Lễ này mang ý nghĩa đánh dấu việc kết thúc một năm cũ và chuẩn bị bước sang một năm mới. Thông thường, lễ cúng tất niên được tiến hành vào chiều hoặc tối 30 Tết (với tháng đủ) hoặc 29 Tết (với tháng thiếu), trước lễ cúng Giao thừa.
Song tùy điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình mà thời gian cúng có thể khác nhau trong mấy ngày cuối cùng của năm. Trong tháng Chạp năm Canh Tý (tháng 12 năm 2020 Âm lịch), có 3 ngày tốt để làm lễ cúng lễ tất niên, là ngày 28, 29 và 30.
Trong đó, ngày 30 tháng Chạp (tức 11/2/2021 dương lịch): Ngày Canh Dần, Lục nhâm Tiểu cát.
Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh chia sẻ trên Vietnamnet, để tiến hành lễ cúng tất niên, các gia đình sửa soạn, trang hoàng bàn thờ với mâm ngũ quả, hương, hoa tươi, đèn nến đầy đủ; trang hoàng nhà cửa với hoa mai, cành đào, chậu quất... tùy theo phong tục từng vùng miền.
Sau khi hoàn tất việc sửa soạn nhà cửa, gia chủ chuẩn bị mâm cỗ cúng tất niên. Mâm lễ cúng tất niên thường có: Mâm ngũ quả, hương hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét).
Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon, bày biện đầy đặn, trang nghiêm. Trong đó, nếu cúng mặn thì không thể thiếu gà trống.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Linh, Trưởng Phòng Phong thủy Kiến trúc, Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị, lễ vật cúng tất niên của 3 miền Bắc - Trung - Nam có những đặc trưng riêng.
-
Những loại quả nên và không nên chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên đán
Trong đó, mâm cỗ tất niên miền Bắc thường gồm 4 bát, 4 đĩa, hoặc cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa…có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Cụ thể:
Mâm cỗ tất niên miền Bắc: bánh chưng; dưa hành; giò nạc, giò thủ; nem; rau nộm; măng ninh lưỡi lợn; mọc nước; 3 bát cơm.
Mâm cỗ Tết của miền Trung: bánh chưng, bánh tét; dưa món củ kiệu; giò lụa; thịt đông; gỏi gà bóp rau răm; nem; măng ninh khô; canh miến; cá chiên hay ram; cơm 3 bát.
Mâm cỗ Tết của miền Nam: bánh tét; dưa giá củ kiệu; thịt heo luộc; thịt kho tàu; gỏi cuốn; nem; gỏi tôm thịt; măng tươi ninh; khổ qua nhồi thịt; cơm 3 chén.
Văn khấn cúng Tất niên chiều 30 Tết Nguyên đán theo hướng dẫn của của Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh trên Vietnamnet:
Thắp nến và thắp 9 nén nhang rồi khấn:
Bái lạy cha mẹ, ông bà cùng gia tiên tiền tổ nội ngoại.
Hôm nay là ngày... tháng... năm... ngày cuối cùng của năm cũ chuẩn bị đón chào năm mới.....
Chúng con nhất tâm quy mệnh lễ thành kính, xin được sửa soạn lễ vật, tiền vàng cùng sơn hào hải vị, nhang đăng bái mời cha mẹ, ông bà cùng gia tiên tiền tổ nội ngoại, toạ hạ trước lễ dưới án thờ gia tiên tại tổ đường để thụ hưởng và chứng lễ cho tấm lòng thành kính của chúng con.
Con cầu xin tổ tiên, phù hộ độ trì cho con cháu đón xuân vui vẻ, bước sang năm mới với vận khí mới, niềm vui mới, luôn được mạnh khoẻ, hạnh phúc, thành đạt.
Chúng con xin cầu nguyện cho gia tộc họ.... vận khí luôn hanh thông, vạn sự được cát tường như ý, cầu tài tài đến, cầu phúc phúc lai, cầu lộc lộc tồn, nhân an vật thịnh hưởng vinh thụ huệ, để dòng họ sinh ra được nhiều người hiền tài phụng sự đất nước làm rạng danh dòng tộc.
Đó là âm đức mà gia tiên tiền tổ ngàn đời đã lưu truyền lại cho con cháu đương thời, chúng con xin kê đầu bái thủ ghi lòng tạc dạ hồng ân của gia tiên.
Chúng con xin đa tạ (3 lần).
(Tổng hợp)
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/chuan-bi-mam-co-cung-tat-nien-sao-cho-dung-nhat-161211102083201702.htm
Theo ttvn.vn