Chuyện của người “bắt bệnh” ông Trời

Họ cũng đo khám như bác sĩ, nhưng không kê đơn, bốc thuốc mà dự báo “tâm trạng” vui buồn của… ông Trời. Tuy không ồn ào, hối hả như bao nghề khác, nhưng nó đòi hỏi ở họ đức hy sinh, sự tận tụy để vượt qua áp lực, hiểm nguy.

Một năm làm việc… 365 ngày

13h chiều một ngày cuối năm, Sa Pa (Lào Cai) chìm trong sương mù, trên đỉnh đồi nơi Trạm Khí tượng thủy văn đặt, ngoài tiếng gió rít lên từng đợt thì không có bóng người. Phải leo bộ lên tận nơi,chúng tôi mới thấy Hoàng Duy Hậu (26 tuổi) - nhân viên của Trạm Khí tượng thủy văn đang làm việc. Chàng thanh niên không mấy quan tâm đến những vị khách lạ bởi còn bận loay hoay kiểm tra các thiết bị máy móc và ghi các số liệu để gửi lên đài khu vực. Ngày nào cũng vậy, anh chàng phải làm bốn kỳ quan trắc vào 1h đêm, 7h sáng, 13h chiều và 19h tối để cập nhật bản tin dự báo thời tiết nhanh và chính xác nhất.

“Em từng làm việc ở đây 3 năm, sau đó chuyển lên một trạm khí tượng thủy văn ở Hà Giang. Cách đây 3 tháng, em lại chuyển về Sa Pa. Người ngoài thì thấy công việc đo khí tượng thủy văn nhạt nhẽo nhưng em thì chưa bao giờ biết chán. Sự phát triển của những vùng mây (trước và sau cơn mưa), các hiện tượng thời tiết không bao giờ trùng lặp, luôn mới mẻ, cuốn hút em từ ngày mới vào nghề cho đến tận bây giờ”, Hậu hào hứng kể.

Chị Thanh Nga, Trạm trưởng kiểm tra tình hình hoạt động của máy móc trước khi gửi bản tin đi đài khu vực. Ảnh: CT

Hiện tại, Trạm Khí tượng thủy văn Sa Pa có 3 người đang làm việc tại đây, bao gồm một Trạm trưởng và hai nhân viên. Công việc được chia đều cho từng người và phân công thay nhau trực liên tục để luôn đảm bảo tính liên tục, kịp thời và chính xác nhất. Chị Đào Thị Thanh Nga (39 tuổi), Trạm trưởng Trạm Khí tượng thủy văn Sa Pa cho biết: “Mỗi ca làm việc, một người quan trắc viên phải ghi chép tất cả các số liệu về khí tượng như: Nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, mưa, nắng, mây, quan trắc tầm nhìn ngang, quan trắc các hiện tượng khí tượng, nhiệt độ mặt đất, nhiệt kế khô, nhiệt kế ướt, bốc hơi...”.

Do đặc thù công việc nên một năm, những người làm quan trắc khí tượng thủy văn như chị Nga, chị Hội và Hậu phải làm đủ 365 ngày. Những khi ai đó có việc bận thì những người còn lại trực thay. Như năm ngoái, chị Hội quê tận Yên Bái nên đến hết ngày 29/12 âm lịch được ưu tiên về quê đón Tết.

Những người trẻ như Hậu sẽ trực Tết, sau đó đến mùng 2 hoặc mùng 3 thì đổi ca. “Năm đầu tiên trực Tết tại Trạm em cảm thấy buồn lắm. Giao thừa không được quây quần bên người thân, nhận mừng tuổi và lời chúc của ông bà, bố mẹ. Đến trưa, một người dân bản đi chơi Tết về mang cho em 1 chiếc bánh chưng và hỏi: Ngày mai, nắng mưa thế nào để tôi đi chơi xa hả cán bộ? Lúc ấy em vui lắm bởi cái nghề chẳng giống ai này lại giúp cho người dân nắm bắt được thời tiết để phục vụ sản xuất và đời sống”, Hậu kể.

Đo mây, đếm gió mỗi ngày

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trạm Khí tượng thủy văn Sa Pa được đặt trên ngọn đồi có độ cao 1.583m so với mực nước biển, cách trung tâm thị trấn sương mù Sa Pa hơn 1 km. Vì yêu cầu vị trí nằm ở nơi thoáng, ít cây cối và không bị che chắn nên khu vực đặt Trạm Khí tượng Sa Pa thưa thớt nhà dân. Theo chia sẻ, do thời tiết những năm gần đây có nhiều đợt thay đổi bất thường, có sương muối, băng tuyết khiến công việc của các quan trắc viên thêm vất vả. Để có một bản tin dự báo thời tiết phát sóng, phía sau đó là một chuỗi công việc thầm lặng của những người làm khí tượng thủy văn.

“Tại Sa Pa, nhiệt độ thấp nên phải quan trắc nhiều yếu tố hơn so với một số trạm. Nhớ hồi tháng 1/2016, khi có tuyết rơi, khách du lịch và một số người dân hô hào, thích thú lắm, còn mấy chị em ở Trạm Khí tượng thủy văn thì phải leo bộ hết điểm này sang điểm khác để quan trắc. Chúng tôi phải đo đạc độ dày của lớp tuyết rồi lấy trung bình của bao nhiêu hạt mưa đá cộng vào để chia trung bình. Tất cả những bước này đòi hỏi thao tác cần phải làm nhanh để có bản tin chính xác đến ban ngành chức năng và bà con nông dân” - chị Nga chia sẻ.

Chị Nga cũng tâm sự, năm ngoái có một cô thực tập sinh được phân công về Trạm Khí tượng thủy văn Sa Pa. Ngay hôm đầu đến thấy Trạm hoang vu, không có nhà dân xung quanh, cô thực tập sinh đó sợ quá, khóc cả đêm. “Hồi chưa có đường, bọn mình toàn đi tắt qua rừng cây để lên Trạm. Ngày mới lên đây, mình vẫn còn sợ ma lắm, nhưng làm vài tuần thì hết luôn cả sợ… Chúng tôi kể chuyện và động viên các bạn trẻ để vượt qua những phút xao lòng để hoàn thành công việc”, nữ Trạm trưởng chia sẻ.

Như đã thành thói quen, mùa đông dù lạnh giá đến mức nào, kể cả có băng tuyết thì cứ đến mốc giờ là các cán bộ dậy ra ngoài quan trác, ghi số liệu và kiểm tra xem máy móc để báo cáo lên Trung tâm.

“Đặc thù của cái ngành này là phải bám trạm. Nghĩa là đã làm việc thì phải ăn, ở, ngủ, nghỉ ở trạm luôn, để khi nào cũng có người canh và đo đạc số liệu. Báo cáo xong cũng không được đi đâu xa, đề phòng trường hợp số liệu có vấn đề thì sẽ phải đi đo lại. Mà cái nghề này cũng rất ngược đời, những lúc người ta cần phải trốn ông trời nhất thì lại là những khi chúng tôi phải phơi ra để đo mây, đếm gió. Lắm lúc, trời sấm chớp đì đùng, 1-2h sáng đi lên kiểm tra lều khí tượng một mình, tim cứ đập thình thịch như sắp nhảy ra khỏi ngực đến nơi”, chị Hội tiếp lời.

Ngoài áp lực công việc, quan trắc viên còn đối diện với sự lẻ loi đến cô độc. Do đặc thù công việc, các trạm khí tượng, thủy văn đặt cách xa khu dân cư, núi cao, sông nước hiểm trở nên chuyện cả ngày chỉ nghe tiếng chim muông, thác nước rì rào đã trở thành nỗi “ám ảnh” với nhiều người. Ngay cả những ngày lễ, Tết, họ vẫn lặng lẽ quan sát “tâm trạng” của đất, trời, sông nước, cho ra bản tin dự báo để mọi người an tâm nghỉ ngơi, du ngoạn.

Nữ Trạm trưởng và 2 cán bộ của Trạm Khí tượng thủy văn Sa Pa lạc quan chia sẻ rằng, công việc vất vả là vậy, nhưng nếu có niềm yêu thích, có đam mê thì sẽ học được nhiều điều rất hấp dẫn về thế giới tự nhiên mà chúng ta đang sống...Có đến đây mới biết, chuyện anh thanh niên làm quan trắc ở Sa Pa chặn đường tìm người nói chuyện không phải là do nhà văn Nguyễn Thành Long nói quá. Sự nhàm chán về mặt tinh thần ấy nhiều khi có thể bóp nghẹt được cả những trái tim tuổi trẻ còn hăng say nhất.

Như Trạm Khí tượng thủy văn Sa Pa quân số đủ là 5 người, nhưng mấy năm nay chỉ có 3. Năm ngoái, có bạn sinh viên mới ra trường xin về đây làm. Được đến tháng thứ ba thì cậu ta “gút bai” trạm rồi về quê luôn, còn không thèm đến nhận lương.

Anh Duy Hậu đang làm công việc quan trắc khí hậu, thời tiết, nhiệt độ và độ ẩm.

Ngày đầu tiên đến Trạm Khí tượng thủy văn Sa Pa nhận công tác, do quá lo lắng và hồi hộp nên Hậu không dám ngủ. Đến gần sáng, lúc báo cáo số liệu về trung tâm thì cậu mệt quá ngủ thiếp đi. “May lúc ấy một chị nhân viên mang nước nóng đến cho em phát hiện ra và nhắc nhở nên em gửi bổ sung kịp. Nếu không thì…”, Hậu kể.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU