Chất lượng không khí Hà Nội ở mức "nguy hại" cho sức khoẻ người dân

Bầu trời Hà Nội 2 ngày liên tiếp âm u và mờ đục, các trạm quan trắc chất lượng không khí đều cảnh báo mức độ "xấu", "rất xấu" và đặc biệt "nguy hại" tới sức khoẻ người dân.

Sáng 5/1, hệ thống cảm biến chất lượng không khí PAM Air tại khu vực Hà Nội, các điểm đo phổ biến hai màu tím và nâu, cho thấy chất lượng không khí nội thành ở mức "rất xấu" và "nguy hại". 

Cùng lúc đó, Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô lúc 9h sáng cũng biểu thị ở mức 233, "rất xấu", "người dân bị ảnh hưởng sức khoẻ nhiều hơn, hạn chế hoạt động ngoài trời". Điểm quan trắc của Tổng cục môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên cũng ở mức 179. 

Với thang đo này, 179 ứng với mức "xấu", cảnh báo những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em, những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Bầu trời Hà Nội mờ đục 8h sáng 4/1

Sang ngày 5/1, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện

Theo ghi nhận, bầu trời Hà Nội từ ngày hôm qua (4/1), sang hôm nay đều âm u và mờ đục. Các chuyên gia lý giải, mùa này nền nhiệt ở gần mặt đất thường thấp, thậm chí thấp hơn nền nhiệt ở tầng trên nó, nên không xảy ra hiện tượng đối lưu luân chuyển nhiệt, bụi bẩn từ dưới lên trên. Đây còn gọi là hiện tượng nghịch nhiệt, không khí bẩn đọng lại, lơ lửng ở khoảng không từ 500m xuống mặt đất. 

Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội nhận định, trong nội thành, việc người dân sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu chưa được loại bỏ. Ngoại thành cứ đến thời điểm thu hoạch lúa, bà con đốt rơm rạ bừa bãi, phát sinh khói, bụi làm ô nhiễm không khí. 

"Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng môi trường của thành phố còn nhiều tồn tại, hạn chế, thậm chí có lúc, có nơi gây bức xúc dư luận", Sở cho biết. 

         
 
   
         
 
   
         
 
   

Trước đó, ngày 30/12/2020, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã công bố nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi trong giai đoạn giao mùa.

Từ đó, Bộ đề nghị Hà Nội và TP.HCM thu hồi phương tiện giao thông cũ nát như một giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/chat-luong-khong-khi-ha-noi-o-muc-nguy-hai-cho-suc-khoe-nguoi-dan-162210501125622972.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU