Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) báo cáo, trong 2 tuần đầu tháng 11, chất lượng không khí tại Hà Nội có xu hướng diễn biến xấu. Nồng độ PM2.5 tăng dần qua các ngày, đặc biệt tăng cao vào nửa đêm và đầu giờ sáng - các khoảng thời gian lặng gió và hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra.
Từ sáng sớm, ánh nắng mặt trời đốt nóng lớp không khí sát mặt đất, các chất ô nhiễm được phát tán, chất lượng không khí sẽ được cải thiện. Vào buổi tối, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp không khí phía trên do quá trình bức xạ hồng ngoại, dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt.
Theo ghi nhận, đầu tháng 11/2019, từ ngày 5-6/11, nồng độ PM2.5 đã vượt quy chuẩn tại hầu hết các trạm. Đối với các thông số NO2, CO, SO2, O3 nồng độ vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN.
Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm chỉ ra chất lượng không khí tại hầu hết các trạm ở mức kém (101 – 200), riêng tại trạm Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) trong ngày 6/11, đạt mức xấu (201 -300).
Khói bụi gây ô nhiễm, vô tình đẩy những tòa nhà cao ốc lùi vào khoảng trắng vô tận.
Vào giờ tan tầm, các phương tiện giao thông gần như ken đặc, thải ra lượng lớn khói bụi.
Tại Hồ Tây, chỉ số chất lượng không khí chiều 11/11 ở mức kém. Tuy nhiên, người dân vẫn lui tới tập thể dục.
Ngày 11/11, ghi nhận của chúng tôi, tại các khu vực như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân,... khói bụi khiến bầu trời trắng xóa, mờ ảo, tầm nhìn xa trong nội thành bị hạn chế. Nhiều tòa nhà cao tầng gần như mất hút.
Theo thông tin dự báo thời tiết, Hà Nội đang trong giai đoạn hanh khô, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng, đó là các điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Do đó, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa.
Những ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức kém, đặc biệt là khoảng thời gian ban đêm và đầu giờ sáng. Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.
Dù đã trang bị khẩu trang, nhưng người dân vẫn luôn trong tâm thế "sống chung với lũ".
Các công trình xây dựng, mật độ giao thông tăng cao,... là 2 trong số nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay tại Hà Nội.
Theo Trí thức trẻ