Chuyện chưa từng có trong lịch sử của bến xe lớn nhất Tp.HCM

Dịch bệnh Covid-19 đã cuốn sạch doanh thu của bến xe lớn nhất Tp.HCM, kéo theo khả năng vỡ kế hoạch kinh doanh.

Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây (WCS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021. Theo đó, trong 3 tháng vừa qua, doanh thu của bến xe chỉ đạt 599 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 29 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trung bình, mỗi ngày, doanh thu của bến xe lớn nhất của Tp.HCM chỉ đạt khoảng 6 triệu đồng.

Nguyên nhân của việc giảm doanh thu này là do trong quý 3, bến xe gần như ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Tp.HCM thực hiện giãn cách xã hội nên nên doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh giảm đến 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu của bến xe chỉ đến từ việc trông giữ xe máy và thu phí dịch vụ xe ra, vào bến chở hàng hóa.

Cùng với sự sụt giảm doanh thu, chi phí trả lương nhân viên vẫn phải duy trì khiến Bến xe Miền Tây lỗ gộp hơn 7,5 tỷ đồng.

Hoạt động tài chính của bến xe trong tháng cũng bị sụt giảm mạnh. Hiện bến xe có hơn 153 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Lãi suất ngân hàng thời gian qua sụt giảm mạnh, bến xe cũng không đầu tư tài chính mà chỉ đem tiềm gửi ngân hàng nên giảm từ gần 4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn 1,5 tỷ đồng.

Tác động của Covid-19 đã khiến cho Bến xe Miền Tây lần đầu tiên kể từ khi doanh nghiệp công bố thông tin báo lỗ. Lũy kế 9 tháng, công ty vẫn có lãi sau thuế 14 tỷ đồng với tổng doanh thu 50 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 70% và 40% so với cùng kỳ 2020. So với kế hoạch kinh doanh cả năm, công ty này mới chỉ thực hiện hơn một phần ba chỉ tiêu doanh thu và một phần tư chỉ tiêu lợi nhuận.

Bến xe Miền Tây là bến xe lớn nhất Tp.HCM. Vốn điều lệ hiện tại của Bến xe Miền Tây là 25 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) sở hữu 51% cổ phần, chiếm quyền chi phối. Bến xe còn có một cổ đông chiến lược là Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình sở hữu 10% cổ phần. 39% còn lại do các nhà đầu tư khác nắm giữ.

Doanh mục các hoạt động kinh doanh của bến xe gồm: Khai thác và kinh doanh bến xe, vận tải hành khách công cộng liên tỉnh và nội địa, khai thác dịch vụ phục vụ trong bến xe, khai thác kinh doanh vận chuyển hành khách tham quan du lịch liên tỉnh và nội địa; Cho thuê mặt bằng và kiốt, bãi đậu xe vận tải hàng hóa; Giữ và chuyển hàng hóa, hành lý, bao, gói; Mua bán phụ tùng vật tư, ô tô, xăng dầu. Lau rửa, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô; Dịch vụ vui chơi giải trí, cho thuê nghỉ trọ và dịch vụ bốc xếp hàng hóa và lưu đậu qua đêm của phương tiện vận tải.

Cổ phiếu WCS là 1 trong số 2 cổ phiếu có thị giá lớn nhất trên sàn chứng khoán HNX. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/10, cổ phiếu này đạt 197.000 đồng/cổ phiếu, chỉ xếp sau cổ phiếu THD của Thaiholdings (229.500 đồng/cổ phiếu). Năm 2020, bến xe này chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ tới 516% (mỗi cổ phiếu nhận 51.600 đồng).

Trước ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, Tp.HCM đã ra quyết định dừng hoạt động dịch vụ vẩn tải hành khách để kiểm soát dịch bệnh từ ngày 20/6.

Các bến xe chủ yếu duy trì nguồn thu bằng hoạt động giữ xe tại bãi và thu phí vào cổng với phương tiện vận chuyển hàng hóa.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/chuyen-chua-tung-co-trong-lich-su-cua-ben-xe-lon-nhat-tphcm-16121161011505609.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU