hợp tai nạn xảy ra như mắc kẹt.

Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, cần dạy trẻ bình tĩnh ổn định tinh thần thế nào để có thể thoát hiểm hoặc chờ người đến cứu?

Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, trẻ bị mắc kẹt, phản ứng đầu tiên của trẻ sẽ là hoảng sợ, lo lắng, sợ hãi và khóc lóc/quấy khóc.

Điều đầu tiên người lớn cần làm khi đó là giúp trẻ bình tĩnh trở lại và cố gắng giữ trẻ trong trạng thái càng ít vận động càng tốt. Bởi càng vận động (ví dụ như đi lại, chạy nhảy), càng khóc lóc, trẻ sẽ càng trở nên dễ bị mêt mỏi hơn, càng dễ bị mất nước và tiêu tốn năng lượng, và do đó, nếu tình trạng mắc kẹt diễn ra nhiều ngày, khả năng sống sót của trẻ sẽ ít hơn.

Giống như việc đội bóng đá Thái Lan bị mắc kẹt, huấn luyện viên của các em đã dạy các em ngồi thiền, vừa có thể giúp bình tĩnh tinh thần, lại giúp thư giãn, tiết kiệm năng lượng để chờ người đến cứu.

Bản thân cha mẹ, người lớn cũng nên giữ bình tĩnh trong những trường hợp này, bởi khi đó, người lớn sẽ đóng vai trò quyết định trong việc duy trì sự sống của trẻ. Khi thấy trẻ kêu gào, khóc lóc vì sợ hãi, cha mẹ cần bình tĩnh, trấn an trẻ, không nên quát mắng trẻ (vừa không giúp trẻ giữ được bình tĩnh, lại vừa làm tốn năng lượng của cha mẹ). Khi trẻ đã bình tĩnh trở lại, cha mẹ có thể cùng trẻ ngồi thiền, hít thở sâu và cùng chờ người đến cứu.

Sau khi con mình bị mắc kẹt lâu ngày trong bóng tối, bố mẹ cần làm gì để chăm sóc trẻ quay về môi trường bình thường?

Khi trẻ vừa trở về sau khi bị mắc kẹt lâu ngày trong bóng tối, trẻ sẽ ở trong tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính, thậm chí là suy kiệt.

Việc bố mẹ cần làm ngay khi trẻ trở về là đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra tổng thể về sức khỏe bởi khi bị mắc kẹt, có thể trẻ sẽ bị chấn thương, xây sát hoặc gãy tay, gãy chân… Song song với việc kiểm tra sức khỏe, có thể đưa trẻ đi kiểm tra tâm lý để điều trị tâm lý chống sốc, nểu trẻ ở trong tình trạng tinh thần không ổn định.

Về phía gia đình, cần chăm sóc về mặt dinh dưỡng để giúp trẻ hồi phục nhanh hơn. Cần cho trẻ uống đủ nước, bồi phụ dinh dưỡng cho trẻ.

Ban đầu có thể trẻ còn mệt và chưa ăn được nhiều, có thể cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng, mềm như cháo, súp, sữa lót dạ trước. Không nên cho trẻ ăn ngay các loại thức ăn giàu đạm, béo hoặc các loại thức ăn quá bổ dưỡng bởi cơ thể trẻ đang thích nghi với môi trường thiếu dinh dưỡng trong thời gian dài, nếu ngay lập tức ăn các loại thực phẩm quá giàu đạm, béo hoặc quá bổ dưỡng, có thể sẽ khiến cơ thể trẻ bị “quá tải”, không những không hấp thu được mà thậm chí còn gây khó tiêu, chán ăn.

Sau khi trẻ đã được uống nước và ăn lót dạ nhẹ, có thể cho trẻ đi tắm rửa sạch sẽ và ngủ một giấc để hồi phục lại năng lượng. Sau giấc ngủ này, có thể bắt đầu cho trẻ ăn các loại thực phẩm đặc và cứng dần, tăng dần hàm lượng dinh dưỡng.

Tích cực cho trẻ ăn các loại rau xanh và trái cây. Trong những ngày đầu, nên cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, trung bình 8-9 bữa/ngày. Mỗi bữa cách nhau khoảng 2 giờ. Trong giai đoạn này, có thể bắt đầu cho trẻ ăn dầu mỡ, vì dầu mỡ là chất làm tăng năng lượng tốt nhất cho khẩu phần ăn của bé.

Nên cho trẻ uống thật nhiều nước. Tuy nhiên, không nhất thiết phải uống toàn nước lọc. Sau mỗi giờ, bạn có thể cho trẻ uống 30 – 60ml sữa, bổ sung trái cây, váng sữa. Thường xuyên thay đổi bữa ăn cho trẻ. Không nên ép trẻ ăn quá nhiều. Có thể bổ sung thêm các loại lợi khuẩn, probiotic, lysine và một số vi chấ dinh dưỡng cho trẻ để tăng cảm giác ngon miệng cho trẻ.

Cảm ơn bác sĩ Trương Hồng Sơn đã có những chia sẻ bổ ích tới độc giả!

Xem thêm: Thay đổi kế hoạch giải cứu đội bóng Thái Lan vào phút chót của bác sĩ người Úc

Theo BS Trương Hồng Sơn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU