Cháu bé 2 tuổi nguy kịch từ vết côn trùng cắn: Cảnh báo căn bệnh đã bị lãng quên

Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu đã tiếp nhận hai trẻ bị sốt mò. Trẻ bị sốt cao liên tục nhiều ngày không hạ sốt, kèm theo bỏ ăn, co thắt phế quản, tràn dịch màng phổi.

Nguy kịch vì mò cắn

Bệnh nhi Tráng A. D. 48 tháng tuổi nhà ở xã Phiêng Cành, Tân Lập, Mộc Châu được người nhà đưa vào viện cấp cứu vì bị sốt liên tục. Khi vào viện các bác sĩ đã điều trị sốt 3 ngày thì nốt côn trùng đốt mới hiện rõ dưới da. Đó là vết côn trùng đốt. Bệnh nhi được chẩn đoán sốt mò.

Theo gia đình của bệnh nhi, khi bị côn trùng đốt trẻ không có dấu hiệu gì nên gia đình đã chủ quan.

Trường hợp của bệnh nhi khác là một bé gái được người thân đưa vào cấp cứu khi cháu bé có biểu hiện sốt cả chục ngày nay. Cháu bé có biểu hiện sốt cao, chân tay tê mỏi. Cháu được đưa lên viện ĐK huyện Mộc Châu điều trị nhưng không cắt sốt và có biểu hiện bỏ ăn, người phù nề, khó thở co thắt phế quản, kiểm tra siêu âm cháu bị tràn dịch màng phổi.

Vết mò cắn trên đùi của bệnh nhi D.

Gia đình xin chuyển tuyến cho cháu về Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi làm các xét nghiệm thì phát hiện cháu bị nhiễm độc do côn trùng đốt, nếu không điều trị kịp thời có khả năng dẫn đến suy thận, suy tim và teo não.

Sốt mò là bệnh truyền nhóm C trong Luật bệnh truyền nhiễm. Bệnh được truyền sang người qua côn trùng trung gian ấu trùng mò. Con mò vừa là vật chủ vừa là vectơ truyền bệnh; người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác

Bệnh bị lãng quên

Theo PGS Nguyễn Văn Châu – nguyên bác sĩ khoa Côn trùng học, Viện sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương cho biết, sốt mò xuất hiện nhiều ở các nước nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Nhiều năm trước, tại các tỉnh miền núi như Yên Bái sốt mò được đánh giá đã quay trở lại.

Điều đáng quan tâm, PGS Châu cho biết nhiều năm không có bệnh sốt mò nên người dân và cán bộ y tế cơ sở đã "lãng quên" bệnh này. Do đó những người bị sốt đến trạm xá, cán bộ y tế xã không nghĩ đến bệnh sốt mò, và nếu nghi là bị sốt mò cũng không có thuốc điều trị. Vì vậy trạm y tế xã phải gửi lên tuyến trên, khi lên bệnh viện tuyến trên bệnh đã nặng, đe dọa đến tính mạng.

Bệnh có biểu hiện đa dạng, bao gồm sốt, vết loét ngoài da, phát ban, sưng hạch, tổn thương nhiều cơ quan và phủ tạng, có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị thích hợp và kịp thời.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nhi - Phạm Hồng Tươi - BV Đa khoa Mộc Châu cho biết thời gian ủ bệnh của sốt mò kéo dài từ 6 ngày đến 21 ngày (trung bình từ 9 đến 12 ngày).

Người bệnh thường sốt cao đột ngột; người bệnh sốt cao liên tục, có thể kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người. Trên da của người bệnh sẽ xuất hiện xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân; xung huyết kết mạc mắt.

Bệnh sốt mò được truyền từ con mò

Ngoài ra, có vết loét trên da, đây là dấu hiệu đặc hiệu của bệnh sốt mò; vết loét có hình bầu dục, kích thước từ 0,5-2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, không tiết dịch; các vết loét thường không đau, khu trú ở những vùng da mềm như nách, ngực, cổ, bẹn, bụng.

 

Một số trường hợp người bệnh còn bị sưng hạch lympho, hạch sưng tại chỗ vết loét và hạch toàn thân; hạch có kích thước 1,5- 2cm, mềm, không đau, di dộng bình thường. Gan to, lách to: có thể gặp ở khoảng 40% số người bệnh sốt mò. Một số trường hợp có thể có vàng da.

Sốt mò cũng gây tổn thương phổi, người bệnh thường có triệu chứng ho, nghe phổi có thể có rales; một số người bệnh có biểu hiện tràn dịch màng phổi; những trường hợp sốt mò nặng có thể có khó thở, suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong.

Ngoài ra, sốt mò cũng có thể gây ra bệnh viêm cơ tim, viêm màng não, viêm não gặp ở một số ít các trường hợp. Người bệnh có đau đầu, có thể có rối loạn ý thức. Nếu không được điều trị kháng sinh thích hợp, người bệnh sốt mò có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng hô hấp và tim mạch gây tử vong. 

Các trường hợp nhẹ và vừa có thể bị sốt kéo dài 3 - 4 tuần, sau đó người bệnh hết sốt nhưng những triệu chứng mệt mỏi có thể còn kéo dài trong thời gian một vài tuần.

Để phòng bệnh sốt mò, mọi người cần tránh ngồi nằm phơi quần áo đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây; khi đi phát nương làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát vào rừng cần mang giầy và tất, chít ống quần. Phát quang thảm thực vật quanh nhà chọn lọc các đám thực vật có nhiều ấu trùng mò.

Theo Trí Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU