Ảnh minh hoạ
Trên thực tế, cha mẹ thường có những yêu cầu khắt khe đối với con cái, không giống như những người lớn tuổi luôn nghĩ đến việc làm cho cháu vui vẻ và hài lòng với mọi thứ. Nhiều đứa trẻ được ông bà nuông chiều, muốn gì cũng được, không cần hỏi tại sao. Tuy nhiên, việc chiều chuộng này không đem lại lợi ích cho trẻ.
Các nhà tâm lý học tại Đại học Harvard đã đưa ra kết luận về vấn đề này: Trẻ có quá nhiều đồ chơi hoàn toàn không tốt cho trí não.
Trong một thí nghiệm, người ta chia 36 đứa trẻ thành 2 nhóm, mỗi nhóm 18 người. Nhóm trẻ thứ 1, mỗi đứa trẻ được cho 18 món đồ chơi. Nhóm trẻ thứ 2, mỗi đứa trẻ được cho 4 món đồ chơi.
Kết quả cho thấy, nhóm trẻ thứ 2 rất thích chơi với những món đồ mình hiện có, thậm chí còn sáng tạo, đổi mới cách chơi. Còn nhóm trẻ thứ 1 vì quá nhiều đồ chơi nên chỉ một lúc là chán, không tập trung chơi được cái nào quá lâu, cũng chẳng bộc lộ cảm xúc vui thích khi có đồ chơi.
Giải thích về kết quả khác biệt này, các nhà khoa học cho rằng có 2 yếu tố chính:
- Ảnh hưởng đến sự chú ý của trẻ
Quá nhiều đồ chơi sẽ không mang lại cho trẻ nhiều niềm vui, ngược lại còn khiến chúng mất tập trung, không có hứng thú. Trẻ dễ dàng chơi một món đồ nào đó trong thời gian ngắn, chúng không cần phải đợi tìm hiểu cách chơi, cũng không thấy thú vị với món đồ này và dễ dàng chuyển sang thứ khác hấp dẫn hơn.
- Không có ý thức về việc nâng niu
Nếu có nhiều đồ chơi, trẻ sẽ không trân trọng món đồ mình đang có. Khi trẻ quen với việc này, chúng sẽ không có cảm giác khao khát và nâng niu món đồ chơi mới nào nữa.
Vậy nên, các phụ huynh có nên cất bớt đồ chơi của con? Câu trả lời là nên. Hai nhà công tác xã hội ở Đức, Rainer Strick và Elke Schubert đã thực nghiệm ở một trung tâm chăm sóc trẻ bằng cách cất đi tất cả đồ chơi ba tháng liên tục mỗi năm và chỉ để cho bọn trẻ bàn và khăn trải. Quan sát phản ứng của trẻ, họ nhận thấy ban đầu bọn trẻ rất buồn chán nhưng vào ngày thứ hai, các em bắt đầu sắp xếp lại những cái bàn và sáng tạo ra các trò chơi với những chiếc khăn bàn. Càng lúc các em càng tỏ ra tập trung hơn, đối thoại nhiều và tương tác với nhau nhiều hơn.
Nhà giáo dục học Steiner Waldorf từ lâu đã nhận ra những hiệu quả tích cực của việc thay thế đồ chơi hiện đại bằng những thứ đơn giản, gần với tự nhiên như vỏ sò, sợi dây… để khuyến khích các em sáng tạo.