Điều đó có nghĩa, nhận thức con người được hình thành bởi môi trường xung quanh. Hầu hết thái độ của một đứa trẻ với thế giới ra sao đều xuất phát từ cha mẹ, trường học và ngoài xã hội. Ở nhiều nước châu Á, cha mẹ thường dạy con với tư tưởng: "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa". Chính tư tưởng "bài xích" sự giàu có và đầy cam chịu này đã gián tiếp khiến con bạn không có chí hướng phấn đấu cho tương lai.
Hàn Quốc lại là một trường hợp ngoại lệ. Thay vì "bài xích", họ có một quan điểm mới trong cách giáo dục, đó là: "Làm trẻ em giàu có trong tương lai". Theo đó, bất kỳ một đứa trẻ nào cũng có thể trở thành người giàu có và hạnh phúc.
Ngày nay, để nuôi dạy một đứa trẻ hoàn hảo, rất nhiều bậc phụ huynh cho con học thêm những môn nghệ thuật như múa, hát,... và trau dồi thêm cả các kỹ năng cảm xúc. Tuy nhiên, khía cạnh giáo dục tài chính vô cùng quan trọng lại ít nhiều bị quên lãng. Việc nuôi dưỡng con giàu có về mặt tinh thần là tốt nhưng cũng đừng bỏ bê khía cạnh giàu có về vật chất.
Giáo dục tài chính cho con cần bắt đầu như nào?
Giống như các hình thức giáo dục khác, giáo dục tài chính cũng rất phức tạp. Bố mẹ trước khi dạy con cần phải tìm hiểu kỹ để có các phương pháp thích hợp, liên kết được các tình huống thực tế trong gia đình với thực trạng xã hội.
Theo T. Harv Eker, giáo dục tài chính cần thực hiện theo từng bước. Ở mỗi độ tuổi, trẻ cần có cách tiếp nhận khác nhau về sự giàu có. Điều đó cũng có nghĩa với mỗi độ tuổi, bố mẹ sẽ dạy con một nội dung trọng tâm khác nhau, cụ thể như sau:
3 tuổi: Nhận biết giá trị của tiền tệ. 5 tuổi: Giúp trẻ hiểu được lao động là được trả bằng tiền đồng thời yêu cầu trẻ giúp đỡ những công việc trong gia đình. 6 tuổi: Cho trẻ học cách đếm số tiền lớn và học cách tiết kiệm tiền. 7 tuổi: Xem tỷ giá và quy đổi với tiền trẻ đang sở hữu. 8 tuổi: Dạy trẻ cách mở tài khoản ngân hàng để tiết kiệm tiền và có thể tiết kiệm tiền cho mình. 9 tuổi: Trẻ có thể tự lên kế hoạch kiếm tiền và mặc cả với người thuê mình. 10 tuổi: Biết cách tiết kiệm tiền và mua những mặt hàng có giá trị cao. 11 tuổi: Học cách đánh giá các quảng cáo thương mại. Tìm được hàng hóa giá rẻ, có chất lượng tốt và hiểu được khái niệm hàng giảm giá. 12 tuổi: Biết trân trọng đồng tiền và luôn có ý thức tiết kiệm. Sau 12 tuổi: Có thể tham gia đầy đủ các hoạt động thương mại, quản lý tài chính, giao dịch và các hoạt động khác trong xã hội mình đang sống. |
Cũng theo T. Harv Eker, bố mẹ cần phải đưa ra cho con những bài học thiết thực để hiểu rõ hơn những khái niệm về tài chính. Chẳng hạn sau khi dạy con cách sử dụng tiền thì bố mẹ có thể dạy luôn con cách kiếm tiền.
Đừng bao giờ dạy con tiết kiệm tiền bằng mọi cách, cũng đừng dạy con tiêu tiền là xấu. Thay vào đó, hãy cho con một không gian để khám phá nhằm tạo ra thói quen tiêu dùng thông minh qua các bài học thực tiễn.
Theo Tri Thức Trẻ