Thời tiết nồm ẩm những ngày đầu năm ở miền Bắc khiến nhiều trẻ nhỏ bị ốm, cảm sốt hoặc húng hắng ho. Để hạn chế việc này, vợ Đăng Khôi khuyên các bậc làm cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của trẻ, nhất là khi bé ngủ. Tiết trời nồm ẩm, trẻ dễ bị vã mồ hôi, cần phải lau ngay để tránh cảm lạnh và các bệnh về đường hô hấp.
Các bố mẹ cũng nên vệ sinh tai, mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý Nacl 0,9%. Chăn, ga, gối của trẻ cần thường xuyên thay giặt, phơi ở nơi thoáng gió, có ánh sáng tự nhiên hoặc phải được sấy khô. Đặc biệt, khăn mặt, khăn tắm, quần áo, tã lót phải được giặt sạch, phơi khô và nên là kỹ trước khi sử dụng nhằm loại bỏ những dị nguyên gây bệnh.
Hạn chế để trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tiếp xúc với nhiều người và tuyệt đối tránh để bé ở cùng người đang mắc bệnh (kể cả các bệnh thông thường như ho, sổ mũi). Cũng không nên nuôi chó, mèo, không hút thuốc lá, không gây ồn ào… ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ sơ sinh cần vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt bàn tay nên thường xuyên được rửa bằng xà phòng diệt khuẩn.
Bà mẹ trẻ cũng cho biết, khi trời chuyển lạnh đột ngột, việc giữ ấm cho cơ thể bé là điều quan trọng nhất, đặc biệt là hai bàn chân, ngực, cổ và đầu. Khi ra ngoài vào buổi tối, Thủy Anh luôn mang đầy đủ áo ấm, mũ, khăn và găng tay cho bé.
Tuy nhiên, ủ bé quá kỹ mọi lúc mọi nơi cũng không phải là điều nên làm, đặc biệt là khi nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa. Như Ken, con trai đầu của Thuỷ Anh là một cậu bé hiếu động nên thường chạy nhảy tới toát mồ hôi. Nếu không chú ý giúp bé lau khô, mồ hôi sẽ thấm ngược trở lại cơ thể, khiến bé bị lạnh và dẫn đến viêm phổi. Bởi vậy, Thủy Anh khuyên các mẹ thường xuyên kiểm tra xem con có bị ra mồ hôi hay không để kịp thời lau khô hoặc thay áo trong cho bé.
Cuối cùng, các mẹ đừng quên cho bé uống đủ nước. Thủy Anh cho rằng, nhiều cha mẹ chỉ chú ý đến chế độ nước cho bé vào mùa hè mà quên mất, mùa đông, bé cũng rất cần uống đủ nước.
Bà mẹ hai con cũng cho hay, khi trẻ chớm bị ho, các mẹ nên áp dụng ngay các mẹo dân gian để giúp bé nhanh khỏi, tránh việc dùng thuốc, kháng sinh khiến trẻ mệt mỏi. Khi lạm dụng thuốc còn có thể dẫn tới phản ứng phụ, tình trạng kháng kháng sinh…
Một số mẹo dân gian dễ thực hiện và có thể áp dụng là:
Nước quất xanh, mật ong: 2-3 quả quất xanh, rửa sạch, cắt ngang, để nguyên cả vỏ và hạt. Mang quất trộn với đường phèn hoặc mật ong rồi hấp cách thủy đến khi quất chín. Lưu ý là dằm cả vỏ, bỏ hạt, để nguội cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.
Lê + đường + xuyên bối: Chọn trái lê to, bỏ vỏ, cắt nắp, khoét bỏ lõi. Bỏ vào bên trong lê 2-3 cục đường phèn nhỏ. 5-6 hạt xuyên bối (mua ở quầy thuốc Đông y). Cho lê vào hấp cách thuỷ chừng 30 phút. Ngày cho bé ăn 2 lần. Có tác dụng chữa ho, viêm phổi, tiêu đờm.
Nước củ cải luộc: Củ cải trắng, cắt khoảng 4-5 lát cho vào một nồi nhỏ, châm bát nước, đun sôi, sau đó để lửa liu riu thêm 5-10 phút. Cho bé uống nước này khi còn nóng ấm điều trị ho, khô mũi, đau hong, ho khan, có đờm.