Theo Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ và trên đường phố phải thực hiện theo các quy định tại Điều 18 về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ và Điều 19 về dừng xe, đỗ xe trên đường phố. Trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định liên quan đến dừng xe, đỗ xe thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Mặt khác, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng đã quy định về việc sử dụng đường phố, các hoạt động khác trên đường phố và trên đường bộ; đồng thời quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và Ủy ban nhân dân các cấp.
Như vậy, nếu đoạn đường không cấm đỗ thì tài xế đậu xe ở đó không hề phạm luật. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
Tài xế không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí ở Khoản 4 Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008: đỗ xe bên trái đường một chiều; Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; Nơi dừng của xe buýt; Che khuất biển báo hiệu đường bộ …
Tài xế cũng không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Trở lại với trường hợp tài xế đỗ xe ô tô chắn trước cửa nhà, nếu tài xế đỗ sai nơi quy định, chủ nhà có thể tố giác, gọi điện cho lực lượng CSGT đến xử lý. Cụ thể, tùy trường hợp mà tài xế vi phạm mà mức phạt áp dụng ở mức 300-400 ngàn đồng hoặc từ 600-800 ngàn đồng.
Nếu chủ nhà có hành động mắng chửi, đập phá gây tổn hại cho tinh thần, sức khỏe của chủ xe, gây hư hại cho xe, tài xế hoàn toàn có quyền kiện ngược lại chủ nhà, mức phạt tiền có thể lên đến từ 2- 5 triệu đồng do thực hiện hành vi “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nguồn: Thành viên diễn đàn Lamchame.com tổng hợp