Xin chào PGS Thư, tình hình dịch Covid-19 khá phức tạp và còn nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa xác định nguồn lây. Trong khi đó, việc xét nghiệm mở rộng cũng gây nhiều bất cập như người dân đến xét nghiệm đông, chen nhau ví dụ như ngày 5/7 tại chợ Bình Điền TP HCM… Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào? Việc mở rộng xét nghiệm nên triển khai như thế nào?
PGS Lê Thị Anh Thư: Tôi muốn nhấn mạnh thông điệp mà không có người dân nào không biết: Đó là 5K của Bộ Y tế. Trong 5K này, có 2K rất quan trọng là Khoảng cách và Không tụ tập. Làm gì cũng phải tuân thủ 5K này. Việc xét nghiệm mở rộng là cần thiết nhưng việc tuân thủ 5K và hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện 5K theo tôi là cần thiết hơn. Nếu không tuân thủ triệt để 5K này, tôi e rằng chúng ta sẽ không khống chế được dịch.
Theo bà, TPHCM cần thực hiện các biện pháp nào để phù hợp với thực tế hiện tại?
PGS Lê Thị Anh Thư: Không nên áp dụng chỉ tiêu số lượng cần xét nghiệm hàng ngày cho người dân. Tôi đọc báo thấy nói TP HCM đưa ra chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 người trong một ngày. Tôi không biết cơ sở nào để có con số này, nhưng để có được con số này, nhiều khi chúng ta sẽ bị áp lực chạy theo con số trong khi nguồn lực chúng ta không đủ, như vậy tất nhiên sẽ không thể theo đúng quy trình, và sẽ tạo nguy cơ.
Tôi nói ví dụ rất đơn giản như theo đúng nguyên tắc lấy mẫu tại cộng đồng, người ngồi chờ lấy mẫu phải ngồi ngăn cách vói khu vực thực hiện lấy mẫu, chứ không thể xếp hàng ngay trong khu vực lấy mẫu như hiện tại.
Chen chúc xin giấy xét nghiệm.
Tôi được biết trong số xét nghiệm sàng lọc tại chợ Bình Điền, có khoảng 100 người dương tính. Vậy có bao nhiêu người đã ở cạnh các bệnh nhân dương tính này trong lúc lấy mẫu sẽ trở thành F1 "bất đắc dĩ"?
Chúng ta sẽ không chỉ cách ly những người trước đây tiếp xúc gần với 100 người này, mà còn phải cách ly cả những người đến lấy mẫu cùng thời điểm. Tạo ra những F0, F1 do tập trung đông người do lấy mẫu là điều nên tránh.
Ngoài ra, mẫu chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu. Chúng ta sẽ sàng lọc trong cộng đồng với tần suất như thế nào? Từng trường hợp chúng ta phải xem lại liệu có cần thiết hay không? Tôi ví dụ về chuyện lấy mẫu cho học sinh thi tốt nghiệp.
Ngày 7/7 thi, ngày 3/7 lấy mẫu. Những em đã âm tính của ngày 3/7 có chắc là sẽ tiếp tục âm tính vào ngày 7/7 không? Chắc chắn không. Như vậy, cho dù đã lấy mẫu sàng lọc trước, ngày 7/7 đi thi các em vẫn có thể bị lây nhiễm như thường.
Trong khi đó, những em phát hiện dương tính vào ngày 3/7 lại có thể lây cho các em được lấy mẫu cùng lúc, cùng nơi, và lại phải đi tầm soát thêm các em bị "xui xẻo" lấy mẫu cùng thời gian đó, cùng địa điểm đó? Thay ví lấy mẫu tầm soát như vậy, tại sao mình không dành nguồn lực đó mà tổ chức thi sao cho thật an toàn như xếp chỗ đủ giãn cách, không cho các em tiếp xúc nhau sau khi thi…
Trong tình hình hiện tại, theo tôi chỉ cần thực hiện xét nghiệm sàng lọc tại những nơi nguy cơ cao như bệnh viện, nhân viên y tế, những người có triệu chứng và không nhất thiết phải xét nghiệm khẩn cấp các trường hợp có tiếp xúc gần với người F0 hoặc sàng lọc cả công ty, cả khu dân cư có người F0.
Khi chưa kịp lấy mẫu, ví dụ trường hợp có F0 ở những khu công nghiệp, trường học, công sở, khu dân cư mà không lấy mẫu kịp thì cứ xem như những người F1 này đều có thể đã có F0 và cho họ cách ly ngay tại nhà hoặc tại nơi làm việc.
Không nhất thiết phải tạo áp lực điều tra ngay lập tức để chấp nhận vi phạm nguyên tắc "không tập trung" và "khoảng cách". Việc lấy mẫu vài ngày sau đó cũng vẫn giảm nguy cơ lây nhiễm hơn tập trung lấy mẫu khẩn cấp để rồi tăng lây lan nhanh hơn.
Có nên thực hiện xét nghiệm tại nhà hoặc tư vấn cho người dân bằng các video hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm qua test nhanh kháng nguyên hay không?
PGS Lê Thị Anh Thư: Các nước hiện nay đã làm vậy. Tùy theo từng điều kiện của từng quốc gia, việc lấy mẫu tại nhà được áp dụng khác nhau. Một số nơi có đủ nguồn lực, họ khuyến khích người dân chủ động khai báo khi nghi ngờ, và họ đến tận nơi để xét nghiệm. Các nơi khác thì cho phép và hướng dẫn người dân tự xét nghiệm tại nhà.
Việc tự xét nghiệm tại nhà rất cần sự tuân thủ của người dân theo hường dẫn, đặc biệt là xử lý chất thải xét nghiệm. Do đó, nếu áp dụng phải được tổ chức, hướng dẫn kỹ, và đòi hỏi ý thức cao của người dân trong phòng chống lây nhiễm.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/chu-tich-hoi-kiem-soat-nhiem-khuan-tp-hcm-khong-the-chay-theo-xet-nghiem-ma-vi-pham-5k-161210607160718837.htm
Theo ttvn.vn