Chàng trai hơn 22 năm đi làm chuyện bao đồng, giúp đỡ người khuyết tật: "Nhìn họ vui mình cũng thấy ấm lòng"

Bao nhiêu năm nay, những ngày cuối tuần của Toàn đều dành cho việc thiện nguyện, nếu không phải là đi giúp đỡ những bệnh nhân ung thư, người khuyết tật, anh lại tìm về những vùng quê nghèo khó để san sẻ yêu thương.

Châu Thành Toàn không còn là một cái tên xa lạ đối với những người yêu thích, đam mê công việc thiện nguyện. Suốt hơn 22 năm, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh là người truyền cảm hứng cho rất nhiều các bạn trẻ. Ngoài công việc là một y tá tại Trạm y tế phường Đa Kao (quận 1, TP.HCM), anh Toàn còn là thủ lĩnh của nhóm thiện nguyện SV07 (thuộc Hội Chữ thập đỏ Tây Ninh).

         
 
   
         
 
   

Anh Toàn và nhóm hỗ trợ các vận động viên khuyết tật từ việc di chuyển đến chăm lo sức khỏe để tạo tâm lý thoải mái cho mọi người

"Mình chỉ muốn giúp đỡ những người kém may mắn hơn"

Năm 15 tuổi, anh đã bén duyên với các chương trình hành động do đoàn, phường tổ chức. Từ những công việc đơn giản như nhặt rác, trồng hoa, thu bán ve chai ủng hộ tiền cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn đến trường… Tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, thiệt thòi mà bệnh nhân ung thư, người khuyết tật phải gánh chịu, niềm đam mê thiện nguyện trong anh lớn dần lên.

Với mỗi hoàn cảnh, anh Toàn đều lắng nghe, tâm sự bằng cả tấm lòng của mình để xóa bỏ mọi khoảng cách, giúp mọi người gần gũi, thân quen hơn

Để hiện thực hóa niềm đam mê ấy, anh thành lập nhóm thiện nguyện SV07 để cùng các bạn tham gia vào việc hỗ trợ các vận động viên khuyết tật, chia sẻ cùng bệnh nhân ung thư hay trao tặng hàng trăm xe đạp, phần quà, xây nhà tình thương đến với bà con nghèo, trẻ em vùng sâu vùng xa. Suốt 17 năm cùng SV07, có những lúc khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ anh Toàn lại có suy nghĩ bỏ cuộc bởi việc mà anh đang làm không chỉ giúp đỡ được rất nhiều người mà con đem lại hạnh phúc cho chính anh.

"Mình đã chọn rồi nên không thấy gì là khó khăn cả. Mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm đối với anh, nhìn hình ảnh những em nhỏ bị ung thư, ngày một gầy yếu khiến anh không thể kiềm lòng được. Anh tự hứa với chính mình cần phải hành động nhiều hơn nữa để phần nào đó san sẻ yêu thương đến những người kém may mắn hơn mình", anh Toàn tâm sự.

         
 
   
         
 
   

Anh cùng nhóm SV07 cũng thiết kế riêng cúp để tặng VĐV tham gia

Mỗi tháng, thu nhập của anh được hơn 5 triệu đồng, anh dành riêng 1 triệu để bỏ vào quỹ từ thiện. Những lúc cần đi tỉnh để hỗ trợ người khuyết tật đi thi đấu, anh cùng những tình nguyện viên SV07 sẵn sàng bỏ tiền túi để di chuyển và ăn uống.

"Làm từ thiện nếu có tâm mà không có tiền thì không làm được. Nên phải có các mạnh thường quân là những người đồng hành, họ có thể hỗ trợ bằng vật chất hoặc thủ tục giấy tờ. Họ không chỉ giúp nhóm một lần mà rất nhiều lần, nhờ vậy mà đến nay nhóm thực hiện các chương trình đều đặn", anh Toàn cho biết.

Công việc hỗ trợ cho các VĐV khuyết tật luôn được nhóm anh Toàn duy trì nhiều năm nay

         
 
   
         
 
   

Niềm vui của những TNV khi tham gia vào công việc ý nghĩa này

Thế nhưng, nhiều lúc anh cũng gặp không ít rắc rối vì "lo việc bao đồng". "Những ngày đầu người ta không tin tưởng, nói ra nói vào nên cũng buồn. Lúc đó mình cũng còn trẻ chưa có kinh nghiệm, nhưng vẫn quyết định ‘làm dâu trăm họ’, miễn là giúp được ai đó", anh Toàn nói.

Niềm vui và sự tôn trọng

Hơn 22 năm làm thiện nguyện, những lần hỗ trợ bồng, bế vận động viên trong cuộc thi thể thao dành cho người khuyết tật luôn mang lại cho anh nhiều cảm xúc nhất.

"Được tiếp xúc và kết bạn với những gương mặt tiêu biểu, anh và nhóm SV07 được truyền cảm hứng rất nhiều từ họ, những con người yếu thế nhưng vẫn không ngừng vươn lên. Hơn ai hết, họ cần sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng", anh cho biết.

Niềm vui, hạnh phúc của anh Toàn khi được thực hiện những công việc ý nghĩa

Chị Nguyễn Thị Sari (35 tuổi), người nhiều năm đạt HCV các kỳ ASEAN Para Games tâm sự: "Mình tham gia từ năm 2009 cho đến nay thì đã quen anh Toàn cùng các bạn SV07. Anh và nhóm là những người hỗ trợ di chuyển, chuẩn bị lịch thi đấu cho các vận động viên như mình. Nhờ có anh và nhóm hỗ trợ một phần mà mình mới đạt được những thành tích như ngày hôm nay, để thay đổi cuộc đời".

         
 
   
         
 
   

Anh Toàn và nhóm trò chuyện với chị Sari, mấy năm nay mọi người đã coi nhau như những người thân thiết trong một gia đình

Em Trần Gia Nghi (9 tuổi), có cả ba lẫn mẹ đều bị khuyết tật cho biết: “Sau này lớn lên em muốn giúp đỡ những người như ba mẹ em giống mấy anh chị”

"Đôi khi ước mơ của các anh chị khuyết tật chỉ là được đi tắm biển được leo núi, được tham gia các cuộc thi để chứng tỏ mình. Những lúc nhìn họ nhận giải, họ được leo núi, xuống biển họ khóc vì xúc động làm mình cũng không kìm lòng được. Xem như mình góp một chút công sức nhỏ nhoi thực hiện ước mơ của họ", chị Lê Thị Ngọc (28 tuổi), một tình nguyện viên của SV07 cho biết.

Anh Toàn hy vọng, sau mỗi chuyến đi, sau mỗi việc làm của nhóm sẽ tiếp thêm nghị lực cho những người có hoàn cảnh yếu thế hơn. "Người nghèo, người khuyết tật cũng cần niềm vui và sự tôn trọng. Nhóm thiện nguyện SV07 cũng từ quan niệm đó của anh mà ra", anh Toàn chia sẻ.

         
 
   
         
 
   

Niềm vui, sự sẻ chia của những người làm thiện nguyện giúp các VĐV khuyết tật cảm thấy vui vẻ, tự tin hơn trong cuộc sống

Bạn Lưu Hải Phong cảm thấy hạnh phúc khi đã góp một phần sức lực để hỗ trợ mọi người

Tham gia hỗ trợ cho nhóm, bạn Lưu Hải Phong, sinh viên Trường ĐHKHXH&NV cho biết: "Mình hạnh phúc về mình vì cảm thấy bản thân vẫn may mắn hơn ai hết khi sinh ra cơ thể lành lặn và phát triển bình thường. Mình chỉ muốn dùng cảm xúc, sự đồng cảm của mình để động viên, ủng hộ những người khuyết tật vượt qua những khó khăn chông gai trước mắt".

         
 
   
         
 
   

Những chuyến đi thiện nguyện, những công việc ý nghĩa luôn được anh Toàn và nhóm SV07 duy trì để giúp đỡ những phận đời kém may mắn

Có lẽ đối với anh Toàn cũng như các bạn trong nhóm SV07, việc được tham gia hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đã trở thành một phần của cuộc sống. Bất cứ làm việc gì, đi đến đâu, cực khổ ra sao, miễn là đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những phận đời kém may mắn, anh Toàn và SV07 sẵn sàng tìm đến và hỗ trợ. Bởi theo anh "sống là cho đâu chỉ nhận cho riêng mình". 

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/chang-trai-hon-22-nam-di-lam-chuyen-bao-dong-giup-do-nguoi-khuyet-tat-nhin-ho-vui-minh-cung-thay-am-long-22020111223344705.htm

 

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU