Chứng mộng du ở trẻ: Nguyên nhân và tuyệt chiêu khắc phục giúp bé ngủ ngon

Mộng du ở trẻ cũng không khác mấy so với mộng du ở người lớn. Vào ban đêm khi đang say giấc, trẻ bỗng bật dậy và có những hành động khác thường...

Thế nào là hiện tượng trẻ mộng du trong lúc ngủ?

Mộng du ở trẻ cũng không khác mấy so với mộng du ở người lớn. Vào ban đêm khi đang say giấc, trẻ bỗng bật dậy và có những hành động khác thường, ánh mặt đờ đẫn vô thức, sang ngày hôm sau, trẻ hoàn toàn không nhớ những gì mình đã làm vào tối hôm trước, cơ thể tỏ ra uể oải. Đây chính là hiện tượng mộng du ở trẻ.

Theo nghiên cứu cho thấy, có khoảng 15% trẻ đều trải qua hiện tượng mộng du và hơn một nửa trong số đó nằm ở độ tuổi 8 đến 12, mỗi lần mộng du kéo dài khoảng 5 đến 30 phút. Ngoài ra, trẻ từ 4 đến 10 tuổi sẽ xuất hiện biểu hiện mộng du hơi khác so với độ tuổi lớn hơn. Khi mộng du, trẻ thường quơ tay múa chân loạn xạ, miệng gào thét v.v…

Và nhìn chung, dù ở độ tuổi nào thì khi bị mộng du cũng chứng tỏ trẻ đang bị trở ngại về giấc ngủ. Hiện tượng mộng du thường xảy ra ở thời điểm 1/3 giấc ngủ sâu, tương đương sau khi ngủ được 2 tiếng.

Nguyên nhân khiến trẻ bị mộng du

Theo các chuyên gia sức khỏe, nguyên nhân khiến trẻ bị mộng du thường là:

- Trở ngại tâm lý hoặc giao tiếp xã hội, chẳng hạn như trẻ phải xa mẹ hoặc áp lực học tập v.v…

- Ban ngày trẻ quá ham chơi, khiến cơ thể mệt mỏi quá mức gây ra khó ngủ, dẫn đến tình trạng bị thiếu ngủ mà dễ gây ra mộng du.

- Trẻ mộng du cũng có thể do di truyền. Các nghiên cứu đã chứng minh, nếu trong gia đình có người bị chứng mộng du thì khả năng trẻ mắc phải cũng cao hơn.

- Trẻ bị bệnh cũng khó có giấc ngủ tốt. Những áp lực do bệnh tật gây ra trong cơ thể khiến trẻ dễ bị mộng du. Vì vậy, trước khi xác định có phải trẻ có bị mộng du hay không, bạn cần hiểu rõ tình trạng sức khỏe của trẻ.

5 chiêu cải thiện chứng mộng du để trẻ có giấc ngủ ngon

Thực tế, khi đã xác định trẻ thật sự bị mộng du, bố mẹ cũng không nên quá hoảng loạn và lo lắng. Bởi vì đại đa số chứng mộng du sẽ tự thuyên giảm và khỏi hẳn theo sự phát triển của trung khu thần kinh khi trẻ trưởng thành. Việc của bạn là nắm vững vài bí quyết để cải thiện tình trạng hiện tại cho trẻ.

Đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc

Bất kể trẻ ở độ tuổi nào và có những sinh hoạt khác nhau ra sao, bố mẹ luôn cần phải sắp xếp thời gian biểu hợp lý để tránh trẻ bị thiếu ngủ. Bạn nên tập cho trẻ có thói quen ăn uống, học tập, vui chơi và ngủ nghỉ đúng thời gian quy định.

Đặc biệt, trẻ từ 4 đến 6 tuổi nhất định phải có giấc ngủ trưa và tránh để trẻ vui chơi hay căng thẳng quá mức. Có như vậy, trẻ mới tạo được thói quen ngủ khoa học và có giấc ngủ chất lượng.

Luôn cho trẻ cảm giác an toàn

Trẻ từ lúc mới chào đời đã quen với hơi ấm của mẹ, của người thân trong gia đình. Nếu vì lý do gì đó mà không có người lớn bên cạnh sẽ khiến trẻ khó ngủ, ngủ không sâu, dễ mộng du.

Vì vậy, bạn nên dành một ít thời gian để vỗ về trẻ trước khi ngủ, hoặc tập cho trẻ nghe nhạc nhẹ để có cảm giác an toàn.

Tuyệt đối không nên trách mắng hay phạt trẻ quá nghiêm khắc

Cho dù kết quả học tập của trẻ không tốt, hay trẻ có hành động phạm sai lầm thì bố mẹ chỉ nên nhẹ nhàng nhắc nhở, giảng giải, khuyên nhủ để trẻ sửa chữa.

Phụ huynh không nên động một chút là lớn tiếng trách mắng, đánh đòn con trẻ. Điều này dễ khiến trẻ bị tổn thương, sợ hãi mà ảnh hưởng giấc ngủ.

Hạn chế tối đa những thứ khiến trẻ sợ hãi

Tâm hồn trẻ vẫn còn đơn thuần, yếu ớt, dễ bị tác động từ bên ngoài. Bạn không nên kể chuyện kinh dị, hoặc có hành động bạo lực trước mặt con trẻ. Những ảnh hưởng tâm lý khiến trẻ sợ hãi sẽ đi theo vào giấc ngủ, gây ra chứng mộng du.

Đánh thức trẻ trước thời điểm trẻ hay bị mộng du

Nếu xác định trẻ bị mộng du khi ngủ, bố mẹ nên để ý quan sát nắm bắt thời điểm nào chứng mộng du sẽ xảy ra. Sau đó, cứ đến giờ đó, bạn có thể gọi trẻ dậy, nhớ là phải nhẹ nhàng thôi, sau đó lại dỗ dành trẻ ngủ lại. Lặp đi lặp lại nhiều lần như thế có thể giảm bớt chứng mộng du, giúp trẻ có giấc ngủ dài và sâu hơn.

 

 

Theo emdep.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU