Chuyên gia: 10 nguyên tắc vàng về dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid-19

TS BS Vũ Thị Thanh – Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết với bệnh nhân Covid-19, nếu bổ sung dinh dưỡng tốt, phù hợp sẽ giúp cơ thể nhanh sinh kháng thể chống chọi lại virus.

Theo TS Thanh, hệ miễn dịch có 3 loại: bẩm sinh, chủ động và bị động. Trong đó, hệ miễn dịch bẩm sinh là do cơ thể nuôi dưỡng và duy trì, phát triển nhờ năng lượng nội sinh và ngoại sinh. Ngoại sinh chính là chất dinh dưỡng hàng ngày.

Dinh dưỡng có thể giúp tăng khả năng miễn dịch, tăng sản xuất tế bào miễn dịch và bảo vệ sửa chữa mô. Vì vậy, với bệnh nhân Covid-19, dinh dưỡng càng quan trọng hơn.

Nếu bệnh nhân bị suy dinh dưỡng thì tế bào miễn dịch giảm cấu trúc, giảm chức năng. Nếu đưa dinh dưỡng vào một cách đơn lẻ (thành phần này thiếu, thành phần kia thừa) cũng làm thay đổi hệ miễn dịch, không phát huy được chức năng tối đa.

10 nguyên tắc vàng về dinh dưỡng với bệnh nhân Covid-19

Các nguyên tắc vàng về dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid-19 được TS Thanh khuyến nghị bao gồm:

Nguyên tắc 1: Cung cấp chất bột đường, ăn cơm hàng ngày ăn theo khuyến nghị 200 – 250 gram gạo tẻ/ngày. Nếu ăn cơm nên ăn ba bữa chính, 100 gram gạo được 200 gram cơm mỗi bữa.

Dinh dưỡng tốt giúp bệnh nhân nhanh phục hồi hơn. Ảnh minh họa

Nguyên tắc 2: Nếu ăn bún, phở tươi thì ăn khoảng 200 gram, ăn bánh mì 50 gram, bánh đa khô 50 gram, có thể ăn thêm khoai. Nếu không ăn thực phẩm ở nhóm bột đường thì cơ thể không có năng lượng cung cấp cho tế bào.

Nguyên tắc 3: Rau ăn trung bình 300 – 350 gram/ngày. Ăn rau theo mùa, ăn đa dạng. Rau cung cấp chất xơ và các vitamin. Rau không sinh năng lượng nhưng lại giúp quá trình chuyển hoá sinh năng lượng.

Nguyên tắc 4: Ăn các loại trái cây:

Theo TS Thanh, nên chọn các loại trái cây ít ngọt hoặc ngọt vừa như các loại dưa hấu, dưa lê... Ăn khoảng 200 – 300 gram trái cây/ngày chia làm 3 bữa phụ sáng, chiều, tối hoặc sau khi ăn bữa chính.

Các loại quả ngọt nhiều như sầu riêng, chuối tiêu thì chỉ ăn 100 gram/ngày vì 100 gram sầu riêng có 30 gram đường.

Nguyên tắc 5: Sử dụng chất đạm

Chất đạm xây dựng cấu trúc tế bào nên rất quan trọng với tế bào miễn dịch. Có thể bổ sung đạm động vật và thực vật. Một ngày ăn thêm 50 gram thịt (lợn, gà, bò), 80 gram cá, 60 gram đậu phụ. Đây là khối lượng khuyến cáo chung, còn tùy mỗi bệnh nhân có thể tăng, giảm.

Nguyên tắc 6: Chất béo

Đây là nền tảng cho màng tế bào khoẻ mạnh. Người bệnh nên ăn một ngày 20 ml chất béo. Nếu xào đồ ăn thì dùng 10 ml dầu ăn. Nếu ăn rau luộc thì ăn thêm vừng, lạc cũng cung cấp đủ chất béo. Khi bị sốt, dầu ăn thực vật có thể giúp giảm viêm, giảm sốt tốt hơn chất béo động vật.

Nguyên tắc 7: Chỉ nên dùng 15 gram đường/ngày. Có thể uống nước hoa quả như nước cam, pha thêm 3 thìa cà phê đường. Có những bệnh nhân không sử dụng đường, thay thể bằng cách ăn thêm 100 gram quả ngọt trung bình hoặc chuyển sang mật ong.

Nguyên tắc 8: Sử dụng muối 6 gram/ngày. Mỗi bữa nên sử dụng 2 gram muối, nếu sử dụng thêm nước mắm thì nên nhớ 5ml nước mắm có 2 gram muối. Mục đích ăn đủ muối là để không làm tăng gánh nặng tuần hoàn cho bệnh nhân Covid-19. Vì nếu tăng gánh nặng tuần hoàn có thể gây phù phổi.

Nguyên tắc 9: Uống đủ nước. Bệnh nhân không tiêu chảy dưới 55 tuổi uống 40 ml nước/kg cân nặng, trên 55 tuổi uống 35ml/kg cân nặng. Nếu bệnh nhân sốt thì bổ sung thêm nước.

Nguyên tắc 10: Sử dụng sữa tươi cung cấp canxi cho chế độ ăn. Nếu không có sữa thì chế độ ăn chỉ đảm bảo 60% canxi trong chế độ ăn bệnh nhân cần.

Một số lời khuyên khác từ BS Thanh:

- Sử dụng các loại lá gia vị như đinh lăng, tía tô, kinh giới… giúp chống oxy hoá tốt cho bệnh nhân. Có thể sử dụng dưới dạng làm rau gia vị, hạn chế ăn sống.

- Sử dụng các loại trà như lá trà xanh, khi vào cơ thể sẽ sinh ra chất oxy cực mạnh có tác dụng với cơ thể tế bào hệ miễn dịch.

- Người bệnh mắc thêm bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận thì sẽ phải điều chỉnh số lượng, thành phần dinh dưỡng cho phù hợp hơn.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU