Chương trình giáo dục phổ thông mới không có cách đánh vần như trong các clip lan tràn trên mạng

GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định cách đánh vần lạ khiến nhiều người hoang mang không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Những ngày qua, dư luận hoang mang trước clip đánh vần lạ của một giáo viên lớp 1. Nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại trước cách đánh vần có phần phức tạp này.

Trao đổi với Zing.vn, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, đã có những chia sẻ về cách đánh vần 'lạ' cũng như sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục.

 Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục không phải sách giáo khoa

- Thưa giáo sư, nhiều phụ huynh có con học tiểu học hoang mang và lo lắng khi xem clip cô giáo hướng dẫn học sinh đánh vần theo kiểu mới. Ông đánh giá như thế nào về cách đánh vần này?

- Tôi có xem qua clip này. Cô giáo đã hướng dẫn học sinh đánh vần đúng theo sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại.

Đây không phải cách đánh vần mới xuất hiện mà đã được GS Hồ Ngọc Đại đưa vào thực nghiệm trong các trường tiểu học từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 được xem như tài liệu cụ thể hóa những nghiên cứu khoa học của GS Hồ Ngọc Đại. Sách được nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho phép đưa vào thực nghiệm ở một số trường tiểu học, xem như hình thức khuyến khích nghiên cứu khoa học.

Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục có cách phát âm lạ. Ảnh: Q.Q.

- GS Hồ Ngọc Đại cho hay hiện tại, 49 tỉnh thành áp dụng sách này. Như vậy, Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 với cách đánh vần khác đang tồn tại song song với sách giáo khoa hiện hành?

- Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 chỉ là tài liệu thực nghiệm khoa học, được phép dạy trong một số trường tiểu học. Do được chỉ đạo ghép với mô hình trường học mới (VNEN), nhiều tỉnh thành muốn áp dụng VNEN đã tiếp nhận sách này, đưa vào một số trường tiểu học ở địa phương mình.

Tuy nhiên, đây không phải sách giáo khoa nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; càng không phải sách viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Nếu không phải sách giáo khoa, tại sao vẫn có thể triển khai ở các trường tiểu học?

- Theo tôi biết, Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 được triển khai từ những năm 80 của thế kỷ trước; đến năm 2002 thì dừng vì Luật Giáo dục 2005 quy định thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước. Nhưng sau đó, như trên đã nói, sách vẫn được Bộ GD&ĐT tiếp tục cho phép thực nghiệm trong nhà trường.

Năm ngoái, đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc này. Bộ GD&ĐT đã thành lập một hội đồng thẩm định để xem xét, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp của sách. Tuy nhiên, theo tôi được biết, hội đồng cũng chỉ yêu cầu tác giả bỏ những từ ngữ không có tính thẩm mỹ, tính giáo dục và sửa một số nội dung không chính xác về mặt khoa học.

Sách tồn tại trái quy định của Luật Giáo dục?

- Như vậy, việc triển khai rộng sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1 là trái quy định của Luật Giáo dục?

- Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Bộ trưởng GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa”.

Trong tương lai gần, khi bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta sẽ thực hiện quy định “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” theo Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội.

GS Thuyết cho biết tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới không dạy lý thuyết ngôn ngữ. Ảnh: Bảo Ngọc.

- Theo GS, chúng ta có cần thiết thay đổi cách đánh vần như hướng dẫn trong sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục theo chương trình của GS Hồ Ngọc Đại?

- Đối với các lớp đầu cấp tiểu học, tinh thần chung của các chương trình giáo dục phổ thông từ trước tới nay là ưu tiên phát triển các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, không dạy lý thuyết ngôn ngữ học.

Khi thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, cách dạy đơn giản, hiệu quả là một yếu tố quan trọng để người dạy, người học lựa chọn sách.

- Một cuốn sách trở thành sách giáo khoa bắt buộc phải đáp ứng những tiêu chí nào, thưa ông?

- Bộ trưởng GD&ĐT đã ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Một trong những tiêu chuẩn quan trọng là sách giáo khoa được biên soạn theo đúng quy định của chương trình giáo dục phổ thông, không vượt quá yêu cầu của chương trình đối với mỗi lớp học, cấp học. Các hội đồng thẩm định sách giáo khoa sẽ lấy đây làm căn cứ quan trọng để xem xét, thông qua.

Theo news.zing.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU