Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên: Chìa khóa giúp con bước qua giai đoạn “khủng hoảng”

Tuổi vị thành niên là ở sau tuổi thiếu nhi và trước tuổi trưởng thành. Đây là giai đoạn chuyển tiếp nhưng là một giai đoạn khác biệt và quan trọng trong cuộc sống con người. Cha mẹ cần có những kiến thức cần thiết để đồng hành, giúp con bước qua tuổi vị thành niên một cách nhẹ nhàng nhất, thông minh nhất với những hành trang cần thiết vào đời.

Tư vấn sức khỏe sinh sản cho vị thành niên ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh: TL

Các giai đoạn tuổi vị thành niên

Vị thành niên (người sắp đến tuổi trưởng thành) là những em kể cả trai và gái, thuộc lớp người từ 10 đến 19 tuổi. Lớp tuổi vị thành niên này được chia ra ba nhóm: Từ 10 đến 13 tuổi là nhóm vị thành niên sớm; Từ 14 đến 16 tuổi là nhóm vị thành niên giữa; Từ 17 đến 19 tuổi là nhóm vị thành niên muộn.

Sự phân chia này dựa theo đặc điểm ít nhiều khác nhau về phát triển cơ thể và tâm sinh lý của lứa tuổi vị thành niên, để việc chăm sóc sức khoẻ cho phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tuy vậy cách phân chia này cũng chỉ có tính tương đối.

Với bé gái: Bắt đầu từ 8-13 tuổi, trung bình 15 tuổi, hoàn tất 13-18 tuổi. Về phát triển cơ thể: Với các em gái bộc lộ đầu tiên là ở vú (từ núm vú nhỏ đã nhô lên rõ hơn và hình thành quầng vú và bầu vú. Có thể một vú hơi to hơn bên đối diện, đó là hiện tượng bình thường. Vú phát triển đầy đủ sau 18 tháng). Đồng thời với sự phát triển của đôi vú nở nang là sự phát triển xương chậu (khung chậu nữ tròn hơn và rộng hơn so với khung chậu của nam), xương đùi, các mô mỡ hình thành các đường cong duyên dáng thiếu nữ, buồng trứng bắt đầu hoạt động đánh dấu bằng hiện tượng kinh nguyệt...

Thay đổi sinh lý: Thông thường hàng tháng 1 nang noãn phát triển đến trưởng thành, sau 2 tuần nang vỡ (phóng noãn), phần vỏ nang phát triển thành hoàng thể. Nang noãn tiết oestrogen, hoàng thể tiết progesterone. Trong khoảng 1 năm đầu vòng kinh thường không có phóng noãn nên kinh nguyệt không đều, thời gian hành kinh cũng thay đổi.

Với bé trai, xuất hiện từ 10-15 tuổi. Trẻ sẽ “vỡ tiếng”, có ria mép xuất hiện lúc đầu mọc ở góc môi rồi lan ra khắp môi trên, sau đó đến phần trên của má, và vùng môi dưới, dưới cằm. Số lượng lông ở mặt do di truyền. Tinh hoàn to lên và hoạt động để sinh ra chất nội tiết sinh dục nam và tinh trùng.

Về hoạt động ngoại tiết: Tinh bào được sản xuất từ ống sinh tinh trở thành tiền tinh trùng, qua mào tinh thành tinh trùng trưởng thành. Tinh trùng được tập kết tại túi tinh.

Hoạt động nội tiết: Tinh hoàn tiết testosterone. Túi tinh và tuyến tiền liệt sản xuất phần lỏng của tinh tương. Biểu hiện xuất tinh, những lần đầu là mộng tinh (xuất tinh khi ngủ). Tinh trùng được sản xuất liên tục.

Những thay đổi về tâm lý

Với những đặc điểm sinh lý riêng biệt, trẻ muốn khẳng định mình nên dễ thay đổi tính cách, hành vi ứng xử được thể hiện như sau:

Tính độc lập: Bắt đầu có xu hướng tách ra, ít phụ thuộc vào cha mẹ. Chuyển từ sinh hoạt gia đình sang sinh hoạt bạn bè, tín ngưỡng để đạt được sự độc lập. Đôi khi chống đối lại bố mẹ, vì vậy các bậc phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, nhưng phải kiên trì, mềm dẻo, linh hoạt để tránh chạm tự ái đến tổn thương tinh thần.

Về nhân cách: Cố gắng khẳng định mình như một người lớn vì vậy có những hành vi bắt chước người lớn.

Về tình cảm: Chuẩn bị cho mối quan hệ yêu đương (xuất hiện tình yêu bạn bè, khó phân biệt đâu là tình yêu, đâu là bạn bè, dễ mơ mộng, khi đổ vỡ niềm tin dễ chán nản), học cách biểu lộ tình cảm và điều khiển cảm xúc, phát triển khả năng yêu và được yêu, tỏ thái độ thân mật trong quan hệ với người khác.

Tính tích hợp: Những thông tin thu thập được từ cha mẹ, nhà trường, xã hội, bạn bè, người trung gian, các hoạt động văn hóa là cơ sở để tạo ra giá trị của bản thân tạo niềm tự tin và cách ứng xử.

Về trí tuệ: Vị thành niên thường thích lập luận, suy diễn nhìn sự vật theo quan điểm lý tưởng hóa. Giai đoạn phát triển đặc biệt này chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ của các điều kiện văn hóa, giáo dục, kinh tế của môi trường gia đình và xã hội đồng thời cũng là giai đoạn gây nhiều lo ngại cho các bậc cha mẹ và cho cộng đồng. Tuổi vị thành niên ở mỗi nền văn hóa có những đặc điểm riêng nhưng nói chung còn bộc lộ tính phụ thuộc, sự khủng hoảng về nhân cách và hoang mang về tâm lý mà như nhiều người đã nhận xét, các em đang muốn khám phá chính mình. Tuy trưởng thành về mặt cơ thể nhưng vị thành niên vẫn cần phải được giúp đỡ, giáo dục của nhà trường, gia đình để hình thành nhân cách phát triển đúng hướng.

Hậu quả về hành vi tình dục sớm

Do sự phát triển cơ thể chưa hoàn chỉnh, vì vậy hành vi tình dục ở độ tuổi vị thành niên thường không kiểm soát và thường dẫn đến thai nghén ngoài ý muốn. Nếu mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ liên quan đến một số hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ tình dục như nạo phá thai, sẩy thai, sinh thiếu cân, đẻ non, thai nhỏ so với tuổi thai, tử vong mẹ. Đây thực sự là một thảm họa, là gánh nặng cho bản thân, cho gia đình và xã hội.

Chính sự mang thai ở tuổi vị thành niên cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển thể chất và tâm sinh lý cũng như phát triển trí tuệ sau này.

Quan hệ tình dục không an toàn có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang là nỗi lo ngại của cộng đồng (lậu, giang mai, HIV...).

Các bậc phụ huynh cần làm gì để giáo dục trẻ?

Phải dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể như cách từ chối tình dục, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm... Tùy theo lứa tuổi mà có phương thức, nội dung phù hợp. Ở trường học nên tổ chức vào giờ ngoại khóa, sinh hoạt chủ đề, phòng tư vấn và tùy nội dung có thể nam, nữ học riêng. Tại nhà bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện tâm sự, giữa mẹ với con gái, bố với con trai. Đây chính là chìa khóa giúp con biết cách tự vệ, giữ gìn bản thân ở mọi hoàn cảnh, khi người khác có cái nhìn khiếm nhã, có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi, dụ cho ăn uống, cho quà... Vấn đề mấu chốt là trang bị cho con gái lứa tuổi vị thành niên kỹ năng sống và biết cách từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ bạn tình; những cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để giúp con tránh được những nguy cơ có thể đến với chúng.

Hậu quả về kinh tế, xã hội với vấn đề thai sản và sinh đẻ ở tuổi vị thành niên

- Hạn chế khả năng học tập hoặc bỏ học dẫn đến giảm cơ hội tìm được việc làm tốt hoặc từ bỏ quyền làm mẹ, có khi giết đứa trẻ mới sinh hoặc bi quan tự sát, làm gái mại dâm... Điều kiện kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của cả mẹ và con.

- Nhà nước phải chi trả trực tiếp trợ cấp về y tế, xã hội để giải quyết khó khăn cho mẹ và con; làm tăng tốc độ phát triển dân số; điều kiện chăm sóc trẻ và sức khỏe của người mẹ không được tốt.

Theo giadinh.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU